Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Cơ quan chức năng đã và đang tiến hành làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật, tuy nhiên, vấn đề dư luận đang đặt dấu hỏi là: vì sao việc khai thác cát trên có thể “qua mặt” được chính quyền và cơ quan chức năng?
Một trong hai tàu hút cát bị cơ quan chức năng bắt quả tang tại hiện trường vào ngày 16.12.2017.
Báo Tây Ninh số ra ngày 8.12 và 23.12.2017 phản ánh tình trạng nhiều ghe tàu khai thác cát trên sông Sài Gòn, khu vực đầu nguồn hồ Dầu Tiếng, thuộc địa phận ấp Suối Bà Chiêm, xã Tân Hoà, huyện Tân Châu. Việc khai thác khoáng sản có nhiều biểu hiện đáng nghi ngờ như khai thác vào ban đêm, khi cơ quan chức năng kiểm tra, không xuất trình các giấy tờ liên quan của đơn vị khai thác cát theo quy định.
Cơ quan chức năng đã và đang tiến hành làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật, tuy nhiên, vấn đề dư luận đang đặt dấu hỏi là: vì sao việc khai thác cát trên có thể “qua mặt” được chính quyền và cơ quan chức năng?
NHIỀU GHE KHAI THÁC CÁT BỊ BẮT GIỮ
Được biết, sau khi Báo Tây Ninh có bài phản ánh, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng vào cuộc, “bắt giữ” và làm rõ tung tích của các tàu khai thác khoáng sản. Bước đầu, ngành chức năng đã làm rõ một số hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản không đúng quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường (TM&MT) cũng đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh và cơ quan có trách nhiệm.
Theo Sở TN&MT, ngày 7.9.2017, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định 2015/QĐ-UBND thành lập tổ kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc chấp hành pháp luật Nhà nước liên quan đến hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển khoáng sản trong khu vực hồ Dầu Tiếng. Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã có Kết luận số 1592/KL-UBND về công tác hậu kiểm tra của tổ kiểm tra liên ngành.
Sau đó, tổ kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra các mặt còn hạn chế của các đơn vị và đã có báo cáo kết quả kiểm tra việc khắc phục các tồn tại, hạn chế theo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh. Tổ kiểm tra cơ bản đã khắc phục hạn chế, nhưng chưa triệt để.
Cụ thể, hoạt động khai thác cát trái phép vẫn còn diễn ra trong khu vực hồ Dầu Tiếng. Hiện nay, do tỉnh Bình Dương cũng đang tạm ngưng khai thác để kiểm tra, nên các ghe khai thác cát lén lút sang địa phận Tây Ninh khai thác, chủ yếu là khai thác vào ban đêm, ban ngày nghỉ, do vậy, rất khó khăn trong việc kiểm tra, xử lý.
Giải thích nguyên nhân chưa xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép, Sở TM&MT cho biết, do địa bàn quản lý rộng, hiểm trở, để vào được khu vực “cát tặc” thường xuyên hoạt động, lực lượng chức năng phải “băng” qua cánh rừng phòng hộ nhiều ki-lô-mét, lối đi nhỏ hẹp, nhiều chướng ngại, ngoài ra, lòng sông rộng nên rất khó khăn khi tiếp cận các đối tượng vi phạm.
Theo phản ánh của Báo Tây Ninh và người dân, tổ công tác đã tích cực nắm thông tin, phối hợp với người dân để cùng giám sát, có biện pháp xử lý. Ngày 16.12.2017, tổ công tác phối hợp với Công an huyện Tân Châu, Công an huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) lập chốt chặn, kiểm tra. Sau đó, tiếp cận đột xuất hoạt động khai thác cát khu vực hồ Dầu Tiếng (Sở TM&MT xác định khu vực này là điểm nóng- NV) giáp ranh với tỉnh Bình Phước.
Qua kiểm tra, tổ công tác đã xác định một ghe khai thác cát không xuất trình được giấy phép và một ghe khác có xuất trình được giấy phép do UBND tỉnh Bình Phước cấp, nhưng chưa cung cấp được hồ sơ có liên quan. Hai ghe trên đã bị tạm giữ để làm rõ nhiều lỗi vi phạm.
Cũng theo báo cáo của Sở TM&MT, ngày 22.12.2017, tổ công tác phối hợp với Công an huyện Tân Châu tiếp tục trinh sát, kiểm tra đột xuất hoạt động khai thác cát khu vực hồ Dầu Tiếng. Qua kiểm tra, đã bắt thêm hai ghe khai thác cát của DNTN Thành Phúc (doanh nghiệp được UBND tỉnh Tây Ninh cấp phép khai thác khoáng sản vào ngày 8.12.2017), do đơn vị này chưa hoàn thành các thủ tục trước khi đi vào khai thác. Hiện nay, tổ công tác tiếp tục phối hợp với Công an huyện Tân Châu làm rõ vụ việc và báo cáo kết quả về UBND tỉnh.
Sở TN&MT còn cho biết, thời gian qua, số lượng phương tiện khai thác cát đều được các đơn vị đăng ký theo kế hoạch gửi về Sở TN&MT, nhưng thực tế, lượng ghe khai thác cát trái phép vẫn trà trộn với lượng ghe có đăng ký, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Mặt khác, do diện tích mặt nước rộng, tổ công tác trong thực hiện việc giám sát. Bên cạnh đó, công tác lập quy trình tuyển chọn cát sau khai thác để bảo đảm chất lượng cát xây dựng, niêm yết giá bán và công bố giá bán cát tại khu vực kinh doanh bến bãi tập kết cát, gửi báo giá bán về liên Sở Xây dựng và Tài chính, công bố thông tin về đơn vị khai thác cát tại khu vực mỏ vẫn chưa khắc phục.
Ngoài ra, việc cấp giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi (thay thế việc cấp phép trước đây) còn chậm do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) rà soát, xin ý kiến Bộ NN&PTNT, Bộ Công an.
Báo cáo về công tác xây dựng kế hoạch hoạt động trong năm 2017, tổ kiểm tra đã lập kế hoạch thực hiện đo đạc, xác định trữ lượng đã khai thác theo quy định trong giấy phép khai thác hằng năm đến 31.12.2017. Thành viên tổ kiểm tra thuộc Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, Sở Công Thương, UBND huyện Dương Minh Châu, Tân Châu đề xuất thuê đơn vị có chức năng đo đạc độc lập, lập bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt khu vực được cấp phép khai thác, thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản định kỳ trước ngày 31.12.2017. Chi phí thuê tư vấn do đơn vị hoạt động khoáng sản chi trả theo quy định tại Thông tư số 02 của Bộ TN&MT.
Về công tác kiểm tra, tổ kiểm tra liên ngành tiếp tục phân công nhóm tuần tra, thống nhất thành viên tổ thuộc Sở Giao thông - Vận tải chủ trì phối hợp với Cục Thuế tỉnh, Sở Xây dựng, Cảnh sát Môi trường tổ chức kiểm tra, giám sát phương tiện khai thác cát, phương tiện vận chuyển cát theo kế hoạch đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, kiểm tra chứng từ mua bán cát của phương tiện chở cát.
Tổ kiểm tra tiếp tục phối hợp Công an huyện Tân Biên, Tân Châu lập chuyên án chốt chặn, chống khai thác cát lậu trong khu vực vùng giáp ranh, xử lý nghiêm hành vi khai thác trái phép.
TIẾP TỤC KHẮC PHỤC HẠN CHẾ, XỬ LÝ NGHIÊM CÁC HÀNH VI VI PHẠM
Để khắc phục những mặt còn hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, tổ kiểm tra liên ngành sẽ tăng cường, kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác cát trong khu vực lòng hồ Dầu Tiếng, bảo đảm đúng quy định pháp luật. Phối hợp cùng với địa phương vùng giáp ranh, các cơ quan chức năng ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi khai thác cát trái phép trong khu vực này đạt hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh đó, ngành chức năng sẽ phối hợp cùng Cục Thuế tỉnh tiếp tục truy thu thuế đối với các đơn vị còn nợ thuế, sau khi rà soát các đơn vị chưa nộp thuế vào ngân sách Nhà nước; đồng thời thực hiện kế hoạch đo khối lượng khoáng sản theo kế hoạch ban hành trước 31.12.2017 theo quy định của pháp luật.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh lập chuyên án phối hợp với cơ quan có liên quan, xử lý dứt điểm hoạt động khai thác khoáng sản cát trái phép trong khu vực hồ Dầu Tiếng.
Được biết, trước đây, vào ngày 6.1.2017, UBND tỉnh Tây Ninh cùng với thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bà Rịa - Vũng tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tiền Giang, Lâm Đồng đã ký quy chế phối hợp quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường ở các vùng giáp ranh địa giới hành chính, trong đó, nêu rất cụ thể nội dung và phương pháp phối hợp cũng như trách nhiệm của các đơn vị có liên quan, đặc biệt, có nội dung thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất việc thực hiện các quy định của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường.
Theo đó, trách nhiệm của Sở TN&MT, ngoài việc kiểm tra định kỳ, còn phối hợp kiểm tra đột xuất thông qua đường dây nóng. Đối với lực lượng Công an, quy chế xác định là “lực lượng nòng cốt tham gia trong các đợt kiểm tra, truy bắt đối tượng vi phạm”.
Vào ngày 11.12.2017, Sở TN&MT cùng với với Sở NN&PTNT, Sở Giao thông - Vận tải, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh, UBND huyện Tân Châu, huyện Dương Minh Châu, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh đã ký quy chế phối hợp quản lý về khai thác khoáng sản xây dựng trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Như vậy, mặc dù có quy chế phối hợp với các tỉnh giáp ranh, nhưng các ghe tàu khai thác cát gần như công khai hoạt động tại khu vực giáp ranh cả đêm lẫn ngày, với thời gian khá dài nhưng các đơn vị chức năng vẫn chưa ngăn chặn được. Khi phát hiện, đơn vị tổ chức bắt giữ, vẫn không thể bắt giữ hết các ghe tàu đang khai thác cát.
Các đối tượng vẫn còn đủ thời gian “tẩu thoát” về khu vực giáp ranh, mà các đơn vị chức năng không có biện pháp ngăn chặn, bắt giữ hiệu quả. Vì vậy, trong thời gian tới, cần rút ra bài học kinh nghiệm, tiếp tục thực hiện tốt các quy chế phối hợp đã ban hành. Hy vọng tình trạng khai thác cát không đúng quy định sẽ được chấn chỉnh, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Đức Tiến - Quốc Sơn
Hiện nay, Sở TN&MT đang mời các tổ chức, cá nhân vi phạm làm việc, tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.