Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Về Phước Chỉ- tìm đặc sản đồng quê
Thứ bảy: 15:48 ngày 28/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Về Phước Chỉ mùa này, chúng ta dễ dàng tìm thấy những món “đặc sản” chốn quê đồng với đủ loại rau, cá, quả... Qua bàn tay khéo léo của những người dân quê chất phác, chúng trở thành những món ăn ngon đến lạ, khách xa đến chỉ một lần nếm trải sẽ khó mà quên.

Anh Hoá tìm ngó lục bình về muối chua ngọt.

Ở Phước Chỉ, không đợi mùa nước lên những sản vật tự nhiên  ấy mới xuất hiện, mà chúng hầu như có quanh năm. Giữa khoảng không gian mênh mông mùa nước nổi mà được thưởng thức hương vị rau sông, được ăn con cá đồng thơm nức mũi hay nhấm nháp trái cà na chát chát, chua chua... quả thật tuyệt vời.

Phước Chỉ những ngày này trắng đồng con nước, đi dọc theo tuyến đê bao vùng lũ hay ngồi ghe máy xuôi theo sông Vàm Cỏ, ta có thể bắt gặp nhiều điều thú vị.

Trên chiếc ghe nhỏ, bà Thân Thị Hoa (ấp Phước Long), 61 tuổi luôn đều tay chèo cho ghe đi dọc con rạch chừng như thênh thang hơn trong mùa nước nổi. Vừa chèo, vừa vui vẻ trò chuyện, bà Hoa cho biết mình đã có hơn ba năm làm cái việc mỗi ngày mỗi chèo ghe đi hái cà na trong mùa nước nổi.

Cứ tầm tám chín giờ sáng là bà lên ghe men theo con rạch nhỏ gần nhà. Hiện bà đang được người ta đặt hàng khoảng 20 ký cà na và bà có thể hái đủ số lượng ấy chỉ trong vòng một buổi sáng. Mỗi ký cà na tươi giao cho khách hiện có giá tầm 20.000 đồng, đem lại một khoản thu nhập không nhỏ đối với người dân trong vùng (tiền công lao động bình thường hằng ngày không quá 100.000 đồng).

Khoản thu nhập ấy càng đáng giá đối với những phụ nữ đã lớn tuổi như bà Hoa, giúp bà nhẹ bớt gánh nặng trong việc nuôi sống bản thân và nuôi đứa cháu gái đang học tiểu học.

Mắm Phước Chỉ đậm đà hương vị đồng quê.

Ghe cập thềm nhà, nơi đứa cháu nhỏ của bà Hoa đang ngồi bên thềm chơi bong bóng xà phòng chờ đi học. Chiếc ghe nhỏ chở theo mớ cà na xanh mướt đã được bà cho vào bao để chuẩn bị giao cho khách.

Không giấu được niềm vui, bà Hoa chia sẻ: công việc đi hái cà na không kéo dài được lâu, mỗi năm chỉ hơn một tháng nhưng nó cho thu nhập khá, nên cứ đến mùa là bà lại đi. Thời gian gần đây, cà na được thị trường ưa chuộng, kéo theo tình trạng số lượng người đi tìm hái cà na tăng lên. Cà na là loại cây trái mọc tự nhiên, ai cũng có thể hái, vì vậy, muốn hái được nhiều phải chịu khó đi xa.

Đọt rau choại giòn tươi.

Trên mặt ruộng trắng nước ven con đường đến bến phà Lộc Giang tầm 10 giờ trưa, thấp thoáng hai bóng người đang lặn lội. Đó là vợ chồng ông Võ Văn Hùng, ngụ xã Lộc Giang (huyện Đức Hoà, tỉnh Long An). Họ đang cặm cụi vớt rau hẹ và bông súng chỉ.

Ông Hùng năm nay đã hơn sáu mươi, chân lội nước, quanh eo thắt sợi dây dài kéo theo chiếc thau nhỏ để đựng rau. Những cọng rau hẹ, bông súng chỉ chìm sâu dưới nước vừa được ông vớt hái phô ra một màu non xanh tươi roi rói, trông thật hấp dẫn.

Ông Hùng cho biết, mỗi ngày sau buổi làm thuê, vợ chồng ông lại cùng nhau đi nhổ rau ruộng, bình quân mỗi ngày hai ông bà hái được gần 20 ký rau, đem sang lại cho lái, kiếm cũng được vài trăm ngàn đồng.

Ông Hùng vớt rau trên ruộng.

Mùa này, trên những nẻo đường đi qua, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những ngọn rau sông vượt nước, lá non tơ đầy mời gọi như trâm ổi, săng máu, rau mương, lá lụa, rau choại… Nhiều loại trong số cây cỏ hoang dã này được dùng kết hợp với món bánh tráng phơi sương xứ Trảng đã tạo thành hương vị khó quên hấp dẫn thực khách gần xa. 

Đến Phước Chỉ mùa này, chúng tôi có dịp làm quen với những món ngon dân dã có nguồn gốc từ ruộng đồng, sông nước; thỉnh thoảng ngồi không nhớ lại cũng... ứa nước miếng vì thèm.

Ngồi trên ghe, chúng tôi cùng với anh Nguyễn Văn Hoá, 38 tuổi, len lỏi theo con rạch Củi để tìm bứt ngó lục bình. Anh Hoá cho biết, phải chọn những vùng lục bình tốt tươi, xanh mượt mới tìm được những cọng ngó ngon.

Chiếc ghe đưa chúng tôi đi có lúc ra tận ngoài khoảng sông Vàm Cỏ mênh mông. Trên sông nước bao la, anh Hoá luôn tay vạch tìm những chiếc ngó lục bình tươi non để đem chế biến thành món ngó lục bình muối chua ngọt mà nhiều người ưa chuộng.

Đây là công việc thường xuyên của vợ chồng anh Hoá, do lục bình có quanh năm trên sông rạch vùng này. Anh Hoá hào hứng cho biết thêm, những ngày cao điểm (như dịp tết), món ngó lục bình muối chua ngọt của vợ chồng anh rất hút khách, anh phải kiếm người làm phụ mới kịp giao hàng.

Những ngó lục bình chắc lọi được bào sạch vỏ ngoài, rồi lại bào mỏng thành từng miếng, rửa sạch, ngâm vào nước giấm đường đã thắng trước đó, ngày hôm sau có thể ăn ngay. Món này ăn có vị chua ngọt và giòn sần sật.

Ngó lục bình có thể muối kèm với cà rốt, củ cải trắng, dùng trộn gỏi với thịt. Đây là món ngon vợ chồng anh Hoá học được từ những bạn hàng miền Tây. Tận dụng sản vật sẵn có từ thiên nhiên, chỉ cần bỏ công ra là có thể kiếm được tiền.

Cà Na tươi đập giập trộn mắm đường.

Trên đường đi, chúng tôi nhân tiện ghé nhà ông Võ Văn Sơn, thăm vườn móp gai của ông. Ông Sơn cho biết, đó là những cây móp gai mọc hoang ven sông được ông mang về trồng quanh nhà, gây giống dần dần thành mảnh vườn nho nhỏ.

Ông kể: “Cây móp gai ngày càng ít dần đi trên sông, muốn tìm chúng phải đi xa hơn, vì thế ông mới mang cây móp gai về trồng tại nhà, vừa tiện thu hái vừa có thể lưu giữ chúng”. Nhìn những thân móp gai chìm dưới nước, ông Sơn cười bảo: “Không lo, vì giống này chịu nước.

Mùa này tôi hạn chế thu hoạch thôi, chứ thật ra không bị ảnh hưởng gì”. Ông Sơn trồng móp gai chủ yếu để lấy đọt non, cứ 5 ngày một lần ông hái đem bán. Khoản thu nhập thêm từ loại cây này cũng khá tốt. Người ta thường dùng củ móp gai nấu nước uống để có lợi cho sức khoẻ.

Nhưng theo ông Sơn, phần lá móp gai non mới là thứ mà nhiều người ưa chuộng nhất. Lá móp gai non có thể dùng để xào, nấu lẩu, ngon nhất là muối chua. Đọt móp non đem muối giống như muối cải sậy, ăn giòn tan rất khoái khẩu.

Anh Hoá sơ chế ngó lục bình.

Ở xã Phước Chỉ còn có một thứ đặc sản hấp dẫn khác, đó là mắm đồng. Mỗi khi lũ về, lượng cá bắt được rất nhiều, ăn không hết, người dân dùng làm mắm để ăn dần. Mắm đồng làm từ những con cá tươi ngon cho hương vị đậm đà, quyến rũ cả khứu giác, vị giác. Ở xứ này, có những gia đình có truyền thống làm mắm lâu đời, nổi tiếng trong vùng.

Người làm nên thương hiệu món mắm đồng Phước Chỉ thơm ngon ấy là bà Bùi Thị Ẩn. Trên 30 năm kinh nghiệm làm mắm, bà đã tạo ra món mắm đồng dân dã khiến khách phương xa ăn qua một lần là nhớ mãi. Như sự kết hợp tuyệt hảo, món mắm đồng ăn kèm với rau sông cho ta một hương vị rất đặc biệt. Nó trở thành món quà quê được nhiều người lựa chọn để tặng bạn bè, người thân khi có dịp đặt chân đến vùng đất này.

Trong những người chế biến mắm đồng ở đây có chị Nguyễn Thị Lan- một phụ nữ còn khá trẻ. Lúc chúng tôi có mặt, chị vừa mang về hai bao trái cà na tươi. Chị mỉm cười cho biết, chỉ khi nào có khách hàng yêu cầu chị mới bắt tay vào việc chế biến cà na, bởi như vậy thì món ăn mới ngon.

Những trái cà na xanh mượt được đem ngào đường hoặc đập giập trộn mắm đường được nhiều người yêu thích. Chị Lan mong muốn sẽ có ngày những món ngon dân dã của vùng quê sống nước Phước Chỉ được phổ biến rộng rãi trên thị trường. Chị cũng đã lập trang Facebook với tên Shop đặc sản Phước Chỉ, Trảng Bàng- chuyên “quảng bá” những món đặc sản của quê mình như mắm đồng, rau sông, rau ruộng...

Hiện chị Lan đã liên kết hàng chục hộ dân Phước Chỉ chuyên thu hoạch, sản xuất các món ngon được làm từ các loại nguyên liệu hoàn toàn thiên nhiên để có nguồn hàng cung cấp cho khách.

Chị nói: “Để đưa hàng lên bán trên mạng tôi phải tìm, dùng thử qua sản phẩm và chọn lựa những cơ sở sản xuất có chất lượng để kết nối, cung cấp hàng cho khách. Chúng tôi muốn giới thiệu những món dân dã bảo đảm ngon, sạch, an toàn cho sức khoẻ mọi người”. Đến nay, trang mạng của chị Lan đã có một số khách hàng quen, chị cũng đã có khách hàng ngoài tỉnh.

NGÔ TUYẾT - THẾ ANH

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục