Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Văn tự Hán Nôm đình An Tịnh
Thứ năm: 15:49 ngày 17/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cho dù câu đối đã được viết bằng chữ Việt qua quá trình sửa chữa, tôn tạo nhưng vẫn có thể nhận ra cái gốc của nó là văn tự Hán Nôm.

Trước khi viết bài này, trí nhớ tôi bỗng bật ra một đôi câu đối của một ngôi đình ở ven sông Vàm Cỏ Đông. Đình Trường Tây ở ấp Trường Huệ (xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành) thì phải! Nhớ vì câu văn dễ nhớ, lại đối nhau từng chữ. Ý tưởng thì tuyệt hay và vẫn còn tính thời sự tới ngày nay. Cho dù câu đối đã được viết bằng chữ Việt qua quá trình sửa chữa, tôn tạo nhưng vẫn có thể nhận ra cái gốc của nó là văn tự Hán Nôm. Đôi câu ấy là:

Ảnh chụp bản sắc phong đình An Tịnh

- Dân vi bản, quốc gia trường thọ

- Quốc hữu cơ, dân tộc vĩnh sinh

Tạm hiểu: (nếu) lấy dân làm gốc, thì đất nước sẽ còn mãi mãi/ Và, đất nước có cơ chế, bộ máy hiệu quả, đoàn kết thì dân tộc sẽ đời đời tồn tại.

Điều này cho thấy văn tự Hán Nôm ở các đình làng thể hiện khát vọng của con người từ hàng trăm năm về trước vẫn còn ý nghĩa giáo dục đến ngày nay. Mặt khác, trong một báo cáo của Bảo tàng tỉnh Tây Ninh về “kết quả kiểm kê thực trạng tư liệu hoá văn tự Hán Nôm” năm 2021 còn chỉ ra nhiều giá trị quan trọng khác. Đấy là: “Di sản Hán, Nôm là chứng nhân lịch sử trung thực nhất về cuộc sống của con người từ những buổi đầu tiên đặt chân đến vùng đất mới, về những thăng trầm biến loạn của thời cuộc, là tinh thần, trí tuệ, khát vọng, công lao, mồ hôi xương máu của bao thế hệ tiền nhân “mang gươm đi mở cõi” xác lập chủ quyền và tạo dựng nên vùng đất bao la trù phú. Ngoài ra, di sản Hán Nôm phản ánh nhiều vấn đề về lịch sử - xã hội các vùng đất. Đây là tư liệu ghi lại quá trình di cư, định cư, lập nghiệp của các nhóm người (Việt, Hoa)… và mối quan hệ giữa các nhóm người, ghi lại quá trình khai hoang mở cõi, lịch sử hình thành làng xã; ghi lại lịch sử xây dựng và trùng tu di tích; ghi lại tiểu sử, sự nghiệp của các nhân vật được thờ, ghi lại các phong tục thờ cúng và các sự kiện lớn nhỏ trong cộng đồng…”.

Rất nhiều giá trị lịch sử quan trọng như vậy! Chưa kể đến các giá trị góp phần giáo dục con người các thế hệ sau. Tiếc thay! Hầu hết các ngôi đình Nam bộ nói chung, cũng như đình làng ở Tây Ninh nói riêng được xây dựng trong thời Pháp thuộc, nên nhiều giá trị đã không còn nữa. Ở Tây Ninh, có lẽ chỉ có duy nhất đình An Tịnh, thị xã Trảng Bàng là được xây từ thời triều Nguyễn. Bằng chứng không thể bác bỏ là chỉ có ngôi đình này là có sắc phong của triều vua Tự Đức (1952). Cho dù vậy, do tính kế thừa và truyền thống mạnh mẽ của văn hoá dân gian nên các văn tự Hán Nôm ở các đình làng vẫn còn hàm chứa nhiều giá trị quan trọng khác. Do vậy mà vào năm 2021, Bảo tàng tỉnh Tây Ninh đã thực hiện một dự án rất có ý nghĩa. Đấy là: “Phối hợp với đơn vị có chuyên môn trong lĩnh vực di tích và văn tự Hán Nôm tại TP. Hồ Chí Minh thực hiện công tác kiểm kê thực trạng tư liệu hoá văn tự Hán Nôm tại 5 di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp quốc gia…”.

5 ngôi đình ấy là: Hiệp Ninh, Thái Bình, Gia Lộc, Long Thành và An Tịnh.

Từ đây, chúng tôi xin trình bày lại các nội dung quan trọng từ cuộc kiểm kê và dịch thuật các văn tự Hán Nôm ở các đình làng. Bắt đầu từ ngôi đình cổ xưa nhất, là đình An Tịnh.

Tư liệu Hán Nôm cổ xưa nhất và quý giá nhất chính là bản sắc phong thần dưới triều vua Tự Đức. Nhưng trước lúc vào chuyện, cũng nên nhắc lại một chuyện buồn có liên quan. Đấy là vào năm 2013, sau khi các di tích lịch sử - văn hoá (LS-VH) ở các huyện, thị được gắn “Bảng di tích”. Các cụ trong Ban Quý tế đình An Tịnh phát hiện những ghi chép trên bảng di tích đình An Tịnh có nhiều sai sót. Trong 4 chi tiết sai mà các cụ chỉ ra, quan trọng nhất là sai sót về cụm mỹ tự được phong cho thành hoàng bổn cảnh đình An Tịnh. Các cụ cho là cụm mỹ tự: “Quảng hậu chánh trực đôn chi hầu” là vừa sai, vừa thiếu. Rất tiếc là chi tiết được cho là sai, là thiếu này cũng đã được ghi vào trong sách “Di tích LS-VH, danh lam thắng cảnh tỉnh Tây Ninh” (2014).

Trong bài Di tích lịch sử đình An Tịnh (trang 25) có một câu: “Ngày 20.11.1852, vua Tự Đức (năm thứ V) đã ban sắc phong cho thành hoàng đình An Tịnh: “Quảng hậu chánh trực đôn chi hầu”. Chỉ một câu thôi, đã có 2 lỗi sai. Lỗi thứ nhất là về ngày tháng. Trong bản sắc phong có ghi ngày ban sắc: “Tự Đức ngũ niên, thập nhất nguyệt, nhị thập cửu nhật”. Thì cần phải hiểu cho đúng đấy là ngày tháng theo âm lịch của năm Tự Đức thứ 5 (1852-1853). Dịch cho đúng phải là: ngày 29.11 (âl) năm Tự Đức thứ 5. Phiên ra dương lịch đấy là ngày 8.1.1853. Lỗi thứ hai, quan trọng nhất là mỹ tự được ban gồm 10 chữ, thì ở bảng di tích lại chỉ có 7 chữ. Và, do thiếu chữ, nên mỹ tự 7 chữ này trở nên vô nghĩa. Năm 2013, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng có văn bản trả lời, nhưng do chưa có bản dịch chính thức nào nên cũng chỉ là hứa hẹn chung chung, rằng sẽ: “tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu, nếu đủ cơ sở sẽ trình các cấp có thẩm quyền chỉnh sửa lý lịch di tích đình An Tịnh…”.

Các lỗi sai kể trên, tóm lại cũng là do chưa có bản dịch xác thực nào của tờ sắc phong. Đến năm 2021, với công trình vừa kể thì đã hoàn toàn có câu trả lời. Theo bản báo cáo của Bảo tàng tỉnh năm 2021, bản dịch đúng đắn của tờ sắc phong này là: Phiên âm: Sắc bổn cảnh thành hoàng chi thần, nguyên tặng Quảng hậu chánh trực hựu thiện chi thần, hộ quốc tí dân, nẫm trứ linh ứng. Tứ kim phi ưng cảnh mạng, miễn niệm thần hưu, khả gia tặng Quảng hậu chánh trực hựu thiện đôn ngưng chi thần. Nhưng chuẩn Tân Ninh huyện, An Tịnh thôn y cựu phụng sự. Thần kỳ tướng hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai!

Nghĩa rằng: Hoàng đế ban sắc rằng/ Bổn cảnh thành hoàng chi thần, giúp nước che dân, rõ ràng linh ứng. Nay trẫm kế tuân mệnh lớn, nhớ nghĩ ơn thần. Vậy đáng gia tặng Quảng hậu chánh trực hựu thiện đôn ngưng chi thần, vẫn chuẩn cho thôn An Tịnh, huyện Tân Ninh phụng thờ thần như trước. Thần hãy giúp đỡ, che chở dân ta. Kính thay!

Xem tờ sắc phong này, thấy rõ 2 vấn đề. Một là lịch sử vùng đất. Rằng các năm 1852-1853, An Tịnh vẫn còn thuộc huyện Tân Ninh (cùng huyện với khu vực Châu Thành, TP. Tây Ninh hiện nay).

Hai là, hiểu cho rõ thêm về 10 chữ trong mỹ tự vua ban, thì ý nghĩa của nó là: vừa rộng rãi, dày dặn; vừa chính đáng và ngay thẳng (theo nhà nghiên cứu Nam bộ Trương Ngọc Tường).

Ba là, trước khi có bản sắc phong này, thần cũng đã được phong mỹ tự: “Quảng hậu chánh trực hựu thiện chi thần”. Năm nào phong còn chưa rõ.

Điều khá lạ nữa, là đình An Tịnh không nhiều các câu đối hoành phi. Đáng chú ý là cặp câu đối ở ban thờ hữu ban.

Phiên âm:

Hữu đức diêu khai thiên hộ khánh

Dực trì phổ tế vạn gia xuân.

Bản dịch nghĩa là:

Phải, đức mở rộng bờ cõi, muôn hộ ổn định

Giữ gìn, giúp đỡ nhà nhà mừng vui

Theo chúng tôi là chưa chuẩn. Vì có thể “Hữu đức” ở đây là “Có đức”.

Về hoành phi, đáng chú ý là cặp: Tả văn minh và Hữu võ hiển. Các nhà dịch thuật cho biết ý nghĩa là: bên trái xán lạn văn chương, và bên phải hiển dương oai võ. Có thể cũng chưa lột tả đúng ý người xưa, vì chữ “văn minh” có ý nghĩa rộng lớn hơn “văn chương”.

Như vậy, người xưa ở miền đất địa linh nhân kiệt này đã truyền đạt lại một khát vọng: An Tịnh không chỉ là miền đất hiển hách võ công mà còn là miền văn minh toả sáng.

Trần Vũ

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục