Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Văn hoá người dân S’tiêng

Cập nhật ngày: 12/01/2012 - 01:09

Trước đây địa bàn cư trú của người S’ tiêng được phân bố trải dài từ vùng núi Bà Đen (Tây Ninh) đến Bà Rá (Sông Bé cũ). Ngày nay, địa bàn sinh tụ của người S’ tiêng bị thu hẹp dần và tập trung chủ yếu ở tỉnh Bình Phước. Theo thống kê mới nhất trên toàn địa bàn Bình Phước có 70.504 người S’ tiêng chiếm trên 20% dân số toàn tỉnh. Tập trung đông nhất vẫn là huyện Phước Long, Bù Đăng. Đặc biệt sóc Bom Bo (Bù Đăng), số lượng người S’tiêng chiếm phần lớn, tạo cho Bom Bo có một nét văn hoá rất khác biệt. Vậy người S’ tiêng có những nét văn hoá riêng gì?

Trong mối quan hệ với cộng đồng, người S’ tiêng rất quý tình cảm bạn bè, dòng họ, một số lễ cúng liên quan đến cộng đồng này vẫn được người S’ tiêng duy trì. Trong xã hội S’ tiêng đã từng tồn tại các lễ lớn như: lễ đâm trâu, lễ quay đầu trâu...

Lễ hội đâm trâu (Ảnh: Internet)

Tín ngưỡng người S'Tiêng

Người S’tiêng trước đây theo tín ngưỡng cổ truyền đã tiến hành cả 3 lễ cúng trong năm, gồm lễ chuẩn bị chọn đất làm rẫy (Pôl- nong); lễ cầu mùa (Broh ba); lễ cúng cơm mới (Pư ba khiêu). Lễ cúng lúa được người S’tiêng vùng cao (Bù lơ) gọi là Lớp Prăk pa, vùng thấp (Budek) gọi là Nktao R he. Trước đây, lễ cúng được tiến hành 3 lần trong năm và cứ 3 năm đảo lệ, người S’tiêng lại tổ chức lễ lớn hơn các năm khác. Tuy nhiên kể từ năm 1990 trở lại đây, hầu hết người S’tiêng ở các huyện Bù Đăng, Bình Long, Phước Long... chỉ còn cúng một lần trong năm, lễ cúng vào ngày thu hoạch được gùi lúa đầu tiên.

Người S’tiêng tin tưởng vào thần linh (Prak) có chức năng bảo hộ, giúp đỡ và tạo cho hạt lúa thật to, cây lúa nặng hạt. Đó là thần rừng (Bri); thần đất (The); thần trời (Nar); thần lúa (Pa)... Trước khi chọn nơi gieo hạt, người S’tiêng cúng vái ông bà rừng để được phá rừng làm rẫy. Trong chu kỳ sinh hoạt của một đời người, từ khi sinh ra cho đến lúc qua đời, người S’tiêng vẫn lưu giữ được các hình thức tín ngưỡng dành cho một thành viên của cộng đồng như các lễ: cúng ngày sinh, cúng đầy tháng, đầy năm, cúng đặt tên, cúng cà răng, cúng khi có bệnh, cúng sau khi cưới, cúng bỏ ma...

Lễ đâm trâu là một lễ lớn, hầu hết các nhà của người S’tiêng đều có cột đâm trâu, có nhà phía trước có 5,6 cột, hoặc có nhà 2,3 cột đâm trâu. Mâm treo lễ vật, cây thương dùng đâm trâu, cột đâm trâu, vẫn còn giữ trong các nhà dài của người S’tiêng thuộc xã Dak ơ (huyện Phước Long).

Luật tục S'Tiêng

Người S’tiêng cũng như nhiều dân tộc ít người khác ở Tây nguyên và Đông Nam bộ, có cả một hệ thống những quy tắc quy định về các quan hệ ứng xử giữa cá nhân và cộng đồng. Những quy tắc đó, được lưu truyền qua nhiều thế hệ và những câu nói vẫn có điệu, đầy hình tượng bóng bẩy. Luật tục của người S’tiêng là cơ sở để vận hành xã hội. Người S’tiêng coi 4 tội sau đây là nặng nhất: Ma lai (chă), đó là những người ban đêm biến thành ma quỷ đi hút máu làm người khác ốm đau, chết chóc.

Hai là xâm phạm sự cấm kỵ (Lăh cang rai), người S’ tiêng có nhiều điều cấm kỵ, họ sợ đụng chạm đến thần linh, ma quỷ, như trong làng có người đàn bà đang sinh đẻ, làng có nhiều người đau ốm thì cấm người lạ vào nhà, vào làng. Dấu hiệu cấm là một nhành gai, nhành lá xương rồng treo ở cổng làng, ở cầu thang nhà. Nếu người lạ bất chấp dấu hiệu đó cứ vào làng, vào nhà sẽ bị phạt bằng các lễ cúng gà heo, có khi cả trâu nộp cho chủ làng, chủ nhà.

Ba là loạn luân (Đoăng ih), trong quan hệ hôn nhân người S’tiêng không cho phép những người cùng dòng họ kết hôn với nhau, hoặc có quan hệ tính giao. Việc kết hôn giữa những người cùng dòng họ được xem là loạn luân, người S’tiêng coi đó là nguồn gốc sinh ra các dịch bệnh, thiên tai như lũ lụt, trượt đất... gây tổn hại cho buôn làng.

Cuối cùng là lừa đảo, trộm cắp, nếu bắt được kẻ trộm cắp, lừa đảo, kẻ đó sẽ bị cả làng bắt phạt. Hình phạt thường là phải tổ chức lễ cúng thần linh và đền bù gấp nhiều lần cho người bị hại.

Ngoài ra, tội ngoại tình cũng bị người S’tiêng phạt nặng. Những kẻ chủ mưu dụ dỗ người khác vào cuộc ngoại tình, dù đàn ông hay đàn bà đều phải nộp phạt cho người bị hại. Nếu có con, kẻ chủ mưu sẽ phải cung cấp thức ăn, quần áo cho đứa bé và nuôi đứa bé cho đến khi đứa bé khôn lớn.

Theo binhphuoc.gov.vn


 
Liên kết hữu ích