BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vệ sinh an toàn thực phẩm: Nói mãi vẫn còn chuyện

Cập nhật ngày: 12/03/2009 - 08:07

ThẤY là... sỢ

Chao thành phẩm tại cơ sở Hiệp Lợi (Gò Dầu)

Có mặt tại cơ sở sản xuất chao Hiệp Lợi (ấp Suối Cao B, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu), chúng tôi đã phải rùng mình trước “công nghệ” làm chao của cơ sở này. Hầu hết những vỏ chai dùng để đựng chao thành phẩm đều chỉ được rửa qua nước và phơi khô. Nền nhà nhớp nhúa, đầy nước bẩn tồn đọng. Các ngăn đựng tàu hủ lên men không che đậy, được để thẳng dưới nền gạch dơ bẩn, đáy ngăn không được đóng kín. Bên cạnh đó, các thau mủ chứa tàu hủ lên men đã qua sơ chế được phủ bằng tấm nhựa cáu bẩn. Nước thải cứ thế mà cho ra ngoài đồng trống ngấm tự nhiên vào lòng đất. Toàn khung cảnh sản xuất toát lên vẻ mất vệ sinh kinh khủng. Một cán bộ y tế cho biết, trước Tết Nguyên đán, cơ sở Hiệp Lợi đã bị phạt do sản xuất mất vệ sinh, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, đến nay cơ sở này vẫn chưa khắc phục tình trạng này.

Đến một cơ sở sản xuất tàu hủ ky ở Hoà Thành mới thấy chuyện ở cơ sở sản xuất chao nói trên chỉ là “chuyện nhỏ”. Ở cơ sở làm tàu hủ ky này người ta phơi thành phẩm trên các cây sào, như phơi quần áo vậy. Tất tần tật mọi thứ tại đây đều không đảm bảo vệ sinh. Cối xay bột để trên nền đất đầy rác thải, bên cạnh là đường mương thoát nước với vô số ruồi nhặng, kề bên đường mương nước là một dãy sào phơi lá tàu hủ ky. Các cây sào làm bằng tre, đã lâu ngày, khắp thân cây dính đầy bột, nhiều cây bị mốc meo. Người tham gia sản xuất tại đây đa phần là thanh niên, họ “vô tư” để mình trần trùng trục trong khi làm việc.

Quan sát quy trình rửa chai tại cơ sở sản xuất nước tương Đông Cô (Hoà Thành), chúng tôi cũng vô cùng e ngại. Hầu hết các vỏ chai đựng nước tương tại đây được thu gom từ vỏ chai bia, vỏ chai nước tương cũ. Tất cả các chai bẩn gom về được ngâm trong những bồn nước, sục rửa bằng tay, sau đó cho nước tương vào, dán nhãn mác và đưa ra thị trường tiêu thụ.

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm từ các dịch vụ thức ăn đường phố cũng đã được báo chí đề cập khá nhiều. Tuy nhiên, cho đến nay tình hình vệ sinh vẫn không hề thay đổi.

Các bếp ăn tập thể phục vụ cho các khu công nghiệp cũng tương tự. Điển hình là tại KCN Trảng Bàng, qua kết quả kiểm tra VSATTP năm 2008 cho thấy, chỉ có 3/13 bếp ăn thực hiện đúng quy định xây dựng bếp ăn theo quy tắc một chiều, 5/13 bếp có lưu mẫu thức ăn đúng quy định. Năm 2008, KCN Trảng Bàng từng xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, tuy không nguy hiểm đến tính mạng công nhân nhưng cũng gây tâm lý hoang mang cho nhiều người. Hầu hết các vụ ngộ độc xảy ra là do thức ăn của các cơ sở nấu ăn bên ngoài đưa vào công ty theo hợp đồng. Điển hình như cơ sở nấu ăn Ngọc Sang (An Bình-Trảng Bàng), năm 2008 gây ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm với 16 người mắc. Sau khi đoàn thanh kiểm tra liên ngành của tỉnh có mặt lập biên bản, chủ cơ sở cam kết sẽ tổ chức lại các khâu nấu ăn cho hợp vệ sinh, đúng tiêu chuẩn. Tuy nhiên, đến đầu tháng 3, tại cơ sở này vẫn còn tồn tại nhiều điều đáng ngại.

Không kiỂM soát nỔi?

Tại cuộc họp giám sát tình hình thực hiện chính sách quản lý về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm do đoàn đại biểu Quốc hội Tây Ninh chủ trì, báo cáo của ngành chức năng cho thấy, thực phẩm ô nhiễm do dụng cụ chế biến, bao gói thực phẩm, ô nhiễm do hoá chất bảo quản thực phẩm chiếm tỷ lệ cao và có nguy cơ ngày càng tăng. Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật, thực phẩm bị biến chất là chủ yếu.

“Công nghệ” súc rửa vỏ chai ở cơ sở sản xuất nước tương Đông Cô (Hoà Thành)

Tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm tại các hàng rong, quán cóc, thức ăn đường phố và cả quán nhậu đặc sản cũng diễn ra phổ biến và tiềm ẩn nguy cơ cao về ngộ độc thực phẩm. Nguy hiểm hơn khi nó còn có khả năng làm lây lan và bùng phát các dịch bệnh như tiêu chảy, dịch tả cấp… Bác sĩ Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, mặc dù công tác tuyên truyền được thực hiện rất tích cực nhưng vẫn chưa làm thay đổi được nhiều thói quen xấu vốn có từ lâu trong nhân dân. Tình trạng ăn uống mất vệ sinh, sử dụng các hoá chất độc hại trong chế biến thực phẩm nhằm kiếm lợi vẫn còn phổ biến. Người dân vẫn chưa có thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân khi ăn uống. Một thói quen hết sức đơn giản như chỉ cần rửa sạch tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh cũng không được nhiều người thực hiện.

Xem ra, để làm một người “tiêu dùng thông thái”, đối với nhiều người thật không dễ chút nào.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Cường, vấn đề khó khắc phục nhất hiện nay trong công tác vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn là nhân sự. Công tác vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay vẫn mang tính… nghiệp dư. Đội ngũ thanh tra chuyên ngành hiện vẫn chưa có. Trong khi đó, vệ sinh an toàn thực phẩm là lĩnh vực rộng lớn, liên quan đến nhiều cơ quan chức năng chứ không riêng gì ngành Y tế. Báo cáo của Sở Y tế cũng cho thấy, hiện có trên 60% xã, phường, thị trấn không có kế hoạch hoạt động vệ sinh an toàn thực phẩm của địa phương, trên 50% xã, phường không ban hành các quyết định, chỉ thị, văn bản chỉ đạo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.

Yên Khuê


 
Liên kết hữu ích