Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Vì sao mỗi cán bộ, đảng viên phải “tự soi, tự sửa”
Thứ năm: 08:40 ngày 16/06/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - “Tự soi, tự sửa” là mỗi cán bộ, đảng viên tự kiểm điểm, tự soi lại mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa chữa. “Tự soi, tự sửa” là việc làm của cá nhân, của chính mình. Đó là việc đấu tranh quyết liệt với cái tôi của bản thân. Soi đúng thì sẽ sáng hơn, sửa đúng thì sẽ đẹp hơn. Tự soi, tự sửa khó nhưng không phải không làm được.

“Tự soi, tự sửa” gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được Đảng ta đề ra trong các kỳ đại hội, hội nghị Trung ương, nhất là từ Hội nghị Trung ương 3 (khoá VII) năm 1992, Hội nghị Trung ương 6 lần 2 (khoá VIII) năm 1999, Hội nghị Trung ương 4 khoá XI, khoá XII và Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII.

Vừa qua, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định phục vụ cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng: Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25.10.2021 của Ban Chấp hành Trung ương “về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” và Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25.10.2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; các quy định, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị khoá XIII bao gồm Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28.7.2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Quy định số 24-QĐ/TW, ngày 30.7.2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thi hành Điều lệ Đảng; Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3.11.2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ; Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18.5.2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15.5.2016 của Bộ Chính trị khoá XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22.9.2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, đặc biệt là bài phát biểu của của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Nhằm quán triệt các quy định của Đảng và bài phát biểu của Tổng Bí thư trong toàn Đảng bộ, Tỉnh uỷ Tây Ninh phát động tổ chức đợt sinh hoạt chính trị về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị với chủ đề “Tự soi, tự sửa” đến các cấp uỷ, người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở và cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ.

“Tự soi, tự sửa” là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên

“Tự soi, tự sửa” là mỗi cán bộ, đảng viên tự kiểm điểm, tự soi lại mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa chữa. “Tự soi, tự sửa” là việc làm của cá nhân, của chính mình. Đó là việc đấu tranh quyết liệt với cái tôi của bản thân. Soi đúng thì sẽ sáng hơn, sửa đúng thì sẽ đẹp hơn. “Tự soi, tự sửa” khó nhưng không phải không làm được.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong Nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”, cho nên muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Tổ quốc và Nhân dân giao phó, mỗi cán bộ, đảng viên “phải xem trọng những phê bình và những đề nghị của quần chúng… phải thật thà và công khai tự phê bình, ra sức sửa chữa… cần luôn luôn hoan nghênh quần chúng phê bình” để công tác lãnh đạo đạt hiệu quả cao nhất”. “Muốn thành cán bộ tốt phải có tinh thần tự chỉ trích… Muốn được thích hợp với tình thế, muốn cùng tiến hay vượt các bạn khác, ta cần phải nhận thức và tự giáo dục không ngừng, cần phải có sự thành thực tự vạch ra những khuyết điểm sai lầm để bồi bổ và sửa đổi đi. Sau khi làm xong một công việc gì, hay sau mỗi ngày làm việc, cần phải tự mình kiểm điểm xem có chỗ nào nhầm lẫn, chỗ nào chưa đầy đủ, có được ưu điểm gì nên nhớ, có được kinh nghiệm gì quý đáng ghi. Phải bỏ hẳn thái độ “xong việc thì thôi”. Không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được”.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị văn hoá toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam”.

Kết luận Hội nghị Trung ương 4, khoá XIII khẳng định: sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân. Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, kết luận đã nêu: phải tiến hành đồng bộ và quyết liệt hơn nữa nhiều công việc cụ thể, thiết thực, tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Hội nghị Trung ương 4 (khoá XII) đã đề ra; đồng thời bổ sung nhấn mạnh thêm 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là: “Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm”. 

Vì vậy, đợt sinh hoạt chính trị “tự soi, tự sửa” lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà trách nhiệm này trước hết thuộc về mội cán bộ, đảng viên. Vì sao cán bộ, đảng viên phải tự soi, tự sửa, tự rèn, tự tu dưỡng, tự điều chỉnh, tu thân, tự vượt lên chính mình? Vì đảng viên, cán bộ trong sạch, vững mạnh thì Đảng trong sạch, vững mạnh. Mặt khác, cán bộ, đảng viên trong điều kiện Đảng cầm quyền thường có nhiều hoặc ít quyền hành, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm, không giữ được đạo đức cách mạng thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân, ăn của đút, “dĩ công vi tư”. Nguy hiểm nhất là tính xấu của một đảng viên, một cán bộ sẽ có hại đến Đảng, đến Nhân dân. Đảng viên hư hỏng sẽ đưa quần chúng đến hư hỏng. Vì vậy, cán bộ, đảng viên phải tự soi, tự sửa, tự thực hành cần kiệm liêm chính để làm kiểu mẫu cho dân.

Trong cuộc sống cũng như trong công việc, không ai có thể mãi tròn trịa, chẳng ai mà tránh khỏi hạn chế, khuyết điểm, nhưng việc tự nhìn nhận để thấy đúng chính mình quả là một điều không dễ. Ai cũng có cái tôi, cái lý, mục đích, hoàn cảnh riêng và hầu như ai cũng thích khen, chẳng thích chê, nhất là khi bị phê bình trước tập thể. Và, không ít người vẫn thích hưởng thụ hơn, luôn tìm cái lợi cho mình nhiều hơn, ngại khó, ngại khổ, thiếu niềm tin… Từ đó, dễ sinh ra sự thiếu gương mẫu, so bì, tị nạnh, giảm sút ý chí, suy thoái và thậm chí “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” lúc nào không hay. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải tự soi trong từng công việc, trong từng lời nói và việc làm, trong chính suy nghĩ của mình để tự thấy hạn chế, khuyết điểm mà sửa, nhất là những hạn chế, khuyết điểm thuộc về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Làm được như vậy mới giải quyết được tận gốc, làm rõ được nguyên nhân, mới “chữa đúng bệnh” và tạo ra được động lực mới.

Tự soi đã khó, tự sửa cũng chẳng dễ. Thấy được hạn chế, khuyết điểm rồi nhưng mà để thành thật sửa chữa cũng phải là một cuộc đấu tranh không dễ đối với chính mình. Nếu hạn chế, khuyết điểm liên quan đến lợi ích của cá nhân thì việc tự sửa cũng đồng nghĩa là tự đánh mất những lợi ích đó, sợ bị thua thiệt. Nếu hạn chế, khuyết điểm liên quan đến uy tín, vị thế của mình thì việc tự sửa cũng như là sẽ giảm đi sự oai phong, bớt đi phần quan trọng. Nếu hạn chế, khuyết điểm liên quan đến lập trường, quan điểm, đến việc phân định đúng - sai thì việc tự sửa cảm giác như là mình đuối lý, là vô lý. Nếu hạn chế, khuyết điểm liên quan đến đạo đức, lối sống thì việc tự sửa cảm thấy hổ thẹn, sợ bị chê cười… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế, khuyết điểm, việc tự sửa nếu không có quyết tâm lớn, không nhận thức đầy đủ, không bắt đầu tự chính mình thì dễ dẫn đến tình trạng hạn chế, khuyết điểm nhiều hơn.

“Tự soi, tự sửa” là để mỗi ngày cố làm một việc có lợi cho nước, cho dân, cho Đảng. Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh. Việc gì dù lợi cho mình, phải xét nó có lợi cho nước, cho dân, cho Đảng không? Nếu không có lợi mà có hại cho nước, cho dân thì quyết không làm. “Tự soi, tự sửa” là để tránh tự kiêu, tự đại, vì tự kiêu, tự mãn. “Tự soi, tự sửa” là để luôn luôn chân thành, khiêm tốn, thật thà đoàn kết, phải học và giúp người tiến bộ. Không nịnh hót người trên. Không xem thường người dưới.

 “Tự soi, tự sửa” là để phục vụ Tổ quốc và Nhân dân tốt hơn

Việc “tự soi, tự sửa” đòi hỏi người cán bộ, đảng viên phải có tính tự giác, thật thà và trung thực, nhất là khi “tự soi, tự sửa” những hạn chế, khuyết điểm của bản thân. Các biểu hiện suy thoái, nhất là suy thoái về tư tưởng chính trị thuộc phạm trù ý thức, nó ẩn khuất, ngấm ngầm trong suy nghĩ, trong tư tưởng con người, nhiều khi được che đậy kín đáo, rất khó phát hiện, nếu cán bộ, đảng viên không nghiêm túc và tự giác “tự soi” mình thì việc “tự sửa” sẽ khó mang lại kết quả.

“Tự soi, tự sửa” là một giải pháp rất quan trọng, có tính quyết định để ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Bởi vì, các biểu hiện suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chủ yếu từ mình mà ra và tự mình là chính. Cho nên, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải tự mình soi xét, khi thấy có biểu hiện suy thoái phải quyết tâm sửa chữa và tự giác khắc phục. Cấp uỷ, tổ chức Đảng dù có tích cực giáo dục đến mấy và công tác kiểm tra, giám sát có chặt chẽ đến đâu, nhưng nếu cán bộ, đảng viên không tự giác, không kiên quyết thì rất khó đẩy lùi những biểu hiện thuộc về ý thức của con người.

“Tự soi, tự sửa” là để mỗi ngày cán bộ, đảng viên sẽ làm một việc có lợi cho nước, cho dân, cho Đảng. Người cán bộ phải luôn nâng cao ý thức, trách nhiệm trước Đảng, trước quần chúng nhân dân, nhận thức được phải trái, giữ vững lập trường chính trị, tận trung với nước, tận hiếu với dân. Tu dưỡng đạo đức cách mạng toàn diện, trên mọi khía cạnh, luôn nuôi dưỡng lòng thương yêu giúp đỡ đồng chí, đồng bào, kiên quyết chống lại những việc làm có hại đến nhân dân. Cán bộ, đảng viên phải quyết tâm thực hiện đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, quyết tâm tẩy bỏ hết bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí, làm gương trong việc thi đua học tập, thật thà tự phê bình và phê bình để luôn tiến bộ. Người cán bộ, đảng viên luôn có được tinh thần trong sạch, không tham lam địa vị, ít ham muốn về vật chất để phục vụ nhân dân một cách công tâm và minh bạch nhất. 

Mỗi cán bộ, đảng viên phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân, để có thể phục vụ nhân dân tốt nhất. Phục vụ nhân dân vừa phải là trách nhiệm, nghĩa vụ của  người cán bộ, đảng viên đối với dân, vừa là sự đền ơn đối với nhân dân, việc gì có lợi cho dân, cán bộ, đảng viên phải hết sức làm, việc gì hại đến dân phải hết sức tránh cuối cùng là để phục vụ Tổ quốc và Nhân dân tốt hơn.

“Tự soi, tự sửa” sẽ giúp cho cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh nhận diện rõ hơn, đầy đủ và sâu sắc hơn những biểu hiện suy thoái trong nội bộ; xác định rõ hơn trách nhiệm tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, tư cách của người cán bộ, đảng viên. Các tổ chức Đảng từ tỉnh đến cơ sở và cá nhân người đảng viên sẽ chủ động xây dựng kế hoạch, phương hướng khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong hành động góp phần xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước, niềm tin của Nhân dân.

Mai Tuấn Kiệt

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục