Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương:
Văn hoá phải đặt ngang hàng với kinh tế trong quá trình phát triển
Thứ tư: 10:04 ngày 01/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Phát biểu thảo luận tại hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Huỳnh Thanh Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu và có chiến lược căn cơ để xây dựng văn hoá, hình ảnh con người Việt Nam trong thời kỳ hiện nay. Trong đó, văn hoá phải đi cùng và ngang hàng với kinh tế trong quá trình phát triển.

Toàn cảnh phiên họp chiều 31.10

Tiếp theo chương trình kỳ họp thứ 6, chiều 31.10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025; kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cùng nhiều nội dung quan trọng khác.

Phát biểu thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội từ đầu năm đến nay, giải pháp những tháng còn lại của năm 2023, đại biểu Huỳnh Thanh Phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh, bước vào năm 2023, mặc dù chúng ta đã rất chủ động dự báo, song những tác động tiêu cực từ nền kinh tế thế giới đến nước ta có mặt chưa lường hết được.

Vượt lên những khó khăn, thách thức Việt Nam đã và đang đạt được những thành tựu rất quan trọng, cho dù có nội dung chưa đạt kỳ vọng. Trong đó, theo đại biểu có một số thành tựu nổi bật như kinh tế vĩ mô tiếp tục phát triển ổn định.

Và theo đại biểu, đây là một trong những thành tựu rất quan trọng, tạo tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội. Lạm phát được kiểm soát, hoàn toàn có dư địa thực hiện mục tiêu Quốc hội đề ra. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, thu ngân sách đạt khá, nhiều khả năng vượt mục tiêu đã đề ra. Chi ngân sách được bảo đảm, bội chi nằm trong giới hạn an toàn.

Trong đó, tăng trưởng kinh tế 9 tháng đạt 4,25%, với mức tăng trưởng này là minh chứng rõ nét cho sự cố gắng vượt khó của cả hệ thống chính trị. Nền kinh tế nước ta nằm trong nhóm nước đạt mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực và thế giới. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng cao, hướng mạnh đầu tư vào các ngành, các lĩnh vực trọng điểm, kỹ thuật công nghệ cao, sản xuất xanh, kinh tế số.

An sinh xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại, y tế, văn hoá, giáo dục, du lịch, thể thao, đối ngoại tiếp tục có được những kết quả tốt; trong đó nổi trội nhất là công tác đối ngoại đã nâng cao vị thế, uy tín, mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực; đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần giữ gìn nền hoà bình, an ninh trong khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng nêu ra một số hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện, trong đó đáng chú ý là ba động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) mặc dù đã có nhiều cố gắng trong công tác điều hành, chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, tuy nhiên vẫn còn nhiều nút thắt khó, chưa thể tháo gỡ ngay và vẫn trong tình trạng phục hồi. tăng trưởng chậm.

Áp lực giải ngân vốn đầu tư công gặp nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm. Vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, của xã hội trong tình trạng hạn chế, vốn tín dụng tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ; giá trị xuất khẩu 9 tháng giảm so với cùng kỳ.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương phát biểu thảo luận tại Hội trường.

Tiêu dùng nội địa tuy đã có mức tăng trưởng, song nhìn chung chưa đạt như mong muốn, một mặt do thu nhập người dân còn ở mức thấp; mặt khác tâm lý, thói quen, sở thích của người tiêu dùng chưa được cải thiện nhiều, xu hướng ưa dùng hàng ngoại còn tương đối phổ biến, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" vẫn chưa có hiệu quả thực chất trên phạm vi cả nước.

 Tình trạng ô nhiễm nước ngầm và nước mặt, ô nhiễm đất nông nghiệp, ô nhiễm thuốc trừ sâu, rác thải, rác nhựa; ô nhiễm biển, sông, ao hồ... đang diễn ra nghiêm trọng. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ, đời sống nhân dân, đến sản xuất trong nước, mà còn có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hoá khi đối tác áp đặt hàng rào kỹ thuật mới bởi xu hướng “tiêu dùng xanh” tạo ra thách thức lớn.

Thống nhất với nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội những tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện tình hình và đề xuất giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn để cải thiện, nâng cao năng suất lao động, từng bước thu hẹp khoảng cách với các nền kinh tế khác trong khu vực và trên thế giới. 

Vì theo đại biểu, chỉ tiêu tăng năng suất lao động được dự báo là sẽ không đạt trong năm nay, đây cũng là năm thứ ba liên tiếp không hoàn thành chỉ tiêu này. Và điều này phản ánh, kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức rất lớn để có thể bắt kịp năng suất lao động của các nước trong khu vực và thế giới trong thời gian tới.

Do đó, cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là vấn đề cốt lõi với kinh tế Việt Nam hiện nay, là con đường ngắn nhất để đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bắt kịp trình độ phát triển với các nước tiên tiến. Bên cạnh đó, tốc độ tăng năng suất lao động là chỉ tiêu quan trọng phản ánh chất lượng tăng trưởng cũng như sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương cũng đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu và có chiến lược căn cơ để xây dựng văn hoá, hình ảnh con người Việt Nam trong thời kỳ hiện nay. Đây là yêu cầu bức xúc khi mà những vấn đề về đạo đức đang bị xói mòn, rạn nứt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong xã hội.

Văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế không chỉ là sự khẳng định tầm quan trọng đối với lĩnh vực văn hoá trong xây dựng con người và phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là yêu cầu đối của cả hệ thống chính trị nhằm khơi thông sức mạnh của văn hoá, để văn hoá phát triển tương xứng, hài hoà với các lĩnh vực trọng yếu khác.

Quá trình lãnh đạo, quản lý cần loại bỏ suy nghĩ đề cao phát triển kinh tế mà xem nhẹ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hoá; xem văn hoá là “đuôi”, là “cái bóng” lệ thuộc vào sự phát triển của kinh tế; xem nhiệm vụ phát triển văn hoá chưa mang tính cấp thiết, không phát triển cũng “chẳng chết ai”; đầu tư cho văn hoá khó có lợi nhuận...

Kinh tế có phát triển đến mấy mà không quan tâm đến phát triển văn hoá thì cũng tự đánh mất mình, việc phát triển kinh tế cũng không có ý nghĩa gì. Do đó, văn hoá là một yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển lâu bền của đất nước. Kinh tế phát triển sẽ tạo điều kiện vật chất và nguồn sống cho phát triển văn hoá nhưng phát triển kinh tế chưa bao giờ tách rời khỏi sự nâng đỡ của văn hoá. Phát triển kinh tế trên nền tảng văn hoá, không để mục tiêu kinh tế lấn át hoặc làm xuống cấp văn hoá, văn hoá phải đi cùng và ngang hàng với kinh tế trong quá trình phát triển.

Tố Tuấn (lược ghi)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục