Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA LỚP 1:
Vẫn còn những băn khoăn
Thứ tư: 13:56 ngày 29/07/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tại huyện Gò Dầu, lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội, cơ quan này đã tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021 đến năm học 2024-2025.

Còn hơn một tháng nữa, chương trình, sách giáo khoa mới chính thức được triển khai ở cấp tiểu học, cụ thể là lớp 1. Vừa qua, Đoàn đại biểu Quốc hội có đợt giám sát về tình hình chọn sách giáo khoa lớp 1 cũng như công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cho năm học mới ở thành phố Tây Ninh và thị xã Trảng Bàng (Báo Tây Ninh đã đưa tin). Các địa phương còn lại, công đoạn lựa chọn sách giáo khoa cơ bản cũng đã xong. Vấn đề đặt ra bây giờ là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất trường lớp.

Phần lớn trường tiểu học trên địa bàn tỉnh lựa chọn bộ sách Cánh diều

KIẾN NGHỊ ĐIỀU CHỈNH HỆ SỐ LƯƠNG KHỞI ĐIỂM

Tại huyện Gò Dầu, lãnh đạo Phòng  Giáo dục - Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội, cơ quan này đã tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021 đến năm học 2024-2025.

Để  người dân hiểu rõ về chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như việc lựa chọn sách giáo khoa, Phòng GD&ĐT phối hợp với Phòng Văn hoá - Thông tin đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng và gia đình về chủ trương, mục đích, ý nghĩa của việc đổi mới chương trình SGK.

Phòng tổ chức kiểm tra việc tiếp nhận, bảo quản và sử dụng các phòng bộ môn, thiết bị dạy học, máy tính của các đơn vị, kịp thời chấn chỉnh việc bảo quản, sử dụng không hiệu quả gây lãng phí, kiểm tra việc thực hiện lựa chọn SGK lớp 1 đưa vào giảng dạy năm học 2020-2021 tại các trường tiểu học.

Việc chọn sách, Phòng chỉ đạo các trường tham gia góp ý tiêu chí lựa chọn SGK trên địa bàn tỉnh, triển khai quyết định tiêu chí lựa chọn SGK tới các trường trong huyện, ban hành văn bản hướng dẫn các trường thực hiện đúng quy trình lựa chọn SGK theo các tiêu chí do UBND tỉnh ban hành.

Năm học 2020-2021, theo thống kê, Gò Dầu có 2.364 học sinh lớp 1. Giáo viên dự kiến dạy lớp 1 là 190 người. Các trường đã có sự chuẩn bị về cơ sở vật chất để thực hiện chương trình, SGK mới như bảo đảm số phòng học 1 phòng/lớp, đăng ký các bộ thiết bị dạy học theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, cơ sở vật chất hiện nay mới đáp ứng đủ nhu cầu khi bắt đầu thực hiện chương trình, SGK lớp 1. Trong những năm tiếp theo, khi triển khai ở lớp 2, 3, 4, 5, các trường sẽ thiếu phòng máy và máy tính cho học sinh học Tin học theo chương trình bắt buộc.

Phòng chỉ đạo các trường rà soát thiết bị dạy học lớp 1, lựa chọn những thiết bị phù hợp để tiếp tục sử dụng cho những năm tiếp theo, đề xuất với Sở GD-ĐT cấp thiết bị dạy học cho lớp 1 bảo đảm 1 bộ thiết bị tối thiểu/lớp theo quy định.

Trên phương diện chuyên môn, đánh giá ban đầu, lãnh đạo Phòng cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực. Các phương pháp tích cực hoá hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực.

Các bộ SGK lớp 1 đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt đều có thiết kế mới, hấp dẫn về hình thức, cấu trúc, kênh hình, kênh chữ rõ ràng. Nội dung có sự phân hoá, sắp xếp theo trật tự chủ đề, cách dẫn dắt học sinh khám phá cái mới, cách tổ chức dạy học để tạo hứng thú cho học sinh.

Khó khăn, vướng mắc, theo đánh giá, SGK lớp 1 được Bộ phê duyệt và công bố còn chậm, số lượng SGK giao cho các đơn vị còn ít nên cũng gây khó khăn cho việc nghiên cứu, đánh giá từng bộ sách của các trường học.

Mỗi đơn vị lựa chọn một bộ SGK khác nhau cũng sẽ gây khó khăn cho việc tập huấn chuyên môn hoặc việc học sinh chuyển trường (vì chương trình nội dung các bộ sách không đồng nhất nên nếu chuyển đến trường khác có những nội dung của bài học mà học sinh chưa học tới gây khó khăn cho giáo viên khi cung cấp thêm kiến thức mới).

Hiện tại, cơ sở vật chất chưa đồng bộ, chưa bảo đảm để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, đa số các trường còn thếu các phòng học bộ môn, phòng chức năng. Đội ngũ giáo viên giảng dạy môn Tiếng Anh và Tin học chưa đủ đáp ứng giảng dạy vì từ năm học 2022-2023, khi môn Tiếng Anh và Tin học là hai môn dạy bắt buộc, không còn là môn tự chọn.

Để việc triển khai chương trình và SGK đạt hiệu quả cao hơn, lãnh đạo Phòng GD&ĐT Gò Dầu kiến nghị Trung ương, Quốc hội xem xét sớm thông qua đề án cải cách tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức.

Bộ Nội vụ xem xét thay đổi thông tư xếp hạng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non, tiểu học vì ngạch chức danh mức lương rất thấp (1.86). Đối với địa phương, UBND các cấp cần ưu tiên nguồn kinh phí đầu tư kiên cố hoá trường lớp, mở chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm- nhất là ngành học mầm non.

LO THIẾU GIÁO VIÊN NGOẠI NGỮ, TIN HỌC

Tại thị xã Hoà Thành, sau khi các bộ sách giáo khoa được Bộ GD-ĐT lựa chọn để sử dụng trong năm học 2020-2021, các tiêu chí lựa chọn sách ban hành, Phòng xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các trường trên địa bàn thành lập các hội đồng lựa chọn sách, thực hiện nghiên cứu, đánh giá từng bộ sách nhằm lựa chọn bộ sách phù hợp với điều kiện của từng địa phương đúng như tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh.

Hiện trên địa bàn Thị xã, một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý còn hạn chế về sử dụng tin học và ngoại ngữ. Đội ngũ giáo viên Tiếng Anh, Tin học cũng chưa đáp ứng đủ để dạy 4 tiết/tuần ở các  trường tiểu học.

Phòng phối hợp với các ngành chuyên môn của Thị xã quy hoạch mạng lưới trường, lớp phù hợp, có kế hoạch bố trí đủ quỹ đất theo quy định, đầu tư xây dựng đủ phòng học, phòng chức năng theo hướng kiên cố, đạt chuẩn và trang bị đầy đủ bộ thiết bị dạy học tối thiểu cho các trường để thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục.

Từ năm 2015 đến nay, Thị xã đã xây mới 105 phòng học và 161 phòng chức năng; cải tạo 241 phòng học và 44 phòng chức năng. Hiện nay, số trường đạt chuẩn quốc gia là 24 trường/tổng số 44 trường, chiếm tỷ lệ 54,54%, tăng 10 trường so với thời điểm năm 2015.

Tuy nhiên, hoạt động thực hành thí nghiệm cũng như các hoạt động giáo dục khác theo yêu cầu đổi mới, trang thiết bị ở các trường chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, chỉ có các trường đạt chuẩn quốc gia là có đầy đủ các phòng chức năng.

Đánh giá chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc đối với giáo viên và học sinh trong quá trình triển khai thực hiện, lãnh đạo Phòng nhìn nhận, tỷ lệ bố trí giáo viên/lớp theo đúng quy định của Bộ. Sách giáo khoa lớp 1 đã được Bộ phê duyệt, các cơ sở giáo dục có nhiều tài liệu giảng dạy để địa phương lựa chọn.

Mặc dù vậy, do tình hình dịch Covid-19 nên việc triển khai đến giáo viên có lúc còn chưa kịp thời- đặc biệt là việc tổ chức lựa chọn SGK và tập huấn giảng dạy theo SGK lớp 1, phần lớn là tập huấn trực tuyến nên chất lượng tập huấn chưa cao.

Sách giáo khoa lớp 1 được Bộ phê duyệt và công bố còn chậm, số lượng sách  đến các đơn vị chưa kịp thời, ít nên gây khó khăn cho việc nghiên cứu, đánh giá từng bộ sách giáo khoa của các trường. Phụ huynh học sinh chưa thực sự tham gia vào việc chọn sách giáo khoa lớp 1.

Mỗi đơn vị lựa chọn một bộ sách giáo khoa khác nhau gây khó khăn trong quá trình tập huấn hoặc trao đổi chuyên môn giữa các trường trong địa bàn. Giá của bộ sách giáo khoa lớp 1 dao động từ 179.000 đồng đến 199.000 đồng cũng là mức giá tương đối cao đối với học sinh vùng sâu và có hoàn cảnh khó khăn.

Cơ sở vật chất chưa đồng bộ, đa số các trường còn thiếu phòng học bộ môn, phòng chức năng, trang thiết bị một số đã xuống cấp. Một số phòng học bộ môn được thiết kế sử dụng chung (Tiếng Anh và Tin học) gây khó khăn cho việc tổ chức giảng dạy.

Đối với bậc tiểu học, từ năm học 2022-2023 sẽ thực hiện dạy học bắt buộc môn Tiếng Anh và Tin học ở 100% đơn vị, đội ngũ giáo viên Tiếng Anh, Tin học hiện nay cũng chưa đáp ứng đủ để dạy 4 tiết/tuần ở các điểm trường.

VIỆT ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục