Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Vận hành Chính phủ điện tử thì phải tập huấn cho lãnh đạo
Thứ sáu: 08:25 ngày 30/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn nêu thực tế tãnh đạo bận họp nên thường cử người đi thay, chữ ký điện tử cũng không biết nên cần lưu ý tập huấn.

Ngày 29/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc làm việc với với 8 tỉnh, thành phía Bắc về tình hình triển khai xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính.

Ông nhấn mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử là xu thế tất yếu, là việc phải làm trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Làm chống chế, đối phó

Dù đạt nhiều kết quả và nhận định “chưa bao giờ làm được như hiện nay”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thẳng thắn nêu một số bất cập như còn không ít cơ quan, tổ chức chưa quán triệt gửi nhận văn bản trên hệ thống điện tử, vẫn dùng văn bản giấy, gây tốn kém, lãng phí. Hoặc, có dịch vụ mà người dân “quay lưng”, có chữ ký số vẫn in văn bản giấy.

Cục trưởng Cục kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan. Ảnh: Nhật Bắc.

Báo cáo kết quả thực hiện của các địa phương, Cục trưởng Cục kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan cũng nếu thực tế nhiều địa phương chưa áp dụng đầy đủ chữ ký số cá nhân trong xử lý văn bản điện tử.

Ông Phan cảnh báo, điều này sẽ phát sinh công việc cho đội ngũ văn thư khi phải thực hiện thêm các bước scan văn bản ký trực tiếp, đưa vào hệ thống sau đó mới thực hiện ký số tổ chức và phát hành. Vì thế, cần khắc phục tình trạng các địa phương cứ tung ra cung ứng các dịch vụ công trực tuyến một cách tràn lan, áp dụng tới hàng nghìn dịch vụ nhưng không phục vụ thiết thực người dân, doanh nghiệp.

“Nếu làm chống chế, không thực chất thì cũng không ích gì”, ông Phan nhận định.

Để cải thiện tính hình thức, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc góp ý nên chú ý đến phân cấp, phân quyền và kêu gọi xã hội hóa trong đầu tư các dịch vụ công trực tuyến, nhằm hướng đến Chính phủ điện tử.

Đây cũng được ông Lộc nhìn nhận là một vướng mắc.

"Các bộ, ngành Trung ương đang ôm nhiều quyền quá. Nên ủy quyền, giao cho địa phương làm và chịu trách nhiệm. Nếu người dân, doanh nghiệp làm thủ tục không phải lên bộ, ngành nữa, thủ tục sẽ đơn giản hơn", ông Lộc nói và phản ánh thực tế có những bộ, ngành rất chậm phản hồi kiến nghị của địa phương, đến mức nhiều bí thư, chủ tịch tỉnh cũng phải “sợ”.

Nêu giải pháp thúc đẩy Chính phủ điện tử, Chủ tịch VCCI cho rằng cơ quan quản lý Nhà nước nên dùng mạng xã hội để tương tác, thậm chí định hướng chứ không phải đóng cửa với mạng xã hội.

"Mang hồ sơ giấy lên, tôi không tiếp"

Cùng chung nhận định việc cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử còn hình thức, đối phó, ông Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - cho rằng nếu thiếu chế tài giám sát thì người không thực hiện cũng chẳng sao.

Ông Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Ảnh: Gass.edu.vn.

Ngoài ra, trong vấn đề tập huấn về Chính phủ điện tử, ông Tuấn lưu ý phải tập trung cho các lãnh đạo.

“Lãnh đạo bận họp nên thường cử người đi thay. Thông thường tập huấn toàn mấy cấp phó và người làm trực tiếp, đi về lại báo cáo lãnh đạo. Rồi khi bảo ký chữ ký điện tử thì lãnh đạo không biết làm thế nào, lại phải hướng dẫn”, ông Tuấn nêu thực tế.

Theo ông, cần làm sao lãnh đạo có thông tin đầy đủ, có trình độ năng lực để bắt nhịp với Chính phủ điện tử.

Đánh giá đây là thời kỳ “quá độ” giữa chuyển đổi hồ sơ giấy và điện tử nên phải chấp nhận một số tồn tại, song Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thẳng thắn nêu quan điểm sau này sẽ không chấp nhận việc vừa lưu trữ hồ sơ điện tử, vừa lưu trữ hồ sơ giấy.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ảnh: Nhật Bắc.

Dẫn chứng trực tiếp từ bản thân, ông nói: “Nguyên tắc của tôi là không cho thư ký nhận hồ sơ giấy. Lên phòng mà mang giấy tờ lên tôi không tiếp. Chúng ta phải công khai điện tử. Đừng lấy lý do mật để bưng bít”.

Tổ trưởng Tổ công tác cho rằng nếu các cơ quan chuyên môn và người lãnh đạo nghiêm túc thì chắc chắn việc này sẽ rất thành công.

Nguồn Zing

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục