BAOTAYNINH.VN trên Google News

Văn phòng CP kiến nghị cách ly đến 22/4 với tỉnh, thành có nguy cơ cao 

Cập nhật ngày: 15/04/2020 - 18:20

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ kiến nghị Thủ tướng thực hiện cách ly xã hội đến hết 22/4 và thực hiện tùy theo tình hình từng địa phương.

Chiều 15/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ có kết nối trực tuyến với các địa phương chiều. Tại buổi họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện cách ly xã hội đến hết ngày 22/4.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhận định dù đã có những kết quả khả quan bước đầu, một số ổ dịch cơ bản đã được kiểm soát, số ca nhiễm trong thời gian 2 tuần cách ly xã hội đã giảm sâu so với 10 ngày trước đó. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Description: Van phong CP kien nghi cach ly den 22/4 voi tinh, thanh co nguy co cao hinh anh 1 29.03.2020_Chinh_phu_hop_truc_tuyen_Covid19._Anh_HMC..JPG

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi họp trực tuyến Chính phủ. Ảnh: Trung tâm báo chí TP.HCM.

Ông Mai Tiến Dũng nhận định việc đóng cửa các hoạt động kinh doanh dịch vụ không cần thiết trong thời gian cách ly xã hội đã khiến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, tỷ lệ doanh nghiệp ngừng hoạt động cao, 1 số doanh nghiệp phá sản.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ kiến nghị Chính phủ xem xét cho các cửa hàng hoạt động trở lại nhưng vẫn tuân thủ phòng dịch như giới hạn số khách, khoảng cách tiếp xúc 2 m…

“Các tỉnh nguy cơ cao có thể tiếp tục cách ly xã hội nhưng giảm dần mức độ. Các trường học có thể xem xét cho học sinh đi học lại sau 11/5 nếu số ca nhiễm được kiểm soát”, ông Mai Tiến Dũng đề xuất.

Văn phòng Chính phủ đề nghị chia tình hình dịch bệnh tại các địa phương thành 2 nhóm. Cụ thể nhóm có nguy cơ cao bao gồm Hà Nội, TP.HCM, Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa, Tây Ninh, Hải Phòng. Các địa phương còn lại được xếp vào nhóm nguy cơ thấp.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng kiến nghị áp dụng việc cách ly xã hội với các địa phương có nguy cơ cao nêu trên đến hết 22/4.

"Không cần thiết phải tiếp tục cách ly toàn quốc vì các lực lượng và nhân dân đã có trải nhiệm, kinh nghiệm về phòng, chống Covid-19. Dù không cách ly xã hội thì người dân vẫn có thể tiếp tục thực hiện các biện pháp như đeo khẩu trang, không tụ tập đông người, hạn chế giao tiếp...", Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhận định.

Sáng cùng ngày, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19.

Qua tình hình dịch bệnh của các tỉnh, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống Covid-19 chia các địa phương thành 3 nhóm nguy cơ lây nhiễm cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp.

Đối với những tỉnh, thành phố nằm trong nhóm nguy cơ cao, Ban chỉ đạo kiến nghị tiếp tục thực hiện biện pháp cách ly xã hội như quy định trong Chỉ thị 16 thêm ít nhất 1 tuần.

Theo Ban chỉ đạo, nhóm có nguy cơ cao gồm 12 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình (Trường Yên), Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hoà, Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Hà Tĩnh. Nhóm có nguy cơ gồm 15 tỉnh, thành phố: Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nam, Hải Phòng, Kiên Giang, Nam Định, Nghệ An, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Sóc Trăng, Lạng Sơn, An Giang, Bình Phước, Đồng Tháp. Nhóm có nguy cơ thấp là 36 tỉnh còn lại.

Tính đến sáng 15/4, ban chỉ đạo đã nhận được báo cáo trả lời của 58 tỉnh, thành phố. Trong đó, 24 tỉnh đề nghị thực hiện giãn cách xã hội hết tháng 4, 3 địa phương đề nghị thực hiện thêm 1 tuần, 2 tỉnh đề nghị tiếp tục Chỉ thị 16 đén khi không còn ca nhiễm thứ phát, 3 nơi đề nghị giãn cách tỉnh với tỉnh, 3 tỉnh đề nghị ngừng thực hiện cách ly xã hội đối với nơi chưa có dịch...

Từ ngày 31/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Thủ tướng yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác.

Cùng với đó, phải thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người nơi công cộng.

Theo Thủ tướng, các giải pháp theo Chỉ thị 16 mang tính “tiền khẩn cấp”, là để giãn cách xã hội. Việc cách ly toàn xã hội mới chỉ dừng lại ở việc thuyết phục, vận động nhân dân tự giác chấp hành, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình. Chính phủ chưa tính đến việc phong tỏa các thành phố lớn.

Tính đến sáng 15/4, Việt Nam có 267 bệnh nhân mắc Covid-19. Bệnh nhân mới là nam, 46 tuổi, xóm Hội, Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội. Đây là bố của BN257, chồng của BN258, có tiếp xúc gần với BN243 tại nhà ngày 20/3.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, trong số 267 bệnh nhân có 160 người từ nước ngoài chiếm 59,9%, 107 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,1%.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 67.835. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 533, cách ly tập trung tại cơ sở khác là 12.573, cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 54.729.

Nguồn Zing.vn