Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bài thơ “Niềm vui của việc đọc” được in trên tuần báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam số 11, ngày 17.3. 2018, tác giả Charles Simic, bản dịch của Nguyễn Huy Hoàng.
Tác giả Charles Simic - nhà thơ Mỹ gốc Serbia, sinh năm 1938. Thơ ông được trao nhiều giải thưởng. Ông nguyên là biên tập viên thơ của tờ Paris Review và là giáo sư hưu trí ngành văn học Anh tại Ðại học New Hampshire.
Ngay câu thơ mở đầu, tác giả đi vào thẳng vấn đề cần miêu tả: “Trên giường bệnh cha tôi đang đọc/ Hồi ký của Casanova”. Ðọc là một loại lao động trí óc, nhưng để nhắc tới cảm xúc đối với loại lao động này thì đã lâu rồi ít có người đề cập tới.
Sao hôm nay một nhà thơ lại “đặc cách” nói lên bằng việc làm một bài thơ về nó? Chúng ta đều biết những năm gần đây khi các sản phẩm công nghệ thông tin được phát minh ra thì việc đọc đã có lắm biến động. Bây giờ, người ta không còn viết thư cho nhau mà có gì cần thiết thì nhắn tin trên điện thoại di động hoặc qua laptop.
Sự thú vị của việc đọc thư bầu bạn, người thân, người yêu… hầu như biến mất vì không còn người viết thư thì cũng không còn người đọc thư. Có thể thấy đây là một mất mát lớn khó mà nguôi ngoai trong sự trao đổi tình cảm giữa người với người.
Một số người, nhất là giới trẻ hiện nay ưa chuộng đọc sách, đọc báo điện tử. Có người đã lo việc đọc truyền thống rồi đây có lẽ sẽ thành quá khứ, bởi thế nên các nước, các tổ chức xã hội, các thư viện… hằng năm đã tổ chức nhiều hoạt động rất xôm tụ để cổ vũ cho việc đọc sách in.
Bài “Niềm vui của việc đọc” gồm 17 câu nằm trong hai khổ thơ tự do. Khổ đầu có 8 câu, khổ 2 có 9 câu. Ðây là bài thơ ca ngợi việc đọc nhưng có cái hay là khen nhưng không tô màu, chêm nhạc. Tất cả các từ đều viết bằng cảm xúc thực sự, mộc mạc, trần trụi như sự thật vốn có của nó. Quang cảnh chỉ là một buổi trời chạng vạng tại một khu phố có hai người, một già, một trẻ đang đọc sách trong hai căn phòng nhỏ của họ.
Trên giường bệnh cha tôi đang đọc/ Hồi ký của Casanova. Người đọc thứ nhất là một người đã cao tuổi và là cha của tác giả. Già và đang bị bệnh mà vẫn đọc sách là một hình ảnh đẹp vì chứng tỏ việc đọc là có tính giải trí cao, cũng là dịp tranh thủ làm giàu thêm trí tuệ! Hình ảnh người cha đọc sách đã làm cho tác giả cảm thấy yên tâm hơn để… “ngắm đêm buông”.
Và tác giả nhận ra ở bên kia phố có vài ô cửa sổ đã sáng đèn. Thế nhưng “Ở một ô có một cô gái trẻ đang đọc/ Sát gần tấm kính”. Hình ảnh cô gái đọc sách rất chăm chú, chỉ mê mải đọc chứ không liên lạc với bất kỳ một ai hay một cảnh nào đến nỗi bóng đêm đã tới mà cô cũng không hay, không biết!
Khi thấy cô gái say sưa đọc, tác giả lại tò mò, mong được nhìn thấy mặt. Ðây là những câu thơ hay ghi lại cái cảm giác chờ đợi, mong mỏi “Khi vẫn còn một chút ánh sáng /Tôi muốn cô ngẩng đầu lên/ Ðể tôi có thể thấy mặt/ Mà tôi đã sẵn hình dung”.
Cái đáng tiếc và cũng là hình ảnh đắt nhất của bài thơ là khi cô gái không chịu ngẩng đầu, vẫn tiếp tục đọc … Tác giả như tự an ủi khi đoán biết rằng: “Sách của cô chắc phải đầy hồi hộp/ Và ngoài ra, mọi thứ thật im lặng”. Sự im lặng ở khung cảnh này thật hợp, đẹp và đáng tôn trọng .
Sự lặng im, đến nỗi, tác giả cảm nhận được: “Mỗi lần cô giở một trang/ tôi có thể nghe cha tôi giở một/ Như thể họ đang đọc cùng một cuốn”. Sách có hay, người đọc mới chăm chú và tất cả đã tạo nên sự thiêng liêng của việc đọc và đó cũng chính là cái cao cả của niềm vui tột cùng về sự đọc! Cái đẹp và cái vui của sự đọc trong lặng yên của quang cảnh như đường viền của một thứ màu xúc cảm tạo ra với vẻ lung linh và trầm ấm không cần phô trương. Tất cả là sự toả sáng của trí tuệ!
Dân Làng Ngang