Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Vì một xã hội không có rào cản cho người khuyết tật
Thứ sáu: 00:17 ngày 16/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Vừa qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực người khuyết tật (DRD) tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến về cơ chế giám sát có sự tham gia của người khuyết tật (NKT).

Đại biểu nêu ý kiến về khó khăn của NKT tại các địa phương do không có công trình hỗ trợ .

Dự hội nghị có bà Trần Thị Lan- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, đại diện các Sở Xây dựng, Giao thông Vận tải, Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh; đại diện Phòng LĐ-TB&XH các huyện Tân Biên, Dương Minh Châu, Châu Thành và thị xã Hoà Thành.

Tại hội thảo, các đại biểu tham gia thảo luận, chia sẻ về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ NKT theo Luật NKT và theo Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh; tầm quan trọng của tiếp cận các công trình xây dựng, giao thông đối với NKT. Đại diện Sở Xây dựng trình bày quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 10:2014/BXD về xây dựng công trình bảo đảm NKT tiếp cận sử dụng và cơ chế theo dõi giám sát tiếp cận hiện tại.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Quý (thành viên CLB NKT tại xã Mỏ Công, huyện Tân Biên) cho biết, hiện nay, tại các trụ sở UBND cấp huyện, cấp xã, hầu hết chưa có nhà vệ sinh và đường đi riêng cho NKT. Mong là trong thời gian gần nhất, tỉnh sẽ có những quan tâm tạo điều kiện để việc đi lại, sinh hoạt tại nơi công cộng của NKT được thuận lợi.

Về ý kiến cho rằng xây dựng các công trình đáp ứng nhu cầu của NKT nơi công cộng thật sự không cần thiết, bởi NKT không đến hoặc rất ít người đến các nơi này, ông Phạm Công Phong- Phó trưởng Phòng phụ trách Phòng Bảo trợ xã hội và trẻ em (Sở LĐ-TB&XH), trưởng nhóm giám sát tiếp cận khẳng định, đây là quyền của NKT. “Chúng ta phải đặt quyền của NKT lên trên hết chứ không được nghĩ rằng, NKT không đến, ít đến nên không xây dựng. Chúng ta phải xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu của NKT, tạo điều kiện để họ hoà nhập cuộc sống, đó là quyền mà NKT được hưởng”- ông Phong nhấn mạnh.

Liên quan đến việc tạo điều kiện cho NKT, bà Trần Thị Lan- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH chia sẻ: Khi chưa có các phương tiện hỗ trợ, cụ thể là xe máy cho NKT, họ bị hạn chế việc đi lại, hầu như phụ thuộc vào người thân. Từ khi có được chiếc xe đi lại, NKT vừa chủ động trong công việc, vừa có thể giúp đỡ người nhà trong việc đưa rước con cháu đi học, hoặc đi chợ… “Điều đó cho thấy, tạo điều kiện cho NKT không chỉ giúp họ hoà nhập cuộc sống mà còn nâng cao chất lượng sống của người thân, gia đình NKT”- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nói.

Qua các ý kiến thảo luận, bà Trần Thị Lan đề nghị nhóm giám sát tiếp cận tiếp thu các ý kiến để tham mưu thực hiện trong thời gian tới, tạo điều kiện cho NKT được tiếp cận các công trình công cộng an toàn, có cơ hội học tập, làm việc trong một xã hội không có rào cản.

Được biết, ngày 7.7.2022, Sở LĐ-TB&XH ban hành quyết định thành lập nhóm giám sát tiếp cận gồm 22 thành viên để tham mưu, theo dõi, lập kế hoạch và đánh giá tình trạng tiếp cận các công trình công cộng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình, bảo đảm NKT tiếp cận sử dụng trong khuôn khổ dự án “Một thế giới cho tất cả” do DRD triển khai thực hiện.

Hằng năm, dựa trên kế hoạch xây dựng công trình công cộng mới của Sở Xây dựng, nhóm giám sát tiếp cận sẽ tiến hành 4 chuyến giám sát định kỳ, mỗi chuyến tối thiểu 10 công trình công cộng. Nhóm giám sát sẽ kiểm tra thực tế các thông số chuẩn của QCVN10:2014/BXD so với thực tế xây dựng các công trình và báo cáo, gửi kiến nghị kịp thời đến Sở Xây dựng, Sở LĐ-TB&XH nhằm có biện pháp can thiệp kịp thời nếu như công trình không đáp ứng được quy chuẩn.

Đối với các công trình chưa có kế hoạch tu sửa và xây mới, nhóm giám sát tiếp cận tham mưu, kiến nghị các giải pháp hỗ trợ NKT sử dụng công trình thuận tiện hơn mà không làm thay đổi kết cấu công trình, bảo đảm các quy định của pháp luật.

Ngọc Diêu

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục