Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Vị tướng anh hùng và con đường Trường Sơn huyền thoại
Thứ bảy: 09:04 ngày 18/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân Võ Bẩm là một trong những người tiên phong “khai sơn phá thạch” đường Trường Sơn (hay đường Hồ Chí Minh) - con đường huyền thoại, đóng vai trò vô cùng quan trọng vào thắng lợi mùa Xuân 1975.

Tuyến đường huyền thoại

Thiếu tướng Võ Bẩm quê xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh (nay là TP Quảng Ngãi) tỉnh Quảng Ngãi. Ông được sinh ra vào năm 1915 trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước. Năm 1934, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và tham gia hoạt động bí mật, làm Bí thư Huyện ủy Sơn Tịnh. Ông bị thực dân Pháp bắt và lưu đày các nhà tù Lao Bảo, Buôn Ma Thuột…

Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước, ông giữ nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội, từ chính trị viên Tiểu đoàn đến chính ủy Trung đoàn. Năm 1957, ông giữ chức Cục phó Cục Quản lý Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đoàn trưởng Đoàn 559 Võ Bẩm. (Ảnh tư liệu)

Bước ngoặt lớn nhất trong đời Võ Bẩm là vào ngày 5/5/1959, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng, trực tiếp giao nhiệm vụ thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” để mở đường giao thông đặc biệt từ Bắc vào Nam (đường Trường Sơn) trong thời gian ngắn, tuyệt đối bí mật và an toàn nhất nhằm đưa bộ đội, vận chuyển vũ khí, hàng hóa nhu yếu phẩm vào chi viện chiến trường miền Nam.

Một sự trùng lặp ngẫu nhiên, ngày Đoàn chính thức nhận nhiệm vụ cũng là kỷ niệm ngày sinh nhật lần thứ 69 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, do đó Đoàn đề nghị được lấy 19/5/1959 là ngày truyền thống. Đoàn công tác quân sự đặc biệt được lấy tên là Đoàn 559, con đường Trường Sơn được Đoàn 559 khai phá, sau này cũng được chiến sĩ, đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế gọi với cái tên đường Hồ Chí Minh.

Nguyên tắc tối cao của việc mở đường vào Nam đã được Trung ương căn dặn: “Việc mở đường không ai được biết... không để lọt vào tay địch một người, một hiện vật. Một mẩu thuốc là cũng có thể tạo nên một thứ tang chứng". Vậy nên, trong điều kiện: “Ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” nhằm đảm bảo bí mật tuyệt đối, Đoàn công tác đã gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ.

Suốt gần hai năm đầu, mọi việc vận chuyển đều được thực hiện bằng sức người. Mỗi chiến sĩ phải cõng, gánh khoảng 30kg – 40kg đạn dược, thuốc men trên lưng, trèo lên núi cao, vượt qua ghềnh thác để vận chuyển qua dãy Trường Sơn, đi sâu vào Nam, đảm bảo chi viện kịp thời cho tiền tuyến.

Thời gian đầu, hàng hóa chủ yếu được cõng, gánh để vượt đường Trường Sơn. (Ảnh tư liệu)

Đường Trường Sơn đã trở thành con đường chiến lược, góp phần dẫn đến chiến thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Dấu ấn Võ Bẩm thể hiện rõ nhất qua sự phát triển vượt bậc như kỳ tích của tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.

Năm 1966, ông được đưa ra Hà Nội để chữa bệnh. Sau đó được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng bổ nhiệm chức Chính ủy Đoàn 959, chuyên gia quân sự Trung-Hạ Lào.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng hoa Thiếu tướng Võ Bẩm nhân kỷ niệm 40 năm ngày mở đường Trường Sơn (19/5/1999). (Ảnh tư liệu)

Giai đoạn từ 1967- 1971, ông kinh qua nhiều chức vụ và được phong quân hàm Thiếu tướng. Năm 1980, Thiếu tướng Võ Bẩm được nghỉ hưu. Ông qua đời vào năm 2008.

Ngày 18/2/2017, ông được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Đó là sự tri ân, ghi nhận và đánh giá công lao to lớn của Bộ đội Trường Sơn nói chung và cá nhân đồng chí Võ Bẩm – người Đoàn trưởng kiêm Chính ủy của Đoàn 559 nói riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.

Trên quê hương người anh hùng Võ Bẩm 

Đi qua các cuộc chiến khốc liệt, xã Tịnh Khê giờ đây đang dần hồi sinh, phát triển mạnh mẽ. Thu nhập bình quân của người dân xã Tịnh Khê đến nay đã đạt hơn 40 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đời sống của người dân đang dần đi lên… vùng quê cách mạng ngày nào đã có nhiều khởi sắc.

Phó Bí thư thường trực xã Tịnh Khê Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, xã đang phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí còn lại để đạt được mục tiêu trở thành phường của TP Quảng Ngãi vào năm 2025. Trong đó, bứt phá về thương mại, dịch vụ, đặc biệt là du lịch là động lực quan trọng để phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Để tưởng nhớ công lao của Thiếu tướng Võ Bẩm, năm 2016, UBND TP Quảng Ngãi cũng đã quyết định đổi tên Trường THCS Tịnh Khê sang tên Trường THCS Võ Bẩm. Việc đổi tên này có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm góp phần giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, giáo dục cho học sinh cũng như các tầng lớp nhân dân biết đến tên tuổi, cuộc đời, sự nghiệp và công lao của ông.

Trường THCS Tịnh Khê được đổi tên thành Trường THCS Võ Bẩm.

Theo Hiệu trưởng Trường THCS Võ Bẩm Ngô Thị Phương, được giảng dạy và học tập tại ngôi trường mang tên Thiếu tướng Võ Bẩm, một người con ưu tú của quê hương Quảng Ngãi nói chung và xã Tịnh Khê nói riêng là niềm tự hào lớn lao, là động lực để thầy và trò cùng phấn đấu.

“Những năm qua, trường liên tục tổ chức cho học sinh đến tham quan, vệ sinh tại nhà lưu niệm của thiếu tướng Võ Bẩm, nhất là các ngày lễ, ngày sinh và mất của ông. Thông qua đó, giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ”- cô Phương chia sẻ.

Nhà lưu niệm thiếu tướng Võ Bẩm được xây dựng tại thôn Trường Định (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi), trong chính khu vườn của gia đình ông, rộng khoảng 1.500m².

Nhà lưu niệm này được những người con của ông xây dựng nên vào năm 2011, chứa rất nhiều những hiện vật và hình ảnh kỷ niệm của ông gắn liền với con đường Trường Sơn huyền thoại. Trong đó có cuốn sách hồi ký “Những nẻo đường kháng chiến” ghi lại quá trình mở đường Trường Sơn của Thiếu tướng Võ Bẩm.

Ông Phạm Văn Tịnh hiện đang trông coi nhà lưu niệm Thiếu tướng Võ Bẩm.

Ông Phạm Văn Tịnh (người đang trông coi nhà lưu niệm) cho biết, các bậc lớn tuổi ở địa phương kể lại, trong khu đất nhà lưu niệm của Thiếu tướng Võ Bẩm là nơi từng nuôi bộ đội và là nơi hoạt động bí mật của cộng sản.

Nơi đây cũng xảy ra hàng loạt vụ đụng độ khốc liệt của quân ta và quân địch. Trên mảnh vườn chừng 3.000m2 của Thiếu tướng Võ Bẩm có cả chục hố bom, sau này các hố bom được lấp để xây dựng nhà lưu niệm.

“Các hình ảnh, hiện vật trưng bày đều minh chứng Thiếu tướng Võ Bẩm là người con ưu tú của quê hương Tịnh Khê anh hùng. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông mãi là niềm tự hào, tấm gương sáng cho nhiều thế hệ trẻ ở Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung noi theo”- ông Tịnh bày tỏ.

Nguồn kinhtedothi

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục