BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vấn nạn dai dẳng

Cập nhật ngày: 15/02/2017 - 08:21

Việc ưu ái con ông cháu cha trong bổ nhiệm, đề bạt, cất nhắc vào các chức vụ trong bộ máy công quyền hoặc tại các doanh nghiệp nhà nước cũng là vấn nạn dai dẳng.

Minh bạch tài sản của người giữ chức vụ công quan trọng, ngăn chặn việc gầy dựng doanh nghiệp sân sau để lập đường dây thông đồng công - tư nhằm trục lợi riêng là những vấn đề luôn mang ý nghĩa thách thức gai góc đối với Nhà nước, xã hội.

Tương tự, việc ưu ái con ông cháu cha trong bổ nhiệm, đề bạt, cất nhắc vào các chức vụ trong bộ máy công quyền hoặc tại các doanh nghiệp nhà nước, một kiểu cha truyền con nối trong việc thụ hưởng bổng lộc, phúc lợi công cũng là vấn nạn dai dẳng.

Nhiều giải pháp đã được đề ra, đặc biệt là các giải pháp hoàn thiện hệ thống luật pháp để phòng ngừa, xử lý; nhưng rồi ở chỗ này, chỗ nọ, quan chức vẫn giàu lên một cách bất thường; của công vẫn có đường để đi vào túi riêng; con ông cháu cha vẫn chấp con, em thường dân nhiều điểm trong cuộc cạnh tranh cho các vị trí nghề nghiệp hấp dẫn.

Nguyên nhân chính được cho là do các giải pháp đều chưa triệt để, chưa đi đến tận gốc của vấn đề.

Chẳng hạn, kê khai tài sản được xác định là cách làm cho tình hình tài sản của quan chức được minh bạch và kinh nghiệm của các nước đã cho thấy hiệu quả của cách làm này. Tuy nhiên, nếu chỉ lập danh sách tài sản hiện có thì việc kê khai chẳng có tác dụng gì.

Ở các nước người ta không chỉ kê khai những gì mình có mà còn phải khai bằng cách nào mình có; khai không được, không rõ hoặc khai không đúng về nguồn gốc tài sản thì người khai mặc nhiên bị coi là có tài sản bất minh.

Việc kê khai tài sản của người được giao nắm giữ quyền lực phải được công khai để những người bỏ phiếu trao quyền cho người đó biết, từ đó có điều kiện cân nhắc trước khi sử dụng lá phiếu của mình.

Đối với nạn nâng đỡ con ông cháu cha, nhiều người cho rằng có thể ngăn chặn bằng cách xây dựng, hoàn thiện quy trình đề bạt, bổ nhiệm trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc dân chủ.

Về mặt lý thuyết, càng có nhiều người tham gia vào việc ra một quyết định thì càng khó có điều kiện cho một người áp đặt ý chí của mình vào việc ra quyết định đó.

Tuy nhiên, “khó” không phải là “không thể”. Người nắm quyền lực, lúc đương chức, có thể dùng quyền lực, cùng với sự hỗ trợ của đồng tiền để kiểm soát, khống chế ý chí của những người tham gia vào quy trình, nhằm lèo lái diễn tiến của quy trình theo ý mình.

Quy trình, rốt cuộc, lại được sử dụng như vật trang sức, để tô điểm màu sắc dân chủ, khách quan cho sự việc được dàn dựng theo ý của người nào đó.

Nếu gỡ bỏ quyền lực ra khỏi vị trí công chức, biến cơ quan công thành cơ quan phục vụ, chứ không còn là nơi ban phát ân huệ, mưa móc cho dân thì mọi việc hẳn sẽ khác: người giữ vị trí công chức phải có năng lực phục vụ; sự hài lòng hoặc không hài lòng của người dân sẽ là căn cứ xác định mức thu nhập, đồng thời có tác dụng quyết định đối với việc giữ vị trí hoặc mở ra cơ hội thăng tiến cho người này.

Mặt khác, doanh nghiệp có vốn nhà nước phải được coi như bao nhiêu doanh nghiệp khác. Áp lực “lời ăn, lỗ chịu” tự nhiên sẽ khiến người lãnh đạo doanh nghiệp phải cân nhắc tuyển dụng, bố trí, sử dụng cộng sự, nhân viên dựa theo năng lực, hiệu quả làm việc chứ không theo thân thế của chú này, cháu kia.

Nguồn TTO