Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đưa Nghị quyết đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống
Vận dụng quan điểm của Đảng về tôn giáo trước tình hình mới Bài 1: Đoàn kết, tốt đời, đẹp đạo
Chủ nhật: 17:21 ngày 19/12/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Công tác tôn giáo hướng vào việc vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam là sự tổng kết sâu sắc 35 năm công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020.

Đánh giá về thành tựu của các dấu mốc quan trọng này, Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới.

Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế mà chúng ta đạt được như hôm nay là minh chứng cho hiệu lực, hiệu quả trong công tác lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trước hết đó là sự đổi mới về tư duy lý luận trên tất cả mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó  không ngừng đổi mới, quán triệt nghiêm túc, có hiệu quả quan điểm, chủ trương, chính sách về tôn giáo của Đảng. Vấn đề tôn giáo được Đảng quan tâm và đề cập trong văn kiện ở mỗi kỳ Đại hội, xuyên suốt mọi giai đoạn, cũng có những nội dung được bổ sung, phát triển, tạo điểm mới so với các kỳ Đại hội trước đó.

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về tôn giáo trong Văn kiện Đại hội XIII là một trong những minh chứng sinh động cho nhận định nêu trên. Bài viết này, tác giả tập trung chỉ ra những điểm mới về quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về tôn giáo trong Văn kiện Đại hội XIII, trên cơ sở đó đưa ra ý kiến về việc vận dụng quan điểm của Đảng vào công tác tôn giáo trong tình hình hiện nay.

Bài 1: Đoàn kết, tốt đời, đẹp đạo

Công tác tôn giáo hướng vào việc vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lãnh đạo Sở Nội vụ thăm, chúc mừng Hội thánh Cao Đài Toà thánh Tây Ninh nhân dịp Đại lễ Hội yến Diêu Trì cung năm 2021.

Đề cập đến vấn đề tôn giáo, trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo đúng quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận.

Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết dân tộc”.

Như vậy, nội dung cơ bản, cốt lõi nhất trong quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam được thể hiện trong Văn kiện Đại hội XIII thực chất là sự tái khẳng định quan điểm của các kỳ Đại hội trước. Đồng thời, những điểm được nhấn mạnh, bổ sung sáng rõ hơn, thể hiện nhận thức mới của Đảng về vấn đề tôn giáo, cụ thể được trình bày như dưới đây.

Công tác tôn giáo hướng vào việc vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tại Điều 2, Luật Tín ngưỡng tôn giáo của Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành năm 2016, có hiệu lực ngày 1.1.2018 đã giải thích: “Tổ chức tôn giáo là tập hợp tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành của một tôn giáo được tổ chức theo một cơ cấu nhất định được Nhà nước công nhận nhằm thực hiện các hoạt động tôn giáo”; “Chức sắc là tín đồ được tổ chức tôn giáo phong phẩm hoặc suy cử để giữ phẩm vị trong tổ chức” và “Tín đồ là người tin, theo một tôn giáo và được tổ chức tôn giáo đó thừa nhận.

Như vậy, chủ thể được nhắc đến trong quy định nêu trên đều là công dân Việt Nam, họ có quyền lợi và nghĩa vụ như mọi công dân khác. Hơn nữa, đa phần chức sắc, tín đồ các tôn giáo ở nước ta đều có tinh thần yêu nước, mong muốn được sống “tốt đời, đẹp đạo”, “nước vinh, đạo sáng”.

Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, nước ta hiện nay có khoảng 25 triệu tín đồ, trong đó có gần 88.000 chức sắc, 250.000 chức việc; hơn 28.000 cơ sở thờ tự; 43 tổ chức (thuộc 16 tôn giáo) được Nhà nước công nhận pháp nhân và cấp đăng ký hoạt động.

Đây là cơ sở quan trọng để vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng, phát triển, bảo vệ Tổ quốc nói chung và công tác tôn giáo nói riêng.

Quan điểm này đã được thể hiện xuyên suốt thông qua nhiều kỳ Đại hội, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII và IX, Đảng xác định: “Đồng bào theo đạo và các vị chức sắc tôn giáo có nghĩa vụ làm tròn trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc, sống tốt đời, đẹp đạo”. Sau 2 kỳ Đại hội, quan điểm này có sự thay đổi cơ bản khi Đảng chỉ đạo cần: “Động viên, giúp đỡ đồng bào theo đạo và các chức sắc tôn giáo sống tốt đời, đẹp đạo”.

Đại hội XI, Đảng tái khẳng định quan điểm trên, đồng thời bổ sung thêm chủ thể cần vận động là “các tổ chức tôn giáo”. Đại hội XII nội dung quan điểm này tiếp tục được tái khẳng định. Trong Văn kiện Đại hội XIII, cụm từ “vận động” được sử dụng thay cho “động viên” thể hiện rõ hơn sự ý thức trách nhiệm của các chủ thể làm công tác tôn giáo, không chỉ là tuyên truyền mà phải bằng các chính sách, việc làm cụ thể để vận động quần chúng tín đồ.

Đáng chú ý, cụm từ “đoàn kết”, “tập hợp” mới bổ sung đã khẳng định quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, không còn chỉ dừng lại ở “vận động” mà phải hướng đến mục tiêu đoàn kết được tổ chức, chức sắc, tín đồ trong cùng một tôn giáo và giữa các tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc, để trước hết sống “tốt đời, đẹp đạo”. Kế tiếp, là tập hợp, quy tụ, phát huy sức mạnh tổng hợp của quần chúng.

Như vậy, có thể hiểu “vận động” vừa là yêu cầu, vừa là nội dung trọng tâm được Đảng ta xác định: “Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng” để đạt được mục tiêu “đoàn kết, tập hợp” các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ “đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Nội dung quan điểm này cũng là sự cụ thể hoá quan điểm xuyên suốt của Đảng thể hiện trong toàn bộ Văn kiện Đại hội XIII, đó là chỉ khi nào vận động, đoàn kết, tập hợp được quần chúng, trong đó có chức sắc, tín đồ tôn giáo thì khi đó mới có thể: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Công tác tôn giáo hướng tới mục tiêu bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo đúng quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận.

Mục tiêu của tất cả các nhà nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm hướng tới bảo đảm ngày càng đầy đủ hơn về vật chất và tinh thần cho quần chúng nhân dân.

Tín ngưỡng, tôn giáo từ trước đến nay luôn là nhu cầu tinh thần của một bộ phận đông đảo quần chúng, do đó, nhà nước xã hội chủ nghĩa phải tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo hợp pháp của quần chúng nhân dân.

Để khẳng định được sự tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ấy, mỗi nhà nước xã hội chủ nghĩa phải tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo được hoạt động và phát triển. Hơn nữa, sự phát triển của các tổ chức tôn giáo luôn là vấn đề tất yếu khách quan, mỗi tôn giáo, tổ chức tôn giáo đều có nhu cầu phát triển cũng giống như bất kỳ một tổ chức chính trị - xã hội nào khác.

Tuy nhiên, bên cạnh bản chất xã hội, bản chất của bất cứ nhà nước nào cũng đều mang tính giai cấp, vì vậy, khi tổ chức tôn giáo được tạo điều kiện hoạt động, phát triển thì phải chịu sự quy định của pháp luật hiện hành của nhà nước đó.

Nhận định về điều này, Văn kiện Đại hội XI, Đảng đã xác định:“Quan tâm và tạo mọi điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, đúng quy định của pháp luật”.

Tại Đại hội XIII, Đảng tiếp tục khẳng định: “Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo đúng quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận”. Như vậy, nội dung quan điểm cơ bản là không thay đổi so với quan điểm của các kỳ Đại hội trước, tuy nhiên, có một số điểm được nhấn mạnh, diễn đạt rõ ràng thể hiện tư duy mới của Đảng.

VIỆT ĐÔNG

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục