Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Phòng khách là diện mạo, nơi trang trọng nhất của ngôi nhà. Theo phong thủy bể cá trong nhà, phòng khách đặt một bể cá sẽ làm cho không gian tràn đây sinh khí, mang lại sự thịnh vượng cho gia chủ.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Trong thiên thứ 39 của "Quản Tử - Thuỷ địa" có viết: "Thuỷ là khí huyết của địa", lại viết: "Thuỷ tụ tài". Đặt bể cá trong phòng khách ngoài dụng ý "thuỷ tụ tài", còn ngụ ý "như cá gặp nước", huống hồ lại có giá trị thưởng thức và có tác dụng nạp khí hoá sát. Cá chỉ sống trong môi trường nước, điều này làm cho trong nhà tràn đầy sinh khí, đồng thời cũng có tác dụng tích cực đối với phong thuỷ nhà ở.
Những người trong Bát tự thiếu Thuỷ mà đặt bể cá trong phòng khách sẽ rất tốt cho vận trình. Nếu không biết Bát tự của mình có thích hợp với việc nuôi cá không thì cách đơn giản nhất là dựa vào những trải nghiệm trước đây để nghiệm chứng.
Nếu trước đây nuôi cá trong nhà mà gia vận hưng vượng thì nên tiếp tục nuôi, dù có chuyển nhà cũng vẫn nên nuôi. Số lượng cá nên kết hợp với Ngũ hành của chủ nhà. Vậy số lượng cá nuôi là bao nhiêu mới phù hợp với yêu cầu phong thuỷ, điều này phải căn cứ vào "số thiên địa sinh thành" của "Hà đồ" và quan hệ sinh khắc kết hợp với Ngũ phương Ngũ hành, nếu tương sinh là cát, còn tương khắc là hung.
Có một bài khẩu quyết về "số thiên địa sinh thành" của "Hà đồ" như sau: "Thiên nhất sinh Thuỷ, địa lục thành chi. Địa nhị sinh Hoả, thiên thất thành chi. Thiên tam sinh Mộc, địa bát thành chi. Địa tứ sinh Kim, thiên cửu thành chi. Thiên ngũ sinh Thổ,địa thập thành chi". Căn cứ vào sự suy diễn trên, chỉ cần tìm được Ngũ hành mệnh quái của chủ nhà là có thể biết được số lượng cá nuôi để kết hợp.
Ví dụ, nếu Ngũ hành của chủ nhà thuộc Mộc thì nên nuôi ba con cá nhỏ và tám con cá to, tất nhiên cũng có thể nuôi một con nhỏ và sáu con to, vì Thuỷ có thể sinh Mộc. Còn lại cứ thế mà suy. Màu sắc của cá tốt nhất nên kết hợp với màu sắc Ngũ hành.
Ngoài ra, gia chủ cũng cần lưu lý những vị trí không nên đặt bể cá bao gồm:
Không đặt dưới các tượng thần: Không được đặt bể cá dưới các tượng thần, đặc biệt là thần Tài hay ông tam đa Phúc - Lộc - Thọ. Theo quan niệm phong thuỷ, cách bố trí đó mang ý nghĩa “chính thần hạ thuỷ”, gây ra cảnh tán gia bại sản.
Không đặt trong phòng ngủ: Trong các cách đặt bể cá trong nhà, một trong những điều kiêng kỵ là không đặt bể cá trong phòng ngủ dẫn đến hiện tượng “âm thịnh dương suy”. Khi ngủ, nhịp sinh học giảm đến mức thấp nhất để mọi cơ quan trong cơ thể nghỉ ngơi. Nhưng do thiết bị tạo bọt của bể cả thường không ngừng vận hành, khiến nước trong bể cá luôn luân chuyển, làm ảnh hưởng đến nhịp sinh học của bạn, khiến bạn dễ cảm thấy mệt mỏi.
Không đặt gần bếp lò: Không đặt bể cá gần bếp lò, âm dương tương khắc sẽ khiến cho các mối quan hệ trong gia đình căng thẳng.
Không đặt gần nhà vệ sinh: Không đặt bể cá gần nhà vệ sinh hoặc góc quá tối và ẩm thấp sẽ dễ sinh tà khí, gây bệnh cho người sống trong nhà.
Không đặt bể cá bên phải ngôi nhà: Không đặt bể cá bên phải ngôi nhà (từ trong nhìn ra) vì phương bạch hổ kỵ có nước.
Nguồn LĐO