Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Đưa Nghị quyết đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống
Vận dụng quan điểm của Đảng về tôn giáo trước tình hình mới Bài 2: Tôn giáo phát triển toàn diện
Thứ hai: 00:40 ngày 20/12/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới, Đảng chỉ đạo phải huy động tổng hợp mọi nguồn lực. Tôn giáo là văn hoá; tôn giáo là một nguồn lực, như vậy nguồn lực của các tôn giáo cũng là “nguồn lực văn hoá”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam thăm Toà thánh Cao Đài (ảnh chụp năm 2019)

Trước hết, về mặt chữ nghĩa, từ “bảo đảm” được sử dụng diễn đạt thay cho cụm từ “quan tâm và tạo điều kiện”. Thuật ngữ “bảo đảm” chứa đựng hàm ý: “Cam đoan, chịu trách nhiệm về việc gì đó; làm cho có được điều gì” đồng thời chỉ trạng thái: “Có đủ, trọn vẹn các điều quy định; chắc chắn, đạt tiêu chuẩn cần thiết”.

Như vậy, đây là sự khẳng định mạnh mẽ, chắc chắn hơn việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động bình thường, hợp pháp của các tổ chức tôn giáo. Tiếp đó, từ “sinh hoạt” được thay bằng “hoạt động”, thực chất, sinh hoạt tôn giáo cũng chính là một mặt của hoạt động tôn giáo.

Theo Luật Tín ngưỡng tôn giáo, “Hoạt động tôn giáo là hoạt động truyền bá tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo và quản lý tổ chức của tôn giáo”, còn sinh hoạt tôn giáo “Là việc bày tỏ niềm tin tôn giáo, thực hành giáo lý, giáo luật, lễ nghi tôn giáo”. Sự điều chỉnh này là cần thiết, phù hợp với quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo theo hướng hiểu đúng và mở rộng nội hàm hoạt động tôn giáo, tạo điều kiện hơn nữa cho các tôn giáo hoạt động.

Đáng chú ý, trong cách diễn đạt nội dung quan điểm này, cụm từ “hoạt động theo đúng quy định pháp luật” được đảo lên trước “theo hiến chương, điều lệ của các tổ chức tôn giáo”. Sự điều chỉnh thể hiện vừa thể hiện vừa khẳng định tính “thượng tôn pháp luật”, nhất là trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay.

Bởi lẽ, ở Việt Nam, mọi công dân, tổ chức (kể cả thể nhân, pháp nhân tôn giáo) phải có trách nhiệm và nghĩa vụ chấp hành Hiến pháp và pháp luật. Theo đó, đối với mọi tín đồ và tổ chức tôn giáo thì việc chấp hành pháp luật và trách nhiệm, nghĩa vụ với Nhà nước phải đặt lên trên hết, là cái có trước; bổn phận đối với giáo hội và việc thực hiện theo hiến chương, điều lệ tôn giáo là cái có sau.

Có thể ví von trách nhiệm và nghĩa vụ công dân là cái đầu, còn bổn phận đối với giáo hội là cái mũ, nón. Do đó, nếu không có đầu thì mũ, nón sẽ mất đi tác dụng, thậm chí sẽ có khả năng bị lãng quên.

Mang trong mình hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng và Nhà nước ta trong thời gian vừa qua cũng đã nghiêm túc quán triệt quan điểm tôn trọng và bảo đảm cho các tôn giáo được hoạt động, đồng thời “bảo hộ” cho sự phát triển của mỗi tôn giáo.

Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta, trong nhiều năm qua, các tôn giáo phát triển tương đối toàn diện về mọi mặt. Ở trong nước, các tôn giáo được Nhà nước thừa nhận tư cách pháp nhân hoặc cấp phép hoạt động có sự phát triển cả về số lượng tín đồ, chức sắc, chức việc; cơ sở vật chất (hơn 20.000 cơ sở được sửa chữa, trong đó 1/3 được trùng tu quy mô lớn và khoảng 2.000 cơ sở thờ tự được xây mới); đào tạo, bồi dưỡng (Phật giáo có 4 học viện, 8 trường cao đẳng, 32 trường trung cấp;

Công giáo có 7 đại chủng viện, 1 phân hiệu đại chủng viện đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ thần học; Tin Lành có 2 viện thánh kinh thần học và học viện thần học; Cao Đài có học viện Cao Đài truyền giáo…); in ấn, xuất bản kinh sách (có khoảng 4.000 đầu sách được xuất bản với hàng chục triệu bản in, riêng kinh thánh gần 1 triệu bản; 15 tờ báo và tạp chí của các tổ chức tôn giáo đang hoạt động)…

Không chỉ có vậy, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta, nhiều hoạt động, hội nghị, hội thảo tôn giáo được tổ chức với quy mô lớn, mang tầm quốc gia và quốc tế (Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc (VESAK); Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ XI; Lễ khai mạc Năm Thánh của Giáo hội Công giáo; Lễ kỷ niệm 100 năm Tin Lành đến Việt Nam, Hội nghị liên Hội đồng Giám mục Á châu lần thứ X;

Hội thảo quốc tế: “Đối thoại liên niềm tin tôn giáo và trách nhiệm xã hội”; Hội thảo khoa học quốc gia: “Phật giáo với việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế”; Hội thảo khoa học: “Nguồn lực tôn giáo: Kinh nghiệm trên thế giới và ở Việt Nam”…).

Về cơ bản, các hoạt động trên tuân thủ pháp luật, phù hợp với hiến chương, điều lệ của các tổ chức tôn giáo. Những kết quả đó thể hiện tính đúng đắn của việc đề ra và triển khai thực hiện đường lối, chính sách về tôn giáo của Đảng; đồng thời, là cơ sở thực tiễn rất quan trọng để đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Chú trọng việc phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Mỗi một tôn giáo trong quá trình ra đời, tồn tại và phát triển đều mang trong mình những giá trị tích cực nhất định, đó có thể là những giá trị về đạo đức giúp cho con người “hướng thiện” hoặc có thể là những giá trị văn hoá (gồm văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần) giúp cho đời sống tinh thần của quần chúng nhân dân trở lên đa dạng và phong phú hơn.

Nhận thức được tầm quan trọng của tôn giáo trong thời kỳ quá độ, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng không chỉ khẳng định chính sách nhất quán là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, mà còn chủ trương phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thực hiện chủ trương đó, những năm qua, cùng với quá trình đổi mới đất nước, cơ sở thờ tự của các tôn giáo được Nhà nước bảo hộ và cho phép trùng tu, sửa chữa, xây dựng mới, tạo điều kiện để tín đồ được sinh hoạt, thể hiện niềm tin thông qua các nghi lễ tôn giáo; các di sản văn hoá trong tôn giáo được bảo vệ và phát huy; không khí sinh hoạt tôn giáo tại các cơ sở thờ tự gắn với các lễ hội, phong tục, tập quán và văn hoá tâm linh hết sức sôi động. Những vấn đề này đã góp phần làm thay đổi tích cực diện mạo đời sống tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng, đời sống tinh thần xã hội nói chung.

Bên cạnh tiếp tục phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo, có nội dung quan điểm được Đảng bổ sung, nhấn mạnh là: “phát huy các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”.

Việc xem tôn giáo là “nguồn lực” và phát huy nguồn lực này vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước không phải là quan điểm hoàn toàn mới. Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 10.1.2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới từng nêu: “Phát huy nguồn lực của tôn giáo cho quá trình phát triển đất nước”.

Thời gian gần đây, các cơ quan, ban, ngành chức năng phối hợp với các tổ chức tôn giáo tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu, khảo sát, toạ đàm, hội thảo khoa học về vấn đề này để đánh giá tính đúng đắn, khả thi của quan điểm trên trong thực tiễn.

Theo đó, đến Đại hội XIII của Đảng, vấn đề “phát huy nguồn lực” của các tôn giáo lần đầu tiên được ghi nhận chính thức trong Văn kiện Đại hội, điều này thể hiện nhận thức ở tầm tư duy mới của Đảng được đúc rút, kiểm nghiệm hết sức thận trọng, khách quan, khoa học.

Nguồn lực tôn giáo thể hiện ở hai phương diện cơ bản là nguồn lực tinh thần và nguồn lực vật chất. Nguồn lực tinh thần chính là giá trị đạo đức, văn hoá tốt đẹp được thể hiện trong hệ thống triết lý, giới luật, lễ nghi có tác dụng điều chỉnh nhận thức, hành vi của tín đồ.

Giá trị đó, ngoài việc bảo vệ niềm tin tôn giáo thiêng liêng, còn hướng con người đến một thế giới “chân, thiện, mỹ”. Nguồn lực vật chất của tôn giáo được kết hợp bởi hai yếu tố nguồn nhân lực và nguồn vốn.

Thực tế cho thấy, tăng trưởng kinh tế ổn định hằng năm của nước ta có sự đóng góp từ nguồn nhân lực và nguồn vốn của giáo hội, tín đồ các tôn giáo. Họ chính là người làm ra của cải không chỉ phục vụ đời sống hằng ngày mà còn cùng với các thành phần xã hội khác góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới, Đảng chỉ đạo phải huy động tổng hợp mọi nguồn lực. Tôn giáo là văn hoá; tôn giáo là một nguồn lực, như vậy nguồn lực của các tôn giáo cũng là “nguồn lực văn hoá”.

Đại hội XIII của Đảng cũng khẳng định: “Tăng cường đầu tư, khai thác và phát huy tối đa các nguồn lực văn hoá”. Tiếp cận hệ thống những nội dung quan điểm đó cho thấy, Đảng nhìn nhận ngày càng rõ vai trò tầm quan trọng của tôn giáo - tôn giáo (tổ chức, chức sắc, tín đồ, cơ sở vật chất, các hoạt động tôn giáo…) đã và đang từng bước trở thành một trong những thành tố cấu thành quan trọng của tổng thể nguồn lực xây dựng, phát triển đất nước. Vì vậy, việc bổ sung định hướng, chỉ đạo của Đảng về phát huy các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước là hoàn toàn phù hợp và cần thiết.

Việt Đông

Đối với mọi tín đồ và tổ chức tôn giáo thì việc chấp hành pháp luật và trách nhiệm, nghĩa vụ với Nhà nước phải đặt lên trên hết, là cái có trước; bổn phận đối với giáo hội và việc thực hiện theo hiến chương, điều lệ tôn giáo là cái có sau.

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục