BAOTAYNINH.VN trên Google News

Vì sao sông Vàm Cỏ Đông ô nhiễm? 

Cập nhật ngày: 02/08/2020 - 15:36

BTNO - Tại kỳ họp 17 HĐND tỉnh Tây Ninh khoá IX, nhiệm kỳ 2016- 2021 vừa qua, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất là tình trạng ô nhiễm sông Vàm Cỏ Đông (VCĐ).

Trả lời chất vấn về tình trạng này, bà Nguyễn Thị Hiếu- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng có 7 lý do khách quan: Sông VCĐ đang chịu tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết nắng nóng, lưu lượng dòng chảy của các sông, suối xuống thấp, khiến lục bình trên sông phát triển dày đặc, phủ kín mặt sông.

Mùa mưa năm 2019 kết thúc sớm, nước sông từ thượng nguồn Campuchia năm nay không chảy về nhiều như các năm trước. Cấu trúc địa chất vùng đất ven sông VCĐ có hàm lượng kim loại sắt, mangan cao nên đã hoà tan vào nước ngầm tầng nông chảy ra sông, suối, kênh, rạch, làm gia tăng hàm lượng sắt, kết hợp quá trình phân huỷ và trao đổi chất rể và lá lục bình làm cho nước sông có mùi tanh, màu nước thay đổi, nổi váng trên mặt sông.

Bà Nguyễn Thị Hiếu- Giám đốc Sở TN&MT trả lời chất vất tình trạng ô nhiễm trên sông VCĐ.

Sông VCĐ có lượng bùn đáy từ 3 đến 4 mét, do ảnh hưởng lượng bùn đáy nhiều sẽ tạo ra hiện tượng yếm khí, làm tăng nồng độ ô nhiễm. Gần giữa tháng 4.2020, trên địa bàn tỉnh có mưa lớn, nước mưa cuốn theo nhiều tạp chất, chất bẩn, bùn tích tụ, tồn đọng từ các cống rãnh, cánh đồng đổ ra sông VCĐ làm gia tăng mức độ ô nhiễm. Nước thải sinh hoạt tại các khu đô thị, khu dân cư ô nhiễm cao theo kênh, rạch đổ về sông VCĐ. Lục bình vẫn phát triển dày đặc, đã chặn ánh sáng mặt trời và lấy nguồn oxy, tạo áp lực lớn cho sông, góp phần gây ô nhiễm nguồn nước.

Sau khi nghe giải trình, một số đại biểu không đồng ý. Đại biểu Võ Văn Dũng- Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho rằng tình trạng sông VCĐ bị ô nhiễm như giải trình của lãnh đạo Sở TN&MT đều do thiên nhiên tác động, không đề cập đến nguyên nhân do con người gây ra, như vậy liệu có sát thực tế không? Ông Dũng cũng đề nghị lãnh đạo Sở TN&MT cho biết thêm, ngoài những giải pháp đã nêu còn có giải pháp nào khác để khắc phục tình trạng này?

Đại biểu Lê Anh Tuấn- Giám đốc Sở Công thương cho biết, với nội dung giải trình trên, ông không thể dùng để trả lời thắc mắc của cử tri, vì không thể “đổ lỗi” hoàn toàn do thiên thiên. Hiện nay các rạch đều rất sạch, tại sao lại cho rằng do sông, rạch đổ ra sông Vàm Cỏ gây ô nhiễm? “Đổ lỗi” do lục bình cũng không đúng, vì lục bình cũng có tác dụng cân bằng sinh thái ở mức độ nhất định. Ông Tuấn đề nghị xem lại hệ thống quan trắc, các chỉ tiêu đo mức độ ô nhiễm môi trường có đúng không?

Đại biểu chất vấn lãnh đạo Sở TN&MT về tình trạng ô nhiễm trên sông VCĐ.

Đại biểu Nguyễn Tấn Đức- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cũng đồng quan điểm với hai đại biểu trên. Ông Đức cho rằng cơ chế, chính sách của UBND tỉnh ban hành gần như không thiếu gì cả. Vấn đề là ngành TN&MT làm như thế nào và có giải pháp nào mới, chứ vẫn cách làm cũ rất khó kiểm soát, vì không thể có đủ người đứng gác ngày đêm suốt chiều dài con sông để xem cơ sở nào xả nước thải ra sông.

Ông Đức đề nghị Sở TN&MT nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý. Hiện nay, có nhiều giải pháp quan trắc chi phí rẻ, khoảng vài chục triệu đồng đến 100 triệu đồng. Khi có dấu hiệu ô nhiễm, quan trắc liền truyền dữ liệu online về ngay lập tức, chứ không phải đợi đến cả tuần sau mới biết như hiện nay.  

Đại biểu Trương Văn Ngôn- Giám đốc Sở Xây dựng cũng không đồng tình về việc cho rằng nước thải đô thị là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm sông VCĐ. Ông Ngôn cho rằng, với mật độ dân số còn thưa thớt như hiện nay, nước thải đô thị không đủ sức làm sông VCĐ trở thành đen kịt và hôi thối. Nguyên nhân chính gây ô nhiễm sông là do các cơ sở sản xuất và kinh doanh. Ông Ngôn đề nghị giái pháp sắp tới phải xác định chính xác nguyên nhân chính mới xử lý hết được.

Sau khi nghe các đại biểu đặt câu hỏi thêm, bà Nguyễn Thị Hiếu- Giám đốc Sở TN&MT trả lời, hiện nay có 17 nguồn thải vào sông VCĐ, trong đó có 12 nhà máy sản xuất mì, mía, cao su, 2 khu cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và còn lại là các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Tiếp thu các ý kiến của đại biểu, Giám đốc Sở TN&MT cho biết, trong thời gian tới Sở sẽ cùng với ngành Công an tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý doanh nghiệp xả thải ra môi trường. Sở TN&MT sẽ có những kế hoạch và giải pháp cụ thể báo cáo HĐND tỉnh.

Một đoạn sông VCĐ bị nhuộm màu đen sẫm vì ô nhiễm.

Nhận xét về nội dung này, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm kết luận, phần lớn các vấn đề đại biểu đặt ra đã được Giám đốc Sở TN&MT trả lời tương đối đầy đủ, xác định rõ nguyên nhân và đề ra nhiều giải pháp để xử lý tình trạng ô nhiễm sông VCĐ.

Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị trong thời gian tới, Giám đốc Sở TN&MT phối hợp ngành, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt hơn trong việc xử lý ô nhiễm sông VCĐ, trong đó, tập trung các giải pháp: chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng sớm có kết luận chính thức về nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông VCĐ và công bố, công khai cho người dân biết.

Phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi chất lượng nguồn nước sông; tăng cường kiểm tra và giám sát chặt chẽ các nguồn xả thải, nhất là đối với hệ thống xử lý nước thải tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở xả nước thải chưa xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn ra môi trường, xem xét đình chỉ hoạt động của các cơ sở kinh doanh không chấp hành nghiêm chỉnh quyết định xử phạt, tiếp tục tái phạm.

Công khai kết quả xử lý để cử tri biết và cùng giám sát, cung cấp số điện thoại đường dây nóng để người dân kịp thời thông tin đến cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo người dân biện pháp, kỹ thuật nuôi cá, cứu cá khi gặp sự cố; lấy mẫu, phân tích cá chết để đánh giá nguyên nhân đối với các trường hợp nghi ngờ do ô nhiễm nguồn nước; khuyến cáo nông dân trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trên các cánh đồng đảm bảo năng suất nhưng thân thiện môi trường.

Hoàn chỉnh hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung của thành phố Tây Ninh và các khu đô thị, khu dân cư tập trung của các huyện, thị xã còn lại trước khi thải ra lưu vực sông. Thực hiện tốt công tác theo dõi, cập nhật cơ sở dữ liệu, để dự báo diễn biến biến đổi khí hậu, thời tiết, các yếu tố bất lợi để thông tin, hướng dẫn cho người dân chủ động có biện pháp ứng phó kịp thời, hạn chế thiệt hại.

Ngoài ra, ông Tâm còn đề nghị Giám đốc Sở TN&MT tiếp thu các ý kiến của đại biểu, khẩn trương triển khai thực hiện những giải pháp đã hứa, để giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm sông VCĐ.

Đại Dương