BAOTAYNINH.VN trên Google News

Về thăm Thành cổ Quảng Trị

Cập nhật ngày: 27/07/2014 - 08:40

Trong chuyến về nguồn lần này, đoàn đã dừng chân tại tỉnh Quảng Trị để dâng hoa, thắp hương tưởng niệm các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh tại Thành cổ Quảng Trị và Nghĩa trang Trường Sơn.

Thành Cổ trong cuộc tấn công chiến lược 1972 và trận chiến 81 ngày đêm lịch sử

Thành cổ Quảng Trị được biết đến sâu sắc nhất qua cuộc tấn công chiến lược năm 1972 và cuộc chiến 81 ngày đêm giữ thành đầy khốc liệt trong lịch sử chống Mỹ, kéo dài từ ngày 28.6 đến 16.9.1972.

Trong lịch sử chiến tranh, chưa có một cuộc hành quân nào mà mục tiêu chủ yếu là đánh chiếm một toà thành có chu vi chưa đầy 2.000m nhưng đối phương huy động một lực lượng hùng hậu: với sự hỗ trợ của hạm đội tên lửa Mỹ, hàng loạt máy bay ném bom B52, một khối lượng bom đạn khổng lồ như ở chiến dịch tái chiếm Thành Quảng Trị.

Đoàn công tác chụp hình lưu niệm tại Thành cổ Quảng Trị.

Thị xã Quảng Trị trong 81 ngày đêm từ 28.6 đến 16.9 được ví như một túi bom. Trung bình mỗi ngày địch huy động 150-170 lần máy bay phản lực, 70 – 90 lần B52 để ném bom huỷ diệt thị xã và Thành Cổ Quảng Trị. Với diện tích chưa đầy 3 cây số vuông, trong 81 ngày đêm, thị xã và Thành Cổ Quảng Trị phải gánh chịu 328.000 tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sĩ của ta phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo.

Thực hiện lời kêu gọi của Quân uỷ Trung ương gửi toàn thể cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch 1972: “…Ra trận lần này… các lực lượng vũ trang nhân dân ta có trách nhiệm nặng nề và vẻ vang là: Kiên quyết giành cho kỳ được được thắng lợi lớn nhất trong chiến dịch quan trọng này. Kiên quyết tiêu diệt thật nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, nhất là chủ lực của chúng, làm thay đổi so sánh lực lượng có lợi cho ta…Trận chiến đấu lịch sử 1972 bắt đầu! Tất cả hãy anh dũng tiến lên!”.

Và dù trên mình mang đầy thương tích, nhưng các anh vẫn chiến đấu ngoan cường, quyết không rời trận địa, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, cứ người này ngã xuống người khác lại đến thay. Trong đó, có chiến sĩ còn rất trẻ như chiến sĩ Nguyễn Xuất Hiện, lúc đó mới 14 tuổi đã chiến đấu và phục vụ chiến đấu 3 tháng liên tục tại Thành Cổ Quảng Trị.

Trong 81 ngày đêm bám trụ đánh trả cuộc hành quân phản kích tái chiếm Quảng Trị, quân và dân ta không chỉ đánh thắng kẻ thù bằng ý chí, tinh thần gang thép, mà còn tỏ rõ tài nghệ tổ chức chỉ huy chiến đấu, tính quyết đoán sáng tạo. Cuộc chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam như những trang sử hào hùng đầy máu và lửa.

Nhưng tốn thất để lại cũng hết sức nặng nề, 81 ngày đêm ấy, toàn bộ thị xã và tòa Thành cổ đã bị san bằng. Thành cổ chỉ còn dấu vết của một số đoạn thành, lao xá, cổng tiền, hậu... Cũng trong 81 ngày đêm đó, hàng ngàn chiến sĩ đã hy sinh tại đây chưa lấy được hài cốt, xương máu các anh đã hòa quyện vào gạch đá đổ nát. Chính vì vậy mà ngày nay tại trung tâm di tích, một đài tưởng niệm được xây dựng với mô hình hoá thành ngôi mộ chung cho hàng ngàn chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống nơi đây.

Nghĩa trang của những chiến sĩ Trường Sơn

Chia tay Thành cổ Quảng Trị, đoàn đã đến đặt vòng hoa, kính cẩn dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, toạ lạc trên khu đồi Bến Tắt, thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh.

Đồng chí Lê Minh Trọng thắp hương tại ngôi mộ của liệt sĩ Nguyễn Thị Linh, một người con quê ở Tây Ninh, ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.

Nghĩa trang Trường Sơn được Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng phê chuẩn xây dựng làm nơi tưởng niệm, tôn vinh những người con thân yêu của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh xương máu của mình trên các nẻo đường Trường Sơn vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nghĩa trang được khởi công xây dựng vào ngày 24.10.1975 và hoàn thành vào ngày 10.4.1977. Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn là nơi quy tụ 10.333 phần mộ của các liệt sĩ, có tổng diện tích 140.000 m2.

Sau khi dâng hương tại đài tưởng niệm, các thành viên trong đoàn đã đến thắp hương trên các phần mộ, trong đó có phần mộ liệt sĩ Nguyễn Thị Linh, quê quán xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, hy sinh vào năm 1971.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Lê Minh Trọng cho biết, chuyến về nguồn lần này là dịp để các thành viên trong đoàn, nhất là cán bộ trẻ hiểu rõ về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc và những mất mát hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước, để từ đó nổ lực nhiều hơn trong học tập cũng như trong công tác phục vụ nhân dân.

Chia tay Quảng Trị, chia tay khúc ruột miền Trung thân yêu chịu nhiều đau thương và mất mát trong chiến tranh, lòng chúng tôi bồi hồi xúc động không nguôi. Bất giác, không hẹn mà gặp, nhiều người trong đoàn đưa tay lau vội những giọt nước mắt…

Tố Tuấn