Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Về Long Châu thăm Chùa Mục Đồng
Chủ nhật: 20:42 ngày 14/02/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đối với người dân Tây Ninh, nói đến Chùa Mục Đồng có lẽ ít ai biết chùa này ở đâu, thậm chí có người không tin rằng xứ ta có kiểng chùa này. Sách Tây Ninh Đất và Người mới xuất bản gần đây có hẳn một danh mục về các ngôi chùa ở đất Tây Ninh, nhưng cũng không nhắc tới tên Chùa Mục Đồng. Vậy ngôi chùa này hiện tọa lạc tại nơi đâu trong tỉnh?

Thực ra đến với Chùa Mục Đồng cũng không khó lắm. Từ thành phố Tây Ninh ra ngã tư Quốc tế thẳng theo đường 786 qua khỏi cầu Gò Chai chừng 2km, gặp ngã tư Long Vĩnh rẽ phải theo đường 796 tới ấp Long Châu rẽ trái chạy thêm chừng 1,5km nữa là tới nơi. Chùa Mục Đồng hiện nay được xây dựng trên một gò đất giữa một cụm rừng nhỏ.  Khu vực này xưa gọi là Bưng Doi Da, gần rạch Bàu Quan chảy ra sông Vàm Cỏ Đông, trước kia từng thuộc Ninh Điền, nay thuộc về ấp Long Châu của xã Long Vĩnh.

Trước khi nói qua Chùa Mục Đồng, xin nói sơ qua một chút về tín ngưỡng mục đồng của người Việt xưa. Có thể nói, từ trước đến nay cái gốc của văn hóa Việt không nằm ngoài hai chữ lúa nước, mà hễ nói đến lúa nước là nói đến ruộng đồng và đặc biệt là con trâu. Có trâu thì phải có người chăn dắt, công việc này dành phần nhiều cho bọn trẻ. Vì thế mới gọi trẻ chăn trâu là mục đồng. Và từ hình ảnh đó mà đời sống văn hóa dân gian, xây dựng lên rất nhiều câu chuyện xung quanh hai chữ mục đồng. Thông qua những truyền thuyết ấy, ta thấy hiện lên biết bao ngõ ngách tâm hồn của người xưa.  

Mục đồng là một từ gốc Hán. Theo Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của thì mục là chăn, còn đồng là trẻ nhỏ. Hán Việt từ điển của Nguyễn Quốc Hùng giảng mục đồng là trẻ chăn súc vật. Các Từ điển Tiếng Việt đều giảng cụ thể mục đồng là trẻ chăn trâu.

Nhìn chung các từ điển trên giảng là hoàn toàn đúng, nhưng trong quan niệm của dân gian, nhất là vùng Nam Bộ thì không phải “trẻ chăn trâu” hay “trẻ chăn súc vật” nào cũng là mục đồng. Mà mục đồng là đứa trẻ làm nghề chăn trâu ba đời.

Tức là đời ông nội và đời cha đã làm nghề chăn trâu, đến đời nó lại tiếp tục làm nghề chăn trâu thì nó mới trở thành mục đồng. Chứ không phải chăn trâu vài tháng hay vài năm mà trở thành mục đồng được. Bởi mục đồng là đứa trẻ chăn trâu có khả năng đặc biệt so với những đứa trẻ khác.

Nhưng tại sao dân gian lại quan niệm như vậy? Vấn đề này có nhiều khía cạnh. Cụ thể là thập nhị công nghệ xưa nghề nông là nghề đứng đầu, là nghề chính yếu nhất. Nghề nông thì có Thần Nông chỉ dạy, cai quản, phù hộ độ trì cho vạn vật tươi tốt, nhà nhà mùa màng bội thu. Mà con trâu lại chính là hóa thân của Thần Nông, bởi thần thoại miêu tả Thần Nông là người có đầu giống đầu trâu, sừng nhọn, trán đồng, đầu sắt, đuôi bọ cạp, chân rết…

Vậy mục đồng vừa là người chăm sóc Thần Nông vừa là đệ tử của Thần Nông, mà cái gì liên quan đến thần thì đã được nâng lên một bậc và bên trong nó bao giờ cũng có nhiều vấn đề huyền bí. Bên cạnh các yếu tố thần thoại, trong văn hóa Phật giáo con trâu còn là hóa thân của một vị thần.

Chuyện kể rằng: Xưa, Ngọc Hoàng Thượng đế tạo ra loài người, muốn cho loài người no đủ nên mới sai một vị thần xuống trần gian gieo hai bao hạt lúa để cho người và một bao hạt cỏ cho súc vật. Nhưng vị thần này thất trách, xuống tới trần gian thấy cái gì cũng đẹp cũng mê nên quên mất lời dặn của Ngọc Hoàng. Ông gieo tới hai bao hạt cỏ mà chỉ có một bao hạt lúa.

Khi về đến Thiên Đình, nhận ra việc làm sai trái thì cỏ đã tràn lan dưới cõi trần rồi. Ngọc Hoàng tức giận đày ông ta xuống trần gian làm kiếp con trâu, ăn khi nào hết cỏ thì về trời phục mệnh… Ngày nay ở một số đền chùa cổ còn thờ vị thần mình người đầu trâu là vậy!

Người xưa vì tôn kính thần thánh nên mới có phần nâng mục đồng lên như thế. Nhưng thực ra cái gốc nó vẫn là ở đời sống hiện thực. Trong xã hội ngày trước, những người nông dân nghèo rất nhiều, họ bị xem là tầng lớp dưới của xã hội. Những nhà giàu có thường nuôi rất nhiều trâu, gọi là nuôi trâu đàn và họ thuê con cái của những nhà nghèo khổ đến ở đợ để chăn trâu.

Chính vì vậy mà hình ảnh mục đồng bao giờ cũng là những đứa trẻ nghèo, rách rưới, lấm lem... Đời đi ở đợ thì có sung sướng gì, các nhà chủ thì được mấy kẻ đối xử có tâm, nên những đứa trẻ ấy phần nhiều rất cơ cực, bữa cơm thì thiếu thốn, quần áo thì tả tơi...thậm chí khi mất trâu hay trâu đi lạc còn bị chủ đánh đập hành hạ …

Nhưng dù sao đi nữa, về cơ bản mục đồng đều là những đứa trẻ ngây thơ, năng động. Chúng thường sáng tạo ra những trò chơi quái lạ như nặn tượng đất sét bỏ xuống sông, bày trò đánh trận, vào các ngôi miếu chơi giả thần giả quỷ, nằm ngủ trên giường thờ…

Đói bụng thì ăn bất cứ thứ gì chúng kiếm được như tôm cá, khoai củ và cả đồ cúng tống quái, cúng ma quỷ trên bè chuối thả trôi. Những thứ mà không ai dám đụng tới, vậy mà mục đồng vẫn ăn ngon lành không ai dám quở phạt…Nói chung là đủ thứ chuyện trên trời dưới đất không có thứ gì mà trẻ chăn trâu không dám làm…

Chính vì chứng kiến cảnh này mà những người có đạo đức, có lòng thương người ngày xưa mới tạo ra và tuyên truyền những câu chuyện quái lạ xung quanh mục đồng. Với mục đích là giúp những đứa trẻ và dạy cho bọn nhà giàu bài học nào đó mà thôi.

Ở Nam bộ xưa, người ta rất sùng bái tượng đất sét do mục đồng nặn. Loại tượng này không có đường nét sắc sảo nhưng lại rất có hồn, chủ yếu do trẻ chăn trâu moi đất sét ngoài bờ sông lên nặn. Nặn xong thì phơi khô rồi chúng đặt tên cho tượng như tượng ông Địa, Thần Tài, Phật hoặc nhân vật nào đó trong dân gian mà chúng biết.

Nhưng kỳ lạ thay, có những tượng mà chúng thả xuống sông vẫn không bị chìm, trôi nổi trên mặt nước, ai vớt được đem về thờ đều cho là rất linh. Dân gian Nam bộ cho rằng chỉ có đứa trẻ nào là mục đồng thực sự, tức ba đời chăn trâu, thì mới có được khả năng này! Một điều đáng quan tâm hơn nữa là ở Nam bộ còn có rất nhiều ngôi chùa được gọi là chùa Mục Đồng.

Theo truyền khẩu thì những ngôi chùa này ban đầu do những mục đồng bẻ cây lá dựng lên, nặn tượng thần phật để vào thờ cúng. Ban đầu chúng xem như là một dạng trò chơi mà thôi, nhưng sau đó vì tín ngưỡng mà người ta mới kế tục xây cất lên thành một ngôi chùa thực sự. Và về sau người dân vẫn quen gọi các ngôi chùa có gốc tích như vậy là chùa mục đồng.

Chùa Mục Đồng ở Long Châu – Long Vĩnh tuy quen gọi là chùa, nhưng nơi đây không có các hạng mục kiến trúc thường thấy như các ngôi chùa Phật khác trong tỉnh. Trong khuôn viên chùa chỉ tập trung một số ngôi miếu thờ nhỏ ở dưới các gốc cây như miếu Chiến sỹ, Thần Hổ, Ông Tà, Mẹ ngũ hành, Đức Quan Âm và chính giữa là gian thờ Thần Nông cũng hết sức đơn sơ. Hiện ngôi chùa này do ông Nguyễn Văn Leo và bà Nguyễn Thị Nhỏ cai quản.

Qua trao đổi, bà Nhỏ cho biết chùa này do ông Nguyễn Văn Vuông (1894 – 1959) quê gốc Ninh Điền, là ông nội của bà, cùng bạn bè chăn trâu thuở nhỏ dựng lên từ những thập niên đầu của thế kỷ XX. Thuở nhỏ, bà nghe ông nội kể lại rằng: xưa, khu Bưng Doi Da này trên là rừng già, dưới là bưng rạch hoang vắng.

Trẻ chăn trâu thường tụ tập lại nơi đây đón các bè tống quái để lấy thức ăn và chơi nặn tượng. Có lần mục đồng Nguyễn Văn Vuông nặn ba tượng thần thả xuống rạch thì có một tượng nổi lên. Ông và bạn bè liền đem tượng nổi ấy về lập miếu thờ tại vị trí Chùa Mục Đồng bây giờ.

Theo thời gian, ngôi miếu nhỏ dần được tôn tạo thành chùa, nhưng những năm chiến tranh biên giới Tây Nam bọn Pôn Pốt đã tràn qua phá nát ngôi chùa này. Duy chỉ có tượng đất linh năm xưa là còn sót lại, sau này được bồi thêm thành tượng Thần Nông đang thờ hiện nay.

Có thể nói, văn hóa của người Nam Bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng không có cái vẻ cầu kỳ rối rắm, mà là văn hóa của hiện thực đời sống. Nếu vén lên lớp màn đầy màu sắc của văn hóa ấy, thì ta sẽ thấy đó chính là một tinh thần nhân văn cao cả, là lòng thương người, nhất là những thân phận bé mọn tận cùng dưới đáy xã hội. Người ta thần hóa mục đồng tức là xếp trẻ chăn trâu vào một vị trí nhất định, đáng để tôn vinh. Và Chùa Mục Đồng là nơi để gửi gắm những giá trị nhân văn cao cả đó của người xưa.

Đào Thái Sơn

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục