BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khu du lịch Núi Bà Đen:

Vẫn còn tình trạng “chặt chém” 

Cập nhật ngày: 04/02/2017 - 09:25

BTNO - Trong dịp tết, chưa đến ngày chính thức khai mạc Hội xuân Núi Bà Đen (mùng 4 tết Đinh Dậu), trên mạng xã hội đã rộ lên nhiều thông tin phản ánh của du khách về tình trạng các hàng quán, bãi giữ xe xung quanh khu du lịch “chặt chém” du khách với giá “cắt cổ”, gây không ít hoang mang cho du khách.

Những ngày đầu xuân Đinh Dậu 2017, lượng khách đến tham quan Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen (khu du lịch), cúng viếng các chùa trên núi tăng cao. Việc giữ gìn an ninh trật tự, tổ chức các dịch vụ phục vụ du khách là nhiệm vụ rất quan trọng đối với chính quyền địa phương, Công ty cổ phần du lịch - thương mại Tây Ninh (Công ty Du lịch) và các đơn vị có liên quan. Tuy nhiên, trong dịp tết, chưa đến ngày chính thức khai mạc Hội xuân Núi Bà Đen (mùng 4 tết Đinh Dậu), trên mạng xã hội đã rộ lên nhiều thông tin phản ánh của du khách về tình trạng các hàng quán, bãi giữ xe xung quanh khu du lịch “chặt chém” du khách với giá “cắt cổ”, gây không ít hoang mang cho du khách.

Du khách trước bãi giữ xe tư nhân cổng sau khu du lịch.

thu quá GIÁ từ GIỮ XE

Như thông lệ, sau ba ngày tết, từ ngày mùng 4 đến hết tháng Giêng âm lịch, người dân trong, ngoài tỉnh Tây Ninh thường đến viếng thăm, cúng bái ở núi Bà. Mùng 4 tết hằng năm cũng là ngày UBND tỉnh tổ chức lễ khai mạc Hội xuân tại đây.

Đến khoảng 17 giờ ngày mùng 4, giờ cao điểm khai mạc Hội xuân, dòng xe cộ đổ dồn về khu du lịch nên tất cả các bãi giữ xe cả bên trong và bên ngoài đều đắt khách. Tại các điểm giữ xe do Công ty Du lịch tổ chức đều có niêm yết bảng giá khá lớn, được dựng ngay phía ngoài, ghi rõ giá “8.000đ/chiếc xe gắn máy”. Tuy nhiên, một số điểm giữ xe bên ngoài khu du lịch, nhất là các điểm ở khu vực cổng phía sau lại không niêm yết bảng giá. Từ cổng trước khu du lịch, theo con đường cặp hàng rào đi về phía cổng sau (hướng về huyện Dương Minh Châu), phóng viên ghi nhận có rất nhiều điểm giữ xe không trưng bảng niêm yết giá theo quy định. Một số điểm có niêm yết giá nhưng chỉ là những bản đánh máy vi tính trên tờ giấy khổ A4 với dòng chữ rất nhỏ. Không hiểu vô tình hay cố ý, hầu hết các điểm giữ xe không ghi giá giữ xe gắn máy. Cũng có điểm trưng bảng niêm yết giá 8.000đ/chiếc nhưng tờ giấy bị bong tróc, gập lại che khuất số 8 (?!). Theo quan sát của chúng tôi, những điểm giữ xe này hầu hết không có tên hiệu.

“Gửi xe đi anh, chạy vô phía trong không còn chỗ giữ xe đâu” – nhân viên các điểm này đều có chung “chiêu mời khách” như vậy, trong khi họ đứng tràn ra đường dang hai tay như muốn chặn xe cộ qua lại. Khi phóng viên hỏi giá, họ không ngần ngại “hét” 20.000đ/chiếc xe gắn máy và nói: “Gửi xe đến sáng hoặc vô chút anh ra lấy xe cũng chỉ 20.000đ. Phía trong giá giữ xe còn cao hơn nữa”. “Gửi xe ở đây phải đi bộ vào cổng khu du lịch xa quá”. Khi nghe chúng tôi than vãn như vậy, các nhân viên giữ xe ở một điểm cặp hàng rào khu du lịch nói ngay: “Cứ vào gửi xe đi, có người dẫn vào trong khu du lịch bằng “đường tắt”, khỏi lo tốn tiền vé. Còn không đi đường tắt thì có xe ôm đưa tới cổng, lo gì”.

18 giờ 42 phút ngày mùng 4 tết, chúng tôi cho xe gắn máy vào bãi giữ xe này. Sau khi cấp thẻ từ cho khách, các nhân viên đứng dọc hai bên đường trong bãi xe hướng dẫn chúng tôi chạy xe vào sâu phía sau bãi. Toàn bộ bãi xe gần như đầy ắp xe gắn máy, rất khó tìm một chỗ trống. Khi được hỏi về số lượng xe đang giữ trong bãi, anh nhân viên nhanh nhảu đáp: “Khu này khoảng 10.000 chiếc. Chưa tính khu vực phía bên kia”.

Khoảng 20 phút sau trở lại lấy xe ra, chúng tôi hỏi bao nhiêu, nhân viên giữ xe ra hiệu bằng cách giơ hai ngón tay lên (!?). Chúng tôi đưa tờ 50.000 ngàn đồng, nhân viên bãi giữ xe thối tiền thừa lại 1 tờ mệnh giá 20.000đ, 1 tờ 10.000đ. Chúng tôi thắc mắc: giá cao quá, nhân viên chỉ lắc đầu, không nói lời nào, khoát tay yêu cầu đi nhanh ra ngoài. Khoảng 10 phút sau, chúng tôi đứng quan sát tại điểm thu tiền thứ hai của bãi giữ xe này, thấy nhiều người khách đưa tiền giấy 20.000đ nhân viên không thối lại.

Ông Bùi Văn Đực, ngụ ấp Trà Sim, xã Ninh Điền, huyện Châu Thành bức xúc cho biết, hai vợ chồng ông vào bãi giữ xe có bảng hiệu “Bãi giữ xe 2 bánh cổng sau Núi Bà”, nhân viên thu 20.000đ/chiếc, ông thắc mắc sao thu cao hơn giá quy định 8.000đ, nhân viên không trả lời. Tại một điểm giữ xe khác, một cặp vợ chồng lấy xe ra khi được chúng tôi hỏi thăm cũng phàn nàn: “Thấy có bảng niêm yết giá 8.000đ, tôi mang xe vào gửi, nhưng khi mang xe ra họ kêu đưa 20.000đ”. Một cặp vợ chồng khác đã “quậy tưng” một điểm giữ xe “dã chiến” tại một bãi đất trống gần cổng sau khu du lịch khi nhân viên giữ xe thu của họ 20.000đ/chiếc. Người vợ đưa 20.000đ, không được thối lại, anh chồng cự nự, gần như “la làng” tại chỗ. Cuối cùng, nhân viên giữ xe buộc phải thối lại cho hai anh chị 10.000đ và xua tay đuổi đi chỗ khác, không quên kèm theo lời nói “để tôi làm ăn”. Đối với xe ô tô, các tài xế cho biết, các điểm giữ xe đều thu 30.000đ/chiếc, mặc dù giá niêm yết loại ô tô trên 9 chỗ ngồi cao nhất chỉ 20.000đ.

Chỉ trong đêm mùng 4 tết,  du khách gửi xe vào các bãi giữ xe như thế này, số tiền bị các chủ bãi giữ xe “ăn gian”, có thể lên đến con số hàng trăm triệu đồng, nhưng gần như không thấy có cơ quan chức năng nào xử lý. Cũng trong buổi chiều mùng 4, chúng tôi đã liên hệ với các cơ quan chức năng mong tìm được lời giải đáp cho câu hỏi: vì sao một bãi giữ xe “hoành tráng”, trang bị phương tiện kiểm soát hiện đại như vậy tại cổng sau khu du lịch lại có những hoạt động lạ lùng để đánh lừa du khách mà cơ quan chức năng “cho qua”? Vì sao cứ để xảy ra tình trạng các bãi giữ xe trên địa bàn quản lý của mình vô tư “chặt chém” du khách trong mùa Hội xuân Núi Bà Đen?

ĐẾN ĂN UỐNG

Sáng ngày 31.1, nhiều du khách phải trả 20.000 đồng cho một chai nước ngọt (loại trà thảo mộc Dr Thanh 350ml, Trà Xanh 00, Pepsi…) trong khi giá niêm yết chỉ từ 12.000 - 15.000 đồng/chai; 10.000 đồng/ly trà đá- cao hơn gấp 5 lần giá bình thường; từ 40.000 – 60.000 đồng cho một hộp cơm sườn hoặc một tô phở...

Mua cơm tại nhà mát số 10, chị Hằng (ngụ tỉnh Bình Dương) không khỏi giật mình nhưng vẫn phải thanh toán đến 50.000 đồng cho một hộp cơm sườn và 30.000 đồng cho 2 chai nước khoáng. Chị than phiền: “Giá ở đây có thể cao hơn bên ngoài, nhưng không thể cao đến như vậy được. Bán như vậy chẳng khác gì “chém” du khách”.

Cũng ăn uống tại nhà mát số 10, một du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh bức xúc khi phải trả 60.000 đồng cho 1 hộp cơm- cao hơn mức giá bình thường khoảng 3 lần. Vị khách này nói: “Tôi bị tính đến 120.000 đồng cho 2 suất cơm và 40.000 đồng cho 2 chai Pepsi (giá niêm yết chỉ 12.000 đồng/chai). Dù hết sức ấm ức, nhưng tôi cũng đành phải thanh toán, chẳng lẽ ngày tư ngày tết lại đi cãi nhau”. Khi chúng tôi hỏi vì sao giá nước đá, nước uống quá cao, nhân viên tại đây trả lời với thái độ khó chịu: “Có mua không? Không mua thì thôi”.

Tại nhiều cửa hàng khác, chúng tôi cũng thấy các loại thức uống được bán cao hơn từ 5.000 – 8.000 đồng/chai, với lý do nước được ướp lạnh, hoặc do có thêm nước đá nên phải tăng thêm tiền. Ngoài ra, một số loại hàng hoá khác như xoài, cóc, ổi, kem… cũng bị “hét giá” lên cao.

Sẽ kiên quyết xử lý

Ông Trần Anh Minh - Q. Tổng Giám đốc Công ty thương mại- du lịch núi Bà Đen cho biết, Hội xuân năm nay, Ban tổ chức quyết tâm chấn chỉnh tình trạng “chặt chém” du khách. Ban tổ chức đã yêu cầu các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống phải có bảng niêm yết cụ thể từng mặt hàng, phía dưới bảng có số điện thoại đường dây nóng của Ban tổ chức để du khách phản ánh khi bị “chặt chém”. Tại các bản hướng dẫn đường trong khu du lịch, Ban tổ chức đều có ghi số điện thoại đường dây nóng.

Ông Minh cho biết thêm, sáng mùng 5 tết, Ban tổ chức nhận điện thoại của du khách phản ánh về một địa điểm bán bánh mì với giá quá cao, nhân viên của Ban lập tức đến tìm hiểu và lập biên bản để xử lý.

Tuy vậy, vẫn còn một số cá nhân kinh doanh trong khu du lịch lợi dụng những ngày đông khách để “chặt chém” du khách. Để triệt xoá tệ nạn này trong khu du lịch, công ty sẽ có phần thưởng khuyến khích du khách phản ánh kịp thời, chính xác, tạo niềm tin cho du khách khi đến tham quan Khu du lịch núi Bà Đen.

ĐỨC TIẾN- SÔNG NINH- THIÊN TÂM- VŨ NGUYỆT

Sáng mùng 6 tết, trở lại bãi giữ xe đối diện cổng sau khu du lịch mà đêm mùng 4 tết nhân viên thu 20.000đ/chiếc xe gắn máy, chúng tôi thấy nhân viên bãi giữ xe này vẫn tiếp tục thu vô tư 20.000đ/chiếc.

Sau khi phóng viên điện báo cho lãnh đạo UBND Thành phố, lực lượng chức năng do ông Vương Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch thành phố dẫn đầu đến bãi giữ xe. Lúc này, chủ cơ sở là ông L.N.T đã kịp treo bảng niêm yết giá, nhưng lại để khuất vào phía trong. Khi lực lượng chức năng tiến hành lập biên bản, ông L.N.T đồng ý ký tên. Nội dung biên bản ghi: “Kết quả theo nội dung được kiểm tra như sau: Đề nghị chủ cơ sở niêm yết bảng giá thu phí dịch vụ giữ xe công khai nơi dễ nhìn thấy (cả 2 bãi giữ xe) nếu vi phạm thì xử lý theo quy định”.

Được biết, ông L.N.T thuê phần đất nêu trên của vợ chồng bà H với giá 40 triệu đồng/2 năm, Chi cục Thuế Thành phố đánh thuế 21 triệu đồng/tháng (thời gian xin phép hoạt động từ ngày 30.1.2017 đến ngày 30.2.2017, UBND phường Ninh Thạnh xác nhận với điều kiện: “Khi tổ chức giữ xe phải niêm yết giá đúng theo Quyết định số 66/2016/QĐ-UBND. Cụ thể: xe đạp, xe đạp điện 2.000đ/chiếc, xe máy, xe máy điện 8.000đ/chiếc, xe ô tô từ 4-9 chỗ ngồi 10.000đ/chiếc, xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở lên 20.000đ/chiếc. Không được chèo kéo khách đến tham quan, không gây mất an ninh trật tự…)”.