Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Công đoạn nấu bánh cũng rất kỳ công, bánh trước khi cho vô nồi, nước phải thật sôi, người nấu phải canh lửa, chụm củi, châm nước liên tục, không để cho nồi bánh bị cạn nước. Có như vậy, bánh ú mới giữ được vị ngọt thanh của đường, dẻo của nếp và mùi thơm của lá tre, giữ được 5-7 ngày mà không sợ ôi, thiu.
Bánh ú lá tre sau khi được vớt ra. Ảnh: Tâm Giang
Bánh ú lá tre là loại bánh không thể thiếu trong ngày Tết Ðoan Ngọ (mùng 5.5 âm lịch) của người dân Nam bộ. Bà Ma Thị Ðê (77 tuổi, khu phố Gia Huỳnh, phường Trảng Bàng, thị xã Trảng Bàng), có hơn 60 năm với nghề làm bánh truyền thống.
Mỗi năm, vào dịp Tết Ðoan Ngọ, gia đình bà chuẩn bị một lượng lớn nếp, đậu xanh, đường cát, lá tre... huy động hầu hết thành viên trong gia đình, hàng xóm để thực hiện các công đoạn làm bánh.
Ðể có lượng dây chuối để cột bánh, gia đình bà Ðê phải chuẩn bị từ tháng 2 âm lịch.
Theo bà Ðê, để làm ra những chiếc bánh ú truyền thống, nếp phải được ngâm 24 giờ với nước tro gòn lắng vôi, xả sạch nhiều lần với nước. Như vậy, nếp sau khi nấu chín sẽ trong, kết dính và bóng bẩy.
Nhân bánh gồm đậu xanh, mứt bí xào sao cho vừa dẻo, không được nhão mà cũng không được khô, muốn vị nhân đặc biệt hơn thì trộn thêm chút sầu riêng. Sau đó gói lại với lá tre (loại lá to bản, mỏng, xanh được trồng ở Tây Ninh), cột bằng dây chuối phơi khô (hoặc dây ni-lông) rồi cho vào trã nấu 2 đến 3 giờ thì chín.
Công đoạn nấu bánh cũng rất kỳ công, bánh trước khi cho vô nồi, nước phải thật sôi, người nấu phải canh lửa, chụm củi, châm nước liên tục, không để cho nồi bánh bị cạn nước. Có như vậy, bánh ú mới giữ được vị ngọt thanh của đường, dẻo của nếp và mùi thơm của lá tre, giữ được 5-7 ngày mà không sợ ôi, thiu.
Ở tuổi “thất thập cổ lai hi”, bà Ðê vẫn yêu nghề và mong được truyền lại cho các thế hệ sau.
Bà Ðê theo nghề hồi 9 tuổi, nghề do ông bà truyền lại và cũng không biết cái nghề có từ khi nào, chỉ biết rằng món bánh ú lá tre xuất xứ ở miền Nam, bởi những người xưa đi “khai hoang mở cõi”. “Ở khu Gia Huỳnh này, nhà nhà truyền nhau nghề làm bánh, từ già đến trẻ, trai gái đều thuần thục với công việc làm bánh ú lá tre”- bà Ðê cho biết.
Ðối với bà, ở tuổi “thất thập cổ lai hi”, bà chỉ mong nghề làm bánh mãi tiếp truyền cho con cháu đời sau. Bà bày tỏ: “Biết là nghề gia truyền, nhưng tôi chỉ mong mình có cơ hội được “làm bánh ú lá tre” ở các lễ hội truyền thống, vừa thử sức của mình, vừa để cho mọi người cùng trải nghiệm và biết tới món đặc sản trên quê hương Tây Ninh”.
Nếp được ngâm trong nước tro gòn đã lắng vôi.
Nhân được làm từ đậu xanh, mứt bí, đường cát.
Ðể làm bánh ú, lá tre gói phải là lá có bản to, xanh và thường được trồng ở Tây Ninh.
Bánh ú sau khi nấu chín được vớt ra, ngâm với nước lạnh.
Tâm Giang