Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ví dầu… tình bậu muốn thôi
Thứ bảy: 14:33 ngày 19/11/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Câu hát ru vô tình mà sao hợp cảnh. Mà… bậu trong câu hát ru ám chỉ người phụ nữ phụ bạc, còn bậu ở trong nhà chị lại là anh. “bậu ơi, sao anh nỡ!”.

Gần quá trưa, đồ hàng bông trên kệ xụi lơ vì mất nước. Bó rau muống ỉu xìu, mớ rau dền co lại, héo úa, mà chị Út cứ ngồi đó, mắt dõi xa xăm, chẳng định hướng. Cái quán nhỏ này, chị cất ven đường để bán mớ rau, ít mắm muối, tương cà cho bà con lối xóm để có đồng ra đồng vô nuôi hai đứa nhỏ.

Quê ở xa, từ ngày theo chồng về đây, chị cũng không có việc gì làm gọi là ổn định, ai kêu gì làm nấy, chủ yếu làm thuê công nhật để đắp đổi qua ngày. Chị ít học nhưng thật thà, chịu khó nên từ ngày chị mở cái quán này cũng có khách lai rai, hầu hết là người trong xóm đến mua ủng hộ chị.

Anh Út ở gần nhà tôi, cách chừng năm, bảy căn. Lúc nào theo ba xuống thăm ruộng, ba và tôi cũng đi ngang nhà ảnh. Anh Út ở cùng mẹ, các anh em có gia đình riêng cất nhà ở gần sát bên. Anh Út có mái tóc lãng tử, lại có tài đánh trống, chơi đờn, hát hay nên nhiều cô theo. Hôm đi ruộng về ngang nhà, thấy anh chơi trống bằng dụng cụ làm từ cái can xăng bằng sắt từ đời nào, anh chế lại thành bộ trống, cứ chiều chiều mang ra hông nhà vừa chơi vừa hát.

Hôm nào nhàn chuyện ruộng đồng, ba tôi với các anh của anh Út hợp lại chơi văn nghệ. Lúc đó còn nhỏ quá, tôi không biết thế nào là hay, nhưng biết là hay vì các cô chú trong xóm tụ lại nghe hát rồi khen đáo để.

Bộ sậu hát hò này trở nên nổi tiếng nhứt xóm trong, xóm ngoài. Hồi đó, hễ nhà nào có đám cưới là nhất định phải có hát nhạc karaoke, thời còn bấm từng cái số, bài nhạc thay đổi chứ cảnh minh hoạ thì chỉ có vậy. Anh Út mê hát đến độ đám nào cũng nghe giọng anh, mà hát hay nên hát nhiều, giúp vui, chủ nhà còn khoái nữa.

Sau một thời gian, anh không làm ruộng nữa, chuyển sang làm thợ xây. Cũng nhờ đi xây mà anh gặp chị Út. Ở với nhau hơn mười năm, chưa có của dư của để nhưng vợ chồng con cái cũng hoà thuận, yên ổn.

Đùng một cái, cả xóm sôi sục với tin “anh Út có bồ”.

Mà đã vậy thôi đâu, anh còn về đòi ly dị, chia tài sản để đến với “tiểu tam” kia. Giờ thì không chỉ người trong nhà mà cả xóm về phe chị Út, cho rằng anh Út bị “bùa mê thuốc lú gì rồi, tự dưng lại trở chứng ngang hông”.

Thoả thuận không thành, không những đưa nhau ra toà để ly dị, anh Út còn nhất quyết phải chia tài sản giá trị duy nhất là miếng đất và căn nhà cả gia đình đang ở. Biết không thể níu kéo, chị Út chấp nhận ly hôn nhưng thoả thuận chia tài sản không thành vì anh Út luôn muốn phần nhiều về mình.

Kể từ ngày có tin sét đánh đó, anh Út càng công khai qua lại với người tình, chẳng màng chuyện gia đình, con cái. Chị Út cũng gần như ở hẳn tại quán, trong đầu trăm mối tơ vò chuyện ăn ở của ba mẹ con sau này. Chị muốn xin lại vài mét đất để chắp nối với đất giáp ranh mượn của người ta cất căn nhà nhỏ che mưa che nắng cho mấy mẹ con, mà anh Út cũng chưa chịu gật đầu.

Đứa con gái lớn hiểu chuyện, bênh mẹ ra mặt, làm căng với ba, vì nó chưa thể nào quen được cảnh, ba nó sẽ là chồng của người khác, không phải là của mẹ nó nữa. Hết giờ học, nó phụ chị trông quán. Người đến mua hàng cũng nhiều hơn nhưng nó thật sự không thể nào vui được. Cú sốc đầu đời quá lớn, không biết phải mất bao lâu nó mới có thể nguôi ngoai.

Tưới lại đám rau, chị Út ngả lưng trên chiếc võng giăng tạm ngang quán. Gió lùa theo mấy hàng tràm mà chị vẫn cảm thấy nóng, khẽ chân, chị đẩy chiếc võng đung đưa, đôi mi dài cong vút khép lại, mỏi mệt. Khuôn mặt thanh tú giờ đã có vài nếp nhăn, áo quần cũ kỹ, chân tay nứt nẻ. Người ta hay nói, vợ chồng có hết tình cũng còn nghĩa, chị tự nhủ, chắc chị lâm vào trường hợp đặc biệt, hết tình mà nghĩa cũng chẳng còn.

Đang rầu thúi ruột, tự dưng nhà đối diện có tiếng ru con văng vẳng: “Ầu ơ… Ví dầu tình bậu muốn thôi. Bậu gieo tiếng dữ cho rời bậu ra!”.

Câu hát ru vô tình mà sao hợp cảnh. Mà… bậu trong câu hát ru ám chỉ người phụ nữ phụ bạc, còn bậu ở trong nhà chị lại là anh. “bậu ơi, sao anh nỡ!”.

Hồng Thu

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục