Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Về bài bình luận của một “ngáo sư” mất hết lý trí
Thứ tư: 16:20 ngày 21/02/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - GS Cống viết nhiều bài tung lên mạng xã hội đả kích, vu cáo Đảng ta bằng những lời lẽ hết sức phản động, tiếp tay cho các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Kẻ đang được dư luận đặt cho cái hỗn danh “ngáo sư” ấy không phải ai xa lạ chính là một “vị” có học hàm giáo sư (GS), học vị tiến sĩ (TS), từng được phong tặng danh hiệu cao quý Nhà giáo nhân dân tên là Nguyễn Đình Cống, một kỹ sư có nhiều công trình nghiên cứu bê-tông và từng là “bậc thầy” được nhiều sinh viên Đại học Xây dựng Hà Nội ngưỡng mộ.

Ngoài cái hỗn danh trên, “thầy Cống” còn được báo chí, truyền thông nhắc đến với nhiều cụm từ “dễ sợ” như “vị giáo sư xưa và kẻ phản đảng hiện nay”, “đồ tể khoác áo thầy tu”, “giáo sư vô minh”, “kẻ vong ân, bội nghĩa”…

Việc “vạch mặt chỉ tên” GS Cống bằng những từ ngữ “chói tai” ấy bắt đầu từ khi ông ta thông báo “từ bỏ Đảng” trên mạng xã hội đúng vào ngày kỷ niệm 86 năm thành lập Đảng (3.2.2016).

Trước đó, ông ta đã tham gia ký tên vào văn bản gửi đến Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đại biểu Đại hội Đảng lần thứ XII (20 - 28.1.2016) kiến nghị đổi tên Đảng (không gọi là Đảng Cộng sản Việt Nam) và đổi cả Quốc hiệu (không gọi là Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Ngông cuồng đến mức ấy vẫn chưa phải là hết, sau đó, GS Cống còn viết nhiều bài tung lên mạng xã hội đả kích, vu cáo Đảng ta bằng những lời lẽ hết sức phản động, tiếp tay cho các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Mới đây, sau khi Giáo sư, Tiến sĩ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết chào mừng kỷ niệm 94 năm thành lập Đảng (3.2.1930 - 3.2.2024) được đăng, phát rộng rãi trên báo chí, truyền thông nước ta, đồng thời gây tiếng vang trên công luận quốc tế ngày 31.1.2024, chỉ trong vòng hai tuần sau, ngày 14.2.2024, GS Cống đã có ngay bài “Bình luận vài ý trong bài báo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” đăng tải trong một trang báo điện tử trên mạng internet (website baotiengdan.com).

Nói là “bình luận vài ý”, thực chất GS Cống viết một bài đến gần 7.000 từ để phản bác, phủ định bài viết sâu sắc, hài hoà ý Đảng lòng Dân của người đứng đầu Đảng ta, người đốt lò vĩ đại Nguyễn Phú Trọng có tựa đề là “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”.

Với cương vị vừa là nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, vừa là nhà lý luận chính trị hàng đầu, trong bài viết của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá một cách khách quan, toàn diện những kết quả, thành tựu, bài học kinh nghiệm chủ yếu mà Đảng ta, đất nước ta, dân tộc ta đã đạt được qua các chặng đường lịch sử, từ đó khơi dậy niềm tự hào về Đảng, quang vinh Bác Hồ vĩ đại, dân tộc anh hùng, củng cố niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đó là niềm tin vào Đảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, vào tương lai tiền đồ tươi sáng của đất nước và dân tộc, niềm tin vào cơ đồ chưa bao giờ chúng ta có được như ngày hôm nay. Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nêu cao hơn nữa trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống chính trị, tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước và cách mạng của toàn dân tộc, quyết tâm xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng.

Chúng ta đã kể cho cả thế giới biết đến câu chuyện thoát nghèo vĩ đại. Chúng ta đã đưa được hàng chục triệu đồng bào ta thoát khỏi đói nghèo, đưa nước ta từ một nước có thu nhập thấp trở thành nước có thu nhập trung bình và đang trong hành trình để trở thành một quốc gia phát triển. Bài viết của Tổng Bí thư đã lý giải và phân tích sâu sắc làm nổi bật những thành tựu rất quan trọng này.

Trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh đến mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, quan điểm lấy dân là gốc, mọi chủ trương, chính sách phải lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.

Đảng có mối quan hệ mật thiết gắn bó với nhân dân. Đó là nguồn sống của Đảng, vì Đảng lãnh đạo phải dựa vào niềm tin, vào sự ủng hộ của nhân dân, sức mạnh của Đảng là sức mạnh của niềm tin. Sức mạnh ủng hộ của nhân dân chính là tin vào sự sáng suốt, quyết đoán của Đảng trong việc đề ra đường lối, chủ trương để lãnh đạo, Đảng chính là chỗ dựa, tin cậy của người dân, để người dân đi theo Đảng.

Chính vì thế, người dân vẫn nói là Đảng ta với niềm tự hào và tin yêu. Con đường tự hào là con đường tin yêu, chúng ta tự hào vì có Đảng quang vinh, có Bác Hồ vĩ đại, có dân tộc anh hùng. Niềm tự hào đó đã truyền cảm hứng, niềm tin cho toàn Đảng, toàn dân ta.

Ấy thế mà, trong cái gọi là “bình luận vài ý” của GS Cống, ông ta đã trâng tráo phủ nhận tất tần tật, từ những thành tích chiến thắng giặc ngoại xâm, chiến thắng giặc dốt nát, giặc đói nghèo, những thành tựu vượt bậc của cả nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Là một người sinh ra, lớn lên trong vùng chiến khu chống Pháp (Ba Đồn, Quảng Trạch, Quảng Bình), được học tập bậc học phổ thông ở những trường lớp cách mạng, bậc đại học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, rồi làm nghiên cứu sinh du học ở một đất nước xã hội chủ nghĩa, sau đó trở về nước giảng dạy, làm trưởng bộ môn, làm chủ nhiệm khoa, làm chuyên gia giáo dục ở một đại học nước ngoài, chưa kể đã viết và được xuất bản khá nhiều sách về chuyên môn ngành Xây dựng…

GS Cống đã được hưởng bao nhiêu là sự ưu ái của Đảng, của đất nước, nhân dân ta, nhưng khi đã về nghỉ hưu được gần hai thập niên, đến tuổi 80 ông ta lại “trở cờ, quay mũi giáo” đâm vào Đảng, vào đất nước, nhân dân, đâm vào những người ơn từng đùm bọc, dưỡng dục ông ta từ tấm bé, và tiếp tục cưu mang ông ta bằng chính sách an sinh xã hội cho đến ngày nay.

Trong bài “bình luận vài ý” của mình, ngay trong phần đầu, GS Cống cố tình “lật ngược” vấn đề về quá trình thành lập Đảng ngày 3.2.1930. Tổng Bí thư viết: “Việc Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là thành quả của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước; chứng tỏ giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành và đủ sức gánh vác sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng.

Luận cương chính trị đầu tiên của Đảng được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng đã xác định con đường cơ bản của cách mạng Việt Nam, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của Dân tộc và nguyện vọng tha thiết của Nhân dân”. GS Cống cho rằng, đoạn văn trên “không phản ánh đúng thực tế mà chỉ là những giáo điều”.

Lẽ nào là một “Nhà giáo nhân dân” tuổi đời chỉ kém “tuổi của Đảng ta” 7 năm (Cống sinh năm 1937), GS Cống lại không biết, theo thống kê của chính chế độ thực dân Pháp, năm 1929, lực lượng công nhân Việt Nam đã có đến 220.000 công nhân; và cũng trong năm này, Công hội Đỏ- tổ chức cách mạng đầu tiên của giai cấp công nhân nước ta đã được thành lập? Thế mà GS Cống vẫn “ngơ ngác” đặt vấn đề: “năm 1930 mà cho rằng giai cấp công nhân của Việt Nam đã trưởng thành là khó chấp nhận”.

GS Cống còn “nhận định”: “Giáo điều ở chỗ cho rằng, đã là đảng Cộng sản thì phải là đội tiên phong của giai cấp công nhân”. Thật nực cười, nếu không phải là Đảng Cộng sản, thì đội tiên phong của giai cấp công nhân là ai? Chẳng lẽ lại là các “nghiệp đoàn” do giới chủ thực dân, tư bản lập ra? Từ chỗ đặt vấn đề về nguồn gốc xuất thân của Đảng và cho rằng nói giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng là “giáo điều hạng nặng”, GS Cống cố ý phủ định vai trò lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân để từ đó phủ định vai trò đội tiên phong của giai cấp công nhân là Đảng Cộng sản.

Cũng từ cách đặt vấn đề như thế, GS Cống muốn phủ định luôn cả sự lãnh đạo của Đảng ta trong Cách mạng tháng Tám. Ông viết: “Thực ra lãnh đạo Cách Mạng Tháng Tám là Việt Minh, một tổ chức do Đảng lập ra gồm những người yêu nước mà chủ yếu là các trí thức trẻ.

Đặt ra giai cấp lãnh đạo là một sự suy diễn của Mác - Lênin, thực tế không tồn tại sự lãnh đạo như vậy”. Thực ra, chính cái lập luận lộn xộn, mâu thuẫn của GS Cống mới là phi thực tế, phi logic, trong khi chính cái lập luận ấy của GS Cống đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng ta trong Cách mạng tháng Tám.

Đối với những thắng lợi rực rỡ của sự nghiệp kháng chiến chống thực dân, đế quốc giành lại độc lập dân tộc, dĩ nhiên GS Cống không thể nào phủ định được, nên ông ta phải nói theo kiểu “bâng quơ, lớt phớt” như: “Từ đó phải kháng chiến chống Pháp 9 năm, kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ.

Lại còn mất 20 năm chiến tranh (chống Mỹ - NV) mới thống nhất được đất nước. Con đường mà đảng Cộng sản chọn cho dân tộc đúng sai đến đâu, hiện nay chưa bàn được, còn chờ lịch sử phán xét”.

Chuyện mà GS Cống bảo “chờ” theo kiểu “hãy đợi đấy”, thật ra toàn nhân loại ở khắp thế giới ai cũng biết cả rồi, lịch sử không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới cũng đã “phán xét” rồi, chỉ có mỗi mình “ngáo sư Cống” tuổi gần chín chục và đã mất hết lý trí nên vẫn chưa biết.

Nguyễn Tấn Hùng

(Còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục