Văn hóa - Giải trí   Đất nước mến yêu

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Về thăm miền đất cổ Xín Mần - Hà Giang

Cập nhật ngày: 15/09/2011 - 12:25

Dừng chân ở đỉnh Đèo Gió trong đại ngàn rừng nguyên sinh ngàn năm tuổi rồi thả hồn mơ màng bỗng chốc đưa ta về quá khứ hình thành trái đất. Những cây sến ngàn năm tuổi cao vút tầm ngắm, treo lơ lửng trên cành những giò lan đa sắc màu.

Tiếng nước đổ ầm ào ở thác Tiên, di sản nướng, nấu, ăn lẩu, ăn tái, uống chút rượu Làng Táo có gốc gác từ Bản Ngò, ngân nga vài câu ca dao lãng đãng làm cho mùa xuân nơi rừng thẳm thêm xuân càng trở nên sâu thẳm. Danh thắng Quốc gia nườm nượp khách. Hết ngắm rồi lại thưởng thức chút thịt cá Tầm, Hồi Vân.

Rừng già Đèo Gió có diện tích trên 18 ngàn ha, bao gồm cả vùng đệm. Thực vật rừng rất đa dạng sinh học được bảo tồn. Ngay trên Thác Tiên chảy trong rừng già xuống, du khách tha hồ dạo chơi, ngắm thiên nhiên núi rừng và thả hồn vào cõi bồng lai. Ngôi nhà sàn mang đậm bản sắc nằm giữa đỉnh đèo, cạnh chiếc bốt được thực dân phong kiến xây dựng khi xưa để lại đang trầm mặc với thời gian. Mùa xuân vui chơi ở nơi rừng già cổ xưa, thưởng thức đôi chút đặc sản vùng miền để cho lòng nhẹ đi sau những tháng ngày vất vả. Xuôi về xã Nấm Dẩn ẩn ngay sát chân Đèo Gió. Nơi đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ngay trên thôn Nấm Chanh, Nấm Chiến có dấu hiệu sinh sống của người Việt cổ thời tiền sử. Trong 7 vùng đá phát hiện trên 84 ký tự mang biểu tượng phồn thực có tuổi trên 2.000 năm. Nơi phiến đá to nhất được gắn biển Di tích Quốc gia cần được bảo tồn, nghiên cứu phục vụ khoa học. Lạ thật, ngay dưới chân dãy núi đá trắng dựng đứng, người Việt cổ xưa đã chọn nơi này làm nơi sinh sống, trú ngụ, để rồi hơn 2.000 năm sau các ký tự để lại trên các phiến đá “níu” chân các nhà khoa học. Khi di tích được xếp hạng Quốc gia càng làm cho Đảng bộ, nhân dân Nấm Dẩn tự hào, tự hào để phấn đấu, để đi lên cho xứng tầm di khảo của tổ tiên để lại.

Du xuân lên biên ải qua cửa khẩu Mốc 5 để được thấy biên giới mênh mang, bờ cõi của Tổ quốc thiêng liêng trong tiếng gọi lên đường bảo vệ Tổ quốc. Điệu xòe của cô thôn nữ Mông uyển chuyển theo tiếng khèn môi nồng ấm. Xín Mần có 4 xã biên giới với chiều dài trên 32,5 km đi qua 36 thôn bản. Đồng bào vùng biên ngày đêm bám đất, bám làng, xây dựng đời sống mới. Không biết bao nhiêu mối tình sâu nặng của đồng bào với những chiến sĩ biên phòng gắn bản đã “bén rễ, xanh cây”. Chợ Mốc 5 ngày xuân tấp nập người mua, kẻ bán. Chọn cho mình chút quà kỷ niệm trở về xã Xín Mần, xuống Thèn Phàng, Bản Díu khám phá đỉnh Gia Long cao 2.000m huyền thoại. Nơi này có số đông là người La Chí, Nùng, Mông, Pu Péo sống quây quần. Món ăn ngày xuân là thịt ngựa làm thắng cố của người La Chí, mèn mén xôi chan canh cải nấu gừng của người Mông, thịt lợn treo hun khói của người Nùng xào với lá tỏi tươi, uống rượu men lá rừng v.v... hẳn ai đến mà không say. Say trong cái tình, cái nghĩa của đồng bào ai mà không muốn say? Và kia, dòng sông Chảy nơi đầu nguồn con nước đổ về đất Việt nghe tiếng nước reo vui chảy vào trong tuốc bin thủy điện sông Chảy 5 ở Thèn Phàng mà cứ ngỡ trong chiêm bao. Xín Mần là huyện độc đáo của Hà Giang có 2 di tích được xếp hạng Quốc gia. Nơi có đậm bản sắc văn hóa vùng miền tây tỉnh Hà Giang. Và là nơi có “tấm lòng” hồn hậu đón khách.

K.D (st)