Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Viết ngắn
Vị ngọt cà na
Thứ hai: 08:59 ngày 06/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ðúng là cà na chua hay cà na đắng gì giá bán cũng... ngọt thiệt! Giá như xưa kia, một ký cà na chỉ cần đổi được nửa ký gạo thì người dân nghèo quê tôi đỡ khổ biết mấy.

“Anh Tư ăn cà na nè! Cà na chua đó, may mắn là còn sót lại một mớ, tui mới hái đem về đó!”- vừa nói, đứa em họ tôi vừa chìa chiếc rổ nhỏ đựng trái cà na xanh mướt và chén muối ớt đỏ au về phía tôi.

Rồi cậu ta nói thêm: “Cà na ngày nay là đặc sản quê mình đó. Cà na chua hiện có giá bảy chục ngàn đồng một ký; cà na đắng rẻ hơn, chừng năm chục ngàn thôi. Bây giờ, nhà nào trồng vài cây cà na cho trái nhiều là đỡ khổ lắm!”.

 

Nghe cậu em nói giá cà na mà tôi bất ngờ. Cà na chua bảy chục ngàn đồng một ký. Một ký cà na tương đương với bảy ký gạo loại thường. Còn một ký cà na đắng thì bằng năm ký gạo.

Ðúng là cà na chua hay cà na đắng gì giá bán cũng... ngọt thiệt! Giá như xưa kia, một ký cà na chỉ cần đổi được nửa ký gạo thì người dân nghèo quê tôi đỡ khổ biết mấy.

Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo, bên bờ một nhánh sông Vàm Cỏ êm đềm xuôi chảy. Hồi ấy, trên bờ phụ lưu này mọc rất nhiều loại cây hoang dại, trong đó có cây cà na. Cà na có hai loại, một loại có vị chua và một loại có vị đắng.

Quen ăn, quen mặt, nhìn trái cà na trên cây, không cần cắn thử bọn trẻ chúng tôi ngày ấy cũng có thể đoán biết được loại nào chua, loại nào đắng. Thường thì trái cà na chua khi già có màu xanh đậm, thon dài, đuôi trái nhọn.

Còn trái cà na đắng thường “nù hơn” (lớn hơn cà na chua), màu xanh lợt hơn. Hồi ấy, cây cà na mọc tự nhiên, là “đồ chua, đồ đắng, đồ chát”, không ai thèm mua bán gì cả. Ai thích cứ hái ăn, muốn hái bao nhiêu cũng được.

Chủ ruộng, chủ đất có cây cà na mọc cũng chẳng ai để ý rầy la. Chỉ có người lớn thấy trẻ con bọn tôi leo trèo hái trái, thường hay nhắc nhở phải cẩn thận, kẻo tét cành, gãy nhánh, lộn cổ xuống rạch, xuống đất mà “báo cha hại mẹ”!

 Vào những buổi trưa giữa mùa hè, khi những trái cà na đã căng tròn, anh em tôi cùng bọn trẻ hàng xóm rủ nhau đâm chén muối ớt, rồi mình trần, chân đất, xếp hàng đi dọc theo bờ rạch tìm cây cà na chua có trái già mà hái.

Vài đứa leo lên cây, vài đứa đứng dưới chỉ trỏ những nhánh nào trái lớn, trái nhiều. Ðứa trên tét nhánh thảy xuống, đứa dưới gom nhánh lại rồi tìm đến một gốc cây có bóng mát rộng, không có kiến vàng, kiến hôi túm tụm ăn cà na chấm muối.

Cà na chua chua, chát chát, muối mặn và cay “xé họng”. Ðứa nào cũng vừa ăn vừa hít hà, vừa rơm rớm nước mắt. Ăn đã thèm, chúng tôi lại rủ nhau nhảy xuống rạch ngụp lặn trong dòng nước trong xanh, mát rượi.

Khi nào tắm đã, chúng tôi mới chịu lên bờ. Khi về, có đứa xách mấy nhánh cà na còn nhiều trái đem về cho người ở nhà. Có đứa không xách nguyên nhánh mà lặt ra từng trái, lộn lưng quần đùi xề xệ đem về.

Còn anh tôi dẫn tôi đi tìm một cây cà na đắng có trái to nhất. Anh cẩn thận trèo lên tét nhánh thả xuống, tôi ở dưới lặt từng trái cho vào bọc. Chị tôi chờ sẵn ở nhà. Chị đổ bọc cà na ra rổ đem rửa sạch, rồi tề đầu, cắt đuôi và khía dọc theo thân trái để ngâm muối.

Muối cà na vài ngày chị vớt ra phơi nắng, rồi rim đường cát vào. Cà na muối làm khá công phu nhưng ăn ngon hơn cà na sống nhiều. Thường người ta ăn cà na muối chấm muối ớt, nhưng anh em tôi lại khoái lăn nó vào chén đường cát. Tất nhiên cho vào đường, cà na đắng, mặn, chát, chua... gì cũng thành cà na ngọt- đúng theo nghĩa đen của nó.

Qua quá trình khai phá, bờ rạch quê tôi ngày nay trở nên khan hiếm cây cà na. Hễ cái gì hiếm là quý. Trái cà na chua chát, đắng mà hồi nhỏ bọn tôi tha hồ bẻ cành, tét nhánh, không những hái ăn mà còn lấy trái chọi nhau chơi, bây giờ thành “đặc sản” nhà quê.

Những năm gần đây, không chỉ giữ gìn mà có người còn bỏ công trồng cà na. Khi trái cà na trở thành đặc sản, có giá cao thì đắng hay chua gì cũng trở nên ngọt ngào với người trồng.

T.L

Tin cùng chuyên mục