Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Phiên chất vấn diễn ra trong không khí sôi nổi, dân chủ, đã có 230 lượt đại biểu tham gia chất vấn và tranh luận với những vấn đề nóng.
Kết thúc tuần làm việc thứ 3, Quốc hội đã hoàn thành chương trình chất vấn và trả lời chất vấn. 4 Bộ trưởng đã trực tiếp trả lời hàng loạt vấn đề mà các đại biểu Quốc hội đặt ra thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước.
Phiên chất vấn diễn ra trong không khí sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng, đã có 230 lượt đại biểu tham gia chất vấn và tranh luận với những vấn đề nóng như: việc gia tăng các vụ ma túy với số lượng lớn; công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện các dự án đầu tư xây dựng; các dự án đường sắt đô thị bị đội vốn nhiều lần, song chưa biết thời điểm nào có thể vận hành được; hay vấn đề lợi dụng vấn đề tín ngưỡng tôn giáo để trục lợi…vv.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Phiên chất vấn diễn ra trong không khí sôi nổi, dân chủ, trách nhiệm, thẳng thắn và xây dựng.
Gia tăng các vụ vận chuyển ma túy lớn và trách nhiệm của ngành công an là cụm vấn đề đầu tiên làm nóng nghị trường Quốc hội. Đây là nội dung chất vấn giữa Đại biểu Nguyễn Minh Hiển, đoàn Lâm Đồng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với bộ trưởng Tô Lâm.
Đại biểu Nguyễn Minh Hiển nêu ý kiến, từ năm 2017 cho đến nay lượng ma túy vào Việt Nam với số lượng cực kỳ lớn. Mỗi vụ chúng ta phát hiện tính bằng tạ và tấn.
CTQH Nguyễn Thị Kim Ngân chất vấn: “Vì sao trước đây không có vụ phát hiện ma túy lớn mà gần đây mới có? Phải chăng là hoạt động ma túy ở Việt Nam dễ hơn ở các địa bàn khác?”.
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, chúng ta có khó khăn là đường biển, đường biên giới rất dài. Chúng ta mới kiểm soát cửa khẩu, còn lối mòn, đường khác của tội phạm lợi dụng ma túy kể cả trên đất liền và trên biển khó khăn.
Bộ trưởng Tô Lâm.
Là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn, nội dung chất vấn của các đại biểu Quốc hội cho thấy, xã hội vẫn chưa thật sự yên bình, người dân vẫn chưa thực sự yên tâm trước diễn biến ngày càng phức tạp của tình hình an ninh trật tự, sự gia tăng hoạt động tội phạm. Vẫn còn đó những lo lắng trong xã hội, vẫn xảy ra rất nhiều vụ án lớn, thương tâm mà Quốc hội, nhân dân và xã hội cực lực lên án.
Vấn đề liên quan đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình; quản lý thị trường bất động sản... được nhiều đại biểu quan tâm đặt câu hỏi đến người đứng đầu Bộ Xây dựng. Qua phiên chất vấn cho thấy, có nội dung xuất phát từ khách quan sự phát triển của nền kinh tế nhưng không ít vấn đề xuất phát từ chủ quan của chính công tác quản lý, điều hành.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa nhận trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự toán có nguyên nhân từ cán bộ thực hiện và có hiện tượng “bôi trơn”.
Tham gia chất vấn Bộ trưởng Phạm Hồng Hà về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, đoàn Bình Dương nhận xét: “Nguyên nhân từ năng lực, trình độ của đội ngũ thực hiện nhiệm vụ quản lý quy hoạch. Không phải không có trường hợp có vấn đề tiêu cực, chạy theo lợi ích của chủ đầu tư, doanh nghiệp. Chính vì vậy, cử tri bức xúc, những công trình lớn như 8B Lê Trực, rõ ràng đây là trách nhiệm về lực lượng thanh tra, kiểm tra của ngành xây dựng và chính quyền địa phương các cấp”.
Dự án đường sắt đô thị bị đội vốn nhiều lần, gây lãng phí song chưa biết thời điểm nào có thể vận hành được, đó là nội dung được nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông khi ký hiệp định vay vốn, Trung Quốc chỉ định tổng thầu không phải thi tuyển, lựa chọn. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng không đưa ra được mức thời gian nào sẽ đưa vào sử dụng.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể.
“Chúng tôi đã quản lý tiến độ với nhà đầu tư và thường xuyên làm việc với nhau. Nhà đầu tư có nhiều cam kết với Bộ cũng như với Ban Quản lý dự án nhưng tiến độ thực hiện của tổng thầu chậm do giải phóng mặt bằng kéo dài. Hai là Hiệp định của chúng ta bổ sung 250 triệu đô la Mỹ và đầu năm 2018 mới được bổ sung. Thứ ba liên quan đến cung cấp thiết bị và chứng nhận"- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Giải trình thêm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, quan điểm của Chính phủ là phải lựa chọn các nhà thầu, nhà đầu tư một cách công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật để hạn chế, khắc phục thất thoát, lãng phí trong quá trình đầu tư xây dựng. Phó Thủ tướng nhấn mạnh không để xảy ra trường hợp đáng tiếc tương tự như dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông.
Vấn đề lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để trục lợi, vụ việc liên quan đến hoạt động mê tín dị đoan dưới hình thức truyền bá 'vong báo oán', 'giải nghiệp' và nhận tiền dưới hình thức công đức tại chùa Ba Vàng, tỉnh Quảng Ninh đã làm “nóng” phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, thời gian tới tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống văn bản quy định về các biện pháp phòng ngừa mê tín dị đoan. Các đại biểu đánh giá phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch còn dài, các giải pháp còn chung chung nên chưa làm hài lòng một số đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.
Giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến tín ngưỡng và tôn giáo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định, có tình trạng cá nhân lợi dụng cơ sở thờ tự Phật giáo, lợi dụng niềm tin của nhân dân hoạt động mê tín, dị đoan, nhằm trục lợi và gây bức xúc trong cộng đồng xã hội.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban Tôn giáo và Bộ Nội vụ nắm được thì đến nay chưa phát hiện cán bộ công chức nào có góp tiền để xây dựng chùa để kinh doanh, trục lợi. Thời gian qua các cơ sở thờ tự tôn giáo nằm trong đối tượng do nhân dân đóng góp hoặc các doanh nghiệp trong nước.
Cùng với Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và 4 Bộ trưởng, nhiều Bộ trưởng cũng tham gia giải trình, làm rõ thêm nhiều vấn đề do ngành mình phụ trách.
Theo đánh giá của Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, các Bộ trưởng đã thẳng thắn nhận tồn tại, hạn chế và hứa tiếp tục có các giải pháp phù hợp để khắc phục: “Quá trình chất vấn lần này tôi thấy kỳ cuối của nhiệm kỳ các bộ trưởng có kinh nghiệm, kỹ năng và nắm chắc công việc của ngành nên đã trả lời chắc chắn, đầy đủ các ý kiến xác đáng. Tuy nhiên, có những bộ trưởng cách nói, diễn đạt khác nhau, các bộ trưởng trả lời tốt nhưng có những bộ trưởng trả lời rất dài”.
Trước đó, trong ngày đầu tiên của tuần làm việc này, Quốc hội xin ý kiến đại biểu về quy định trong Luật phòng chống tác hại của rượu bia là “đã uống rượu bia thì không lái xe”. Nội dung này đã không nhận được quá 50% số đại biểu đồng tình. 206 đại biểu Quốc hội phản đối quy định "uống rượu không được lái xe" phản ánh sự giằng co trong quan điểm về một số vấn đề khác nhau ở dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, đây mới chỉ là xin ý kiến để có cơ sở tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật trước khi trình Quốc hội thông qua và cần tuyên truyền, giải thích để cử tri hiểu.
“Trong thảo luận nhiều đại biểu đề nghị tăng chế tài, không phải đo độ cồn. Thứ hai giữ nguyên như hiện nay hiện nay Luật hiện có nghĩa là có độ cồn vượt ngưỡng an toàn có thể không gây an toàn giao thông. Đại biểu cho ý kiến ngang ngửa, chưa đạt 50%. Như thế để không hiểu lầm Quốc hội không có quy định nào để xử lý vấn đề này. Tức là có tăng hơn hay giữ nguyên thì đại biểu Quốc hội không biểu quyết. Chúng ta sẽ thực hiện như pháp luật hiện hành”- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Nguồn VOV