Đọc báo in
Tải ứng dụng
Vì nhân dân quên mình
2014-07-26 06:43:00

(BTNO)- Chiến khu Dương Minh Châu gắn liền với 2 cuộc kháng chiến cứu nước. Trong chặng đường đấu tranh của Đảng bộ và quân dân Dương Minh Châu đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trong đó ghi nhận những chiến công hiển hách của cán bộ, chiến sĩ Đại đội 31 (C31), Ban chỉ huy Quân sự huyện Dương Minh Châu. Mới đây, C31 được Đảng bộ huyện Dương Minh Châu đề nghị Trung ương trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Liên tiếp lập chiến công         

Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo huyện uỷ Dương Minh Châu, từ năm 1951, tình hình chung có nhiều chuyển biến lớn, thực dân Pháp liên tiếp thất bại trên các chiến trường chính. Chúng đẩy mạnh việc áp dụng chính sách “dùng người Việt giết người Việt”, “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” và đánh phá ác liệt bằng quân sự vào căn cứ của ta, sử dụng giáo phái chống phá kháng chiến, đẩy mạnh việc áp dụng  chiến thuật giăng tháp canh De - la - tom đi đôi với các đội com - măng - đô (biệt kích) luồn sâu đánh lẻ gây rối, ngăn chặn chia cắt giao thông liên lạc, chia cắt từng chiến trường.

Để đối phó với âm mưu chia cắt, bao vây cô lập về kinh tế chiến trường Nam Bộ của thực dân Pháp: Tháng 3.1951, thực hiện chỉ đạo của Xử ủy Nam Bộ, Bộ chỉ huy Phân liên khu miền Đông quyết định sát nhập tỉnh Tây Ninh cùng 2 huyện Đức Hòa Thành và Trung Huyện của tỉnh Chợ Lớn cùng với 2 huyện Gò Vấp, Hóc Môn của tỉnh Gia Định thành lập tỉnh mới lấy tên là tỉnh Gia Định Ninh (gọi tắt là tỉnh Gia Ninh).

Trực thăng Mỹ đưa binh lính bị thương trong cuộc hành quân Attleboro tháng 11.1966 ở khu vực Suối Đá và Dầu Tiếng (Ảnh AP).

Tháng 4.1951, Xử ủy Nam Bộ, Uỷ ban kháng chiến hành chính Nam Bộ, Bộ Tư lệnh Nam Bộ quyết định di chuyển căn cứ từ Đồng Tháp Mười về tỉnh Gia Ninh và chọn vùng Tà Dơ - Đồng Rùm (vùng đất này thuộc huyện căn cứ Dương Minh Châu) làm an toàn khu. Cuối tháng 4.1951, Bộ Chỉ huy Phân liên khu miền Đông cũng chuyển về đứng chân tại vùng đất này.

Nhằm mở rộng quy mô căn cứ đủ sức đảm đương vai trò căn cứ địa phục vụ cơ quan lãnh đạo chỉ huy cuộc kháng chiến toàn Nam Bộ, tháng 5.1951, thực hiện chủ trương của Bộ chỉ huy Phân liên khu miền Đông, Tỉnh uỷ Gia Ninh quyết định thành lập huyện căn cứ mang tên huyện Dương Minh Châu.

Huyện Dương Minh Châu lúc mới thành lập có 5 xã: Ninh Thạnh, Thạnh Bình, Chơn Bà Đen, Phước Ninh và Định Thành. Tỉnh uỷ chỉ định Ban Thường vụ Huyện ủy gồm 11 đồng chí, bổ nhiệm đồng chí Huỳnh Văn Một - nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 311 Tây Ninh - nguyên Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh Tây Ninh (cũ) về làm Bí thư kiêm Chủ tịch huyện.

Cùng thời gian trên, Uỷ ban hành chính kháng chiến, Tỉnh đội quyết định bổ nhiệm đồng chí Huỳnh Văn Một phụ trách quân sự huyện Dương Minh Châu, đồng thời thành lập Đại đội vũ trang địa phương huyện Dương Minh Châu, lấy phiên hiệu Đại đội 31, do đồng chí Huỳnh Văn Một phụ trách, quân số lúc đầu khoảng 1 trung đội gồm 20 chiến sĩ nòng cốt, được rút ra từ Tiểu đoàn 306 bộ đội địa phương tỉnh Gia Ninh.

Tháng 11 năm 1952, nước lụt vừa rút, giặc Pháp lợi dụng trong lúc quân và dân huyện Dương Minh Châu đang chồng chất khó khăn, chúng mở cuộc càn lớn, huy động 20 tiểu đoàn bộ binh, có xe tăng, máy bay và pháo binh phối hợp. Quân Pháp chia làm nhiều mũi đánh vào căn cứ huyện Dương Minh Châu. Mục tiêu của chúng là vùng Tà Dơ - Đồng Rùm, hòng tiêu diệt cơ quan lãnh đạo Xứ ủy, Bộ Tư lệnh Nam Bộ và Bộ chỉ huy Phân liên khu miền Đông.

Quân Pháp tiến hành bao vây trong và ngoài căn cứ, lãnh đạo Xứ ủy, Bộ Tư lệnh Nam Bộ quyết định di dời từ căn cứ Tà Dơ - Đồng Rùm ra khỏi vòng vây của quân địch để bảo toàn lực lượng. Do thành thạo địa hình, biết rõ đường đi ngõ tắt, Đại đội 31 Dương Minh Châu được chọn làm nhiệm vụ đặc biệt là phối hợp với Đại đội 1 tiểu đoàn 302 chủ lực quân, tiên phong mở đường đưa đoàn cán bộ cấp trên vượt khỏi vòng vây của địch. Trong đoàn cán bộ có đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy và các đồng chí Nguyễn Đức Thuận, Phạm Hùng…

Ngày 19.11.1952, Đại đội 31 phục kích trên Tỉnh lộ 13 (đoạn Ngã ba Suối Đá) đánh cháy 5 xe GMC chở quân của địch, diệt toàn bộ số lính địch trên xe. Ngày 25.11.1952, một bộ phận cán bộ, chiến sĩ Đại đội 31 đi tải lương thực đã bắn rơi tại chỗ 1 máy bay L19 của giặc Pháp tại Trảng Đồng Sầm.

Ngày 1.12.1952, Đại đội 31 phối hợp chiến đấu và dẫn đường cho tiểu đoàn 306 của tỉnh Gia Ninh tập kích quân Pháp đang hành quân, chúng tạm dừng tại một khu vực cách căn cứ Đồng Rùm 500 mét, quân ta đánh thiệt hại nặng 2 đại đội địch, diệt gần 100 lính Pháp.

Đại đội 31 (thực tế chỉ có 20 cán bộ, chiến sĩ) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặc biệt khó khăn: bảo vệ tuyệt đối và đưa đoàn cán bộ lãnh đạo cấp trên vượt qua vòng vây quân địch đến nơi an toàn, cùng với lực lượng của tỉnh, du kích các xã đánh tan cuộc càn của 20 tiểu đoàn quân Pháp vào căn cứ Dương Minh Châu, bảo vệ vững chắc căn cứ địa cách mạng.

Từ năm 1953 đến tháng 5.1954, Đại đội 31 kiên cường bám trụ trên vùng đất quê hương, tiếp tục chiến đấu, đánh bại các cuộc hành quân càn quét vào chiến khu căn cứ địa, góp phần bảo vệ tuyệt đối an toàn cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến. Tháng 4.1953, C31 phục kích đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn quân Pháp tại xã Phan, loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục tên giặc. Tháng 11.1953, C31 tiến công san bằng đồn giặc Pháp tại Bàu Cóp, bắt sống 4 tù binh, diệt nhiều tên, thu hàng chục súng. Tháng 11.1954, C31 phục kích tại khu vực Cầu Nhỏ - Tỉnh lộ 26, đánh cháy 4 xe quân sự, thu nhiều đồ dùng quân sự…   

Vững vàng trong nguy khó

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp Định Geneve được ký kết. Theo chỉ đạo của Đảng, lực lượng Tây Ninh chuyển về Đồng Tháp Mười, vào khu tập kết tạm thời trong 200 ngày. Một bộ phận cán bộ, chiến sĩ Đại đội 31 được tổ chức phân công ở lại địa phương bằng nhiều cách khác nhau được nhân dân che chở, làm nòng cốt cho phong trào quần chúng đấu tranh chính trị, bảo vệ hoà bình.

Trong những năm 1955 - 1959, địch tiến hành cuộc chiến tranh đơn phương, tố cộng, diệt cộng, trấn áp người kháng chiến, dìm cách mạng trong bể máu. Một số cán bộ, chiến sĩ Đại đội 31 bị địch truy lùng, bị giết hại và bị bắt lưu đày trong các nhà tù đế quốc. Bộ phận còn lại tiếp tục bám dân, bám cơ sở làm nòng cốt cùng với nhân dân đấu tranh chính trị.

Cựu chiến binh C31 họp mặt truyền thống tại căn cứ rừng lịch sử DMC.

Tháng 5.1957, một bộ phận cán bộ, chiến sĩ Đại đội 31 Dương Minh Châu gồm 15 đồng chí tham gia lực lượng vũ trang tỉnh dưới danh nghĩa “Lực lượng Cao Đài ly khai” góp sức với C60 miền Đông tiến công tiêu diệt đồn Bến Củi thu nhiều vũ khí và chiến lợi phẩm. Cũng với 15 cán bộ, chiến sĩ nêu trên, Đại đội 31 Dương Minh Châu đã tham gia cùng với lực lượng miền Đông đánh chiếm quận lỵ Dầu Tiếng ngày 10.10.1958. Trận đánh này gây tiếng vang lớn, làm rúng động quân địch ở miền Đông, tác động trực tiếp đến sào huyệt Mỹ - Ngụy ở Sài Gòn.

Ngày 23.9.1959, Đại đội 31 cũng với danh nghĩa là lực lượng giáo phái Cao Đài trong 1 đêm đã trừng trị 6 tên ác ôn, có nhiều nợ máu với dân gồm tề xã, công an xã, mỗi tên đều có gắn bản án, kê rõ tội trạng ác ôn của chúng.

Trận đánh Tua Hai đã diễn ra vào đêm 25 rạng 26 tháng giêng năm 1960 và giành thắng lợi. Đặc biệt, Dương Minh Châu là huyện duy nhất của tỉnh Tây Ninh có lực lượng địa phương tham gia trực tiếp trận đánh Tua Hai (10 cán bộ, chiến sĩ), mở đầu cho phong trào đồng khởi vũ trang ở miền Đông Nam bộ. Sau Đồng khởi Tua Hai, ngày 15.2.1961 Đại đội vũ trang địa phương Dương Minh Châu được củng cố, vẫn mang phiên hiệu C31, gồm 20 cán bộ, chiến sĩ, vũ khí trang bị thô sơ nhưng nghĩa khí ngút trời với lòng yêu quê hương, đất nước, quyết tâm nối bước cha anh, lần thứ hai bước vào cuộc kháng chiến chống xâm lược Mỹ.

Phong trào Đồng khởi sau chiến thắng Tua Hai đã trở thành cao trào trong toàn tỉnh. Ngày 10.3.1960, Đại đội 31 phối hợp với lực lượng của trên và du kích Chà Là tấn công đồn Chà Là tiêu diệt 18 tên địch, bắt sống 15 tên, thu 20 súng, giải phóng xã Chà Là. Đại đội 31 cùng du kích xã đã giữ vững vùng giải phóng trong 2 năm 1960 - 1962.

Ngày 23.6.1961, C31 cùng du kích xã Phan, Suối Đá phục kích trên tỉnh lộ 13 (đoạn Bàu Năng - Phan) chặn đánh và tiêu diệt tên Quận trưởng khét tiếng ác ôn Võ Hiếu Lê, đồng thời làm bị thương 3 tên, thiêu hủy 1 xe Jeep, bắt sống tên Hồng ác ôn trợ tá đắc lực của tên Lê và 1 nữ thư ký. Ngày 16.12.1961, tại gò Ông Bảy Chơi (xã Chà Là), Đại đội 31 kết hợp với du kích xã Chà Là đã phục kích tiêu diệt một trung đội Bạch Hổ của địch, trong có tên trung úy và thu toàn bộ vũ khí.

Từ tháng 11 đến cuối năm 1962, Đại đội 31 cùng với cơ sở binh vận trong ứng ngoại hợp cùng du kích xã tập kích tiêu diệt đồn Phan, tiến công giải phóng đồn Cầu Khởi, tiêu diệt 1 trung đội Bảo An tại Làng 2 (xã Bến Củi), nơi mà địch vẫn huênh hoang tuyên bố là “bất khả xâm phạm”. Ngày 16.1.1963, Đại đội 31 cùng du kích các xã và Đội biệt động huyện phối hợp tấn công loại khỏi vòng chiến đấu đại đội bảo an tại đồn Năm Ngọn, giải phóng ấp chiến lược Năm Ngọn.

Ngày 24.2.1963, trên tỉnh lộ 26, Đại đội 31 tổ chức đánh địch giữa ban ngày, làm thiệt hại nặng 1 đại đội Biệt kích tiên chính tại Bình Linh, bắn bị thương tên Cây, đại đội trưởng khét tiếng ác ôn. Ngày 29.5.1963, cũng trên tỉnh lộ 26, Đại đội 31 phối hợp với du kích xã tấn công tiêu diệt 1 đại đội biệt kích, bắt sống 8 tên, trong đó có 1 tên cố vấn Mỹ, thu nhiều vũ khí.

Trong thời gian từ 1960 - 1965, Đại đội 31 chỉ với 30 tay súng đã xuất sắc tạo ra những trận đánh bất ngờ trên một địa bàn rộng lớn từ Suối Đá đến Bến Củi, tổ chức cải trang lính biệt kích dù luồn sâu vào lòng địch, như trận đánh Cửa số 2 (Tòa thánh Tây Ninh), Nhà đèn Thị xã, Bến Kéo, Qui Thiện… tổ chức tấn công cả ngày lẫn đêm, tiêu diệt hàng chục tên sĩ quan Mỹ, ngụy, lính Bình Định, lính dù, biệt kích, bảo an và những tên ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân như tên Son (xã Phan), tên Đít (Trưởng Cuộc cảnh sát Bến Củi), tên Ri (Biệt kích Mỹ), tên Cây (Đại đội trưởng biệt kích tiên chính Tây Ninh)…

Những trận đánh trên đã góp phần đập tan “quốc sách” gom dân lập ấp chiến lược, góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy. Căn cứ Dương Minh Châu được nối liền đến nam Gò Dầu và Bời Lời, Trảng Bàng thành một hành lang vững chắc cho tỉnh Tây Ninh và cả miền Đông Nam Bộ bước vào thời kỳ đương đầu trực tiếp với quân viễn chinh Mỹ.

HOÀNG THI

(Lược trích từ tài liệu của Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Dương Minh Châu)

Từ khóa:
Tin liên quan