Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Vỉa hè và văn minh thương mại
Thứ tư: 08:34 ngày 15/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tuần qua, cùng với TP Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội đã ra quân mạnh mẽ nhằm giải quyết tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường của các hộ kinh doanh, buôn bán.

Trong thời gian tới, chắc chắn sẽ còn nhiều địa phương khác trên cả nước tiếp tục triển khai các giải pháp “mạnh tay” nhằm giải quyết dứt điểm nạn lấn chiếm vỉa hè tồn tại nhiều năm nay. Vỉa hè vốn là tài sản công, tài sản chung của nhân dân, không chỉ bị chiếm dụng bởi người dân đô thị để mưu sinh mà còn bị nhóm lợi ích xâu xé, sử dụng cho mục đích kinh doanh, dịch vụ hay cả để ở,… khiến không còn chỗ cho người đi bộ. Nghiêm trọng hơn, trong các lực lượng chức năng, có những người vốn nắm giữ nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn quy định về sử dụng vỉa hè nhưng lại đứng ra “bảo kê”, bao che cho những hành động sai trái. Có thể nói, không việc gì (dù nhỏ) “qua mắt” được cơ quan chức năng sở tại, chắc chắn những sự việc lớn hơn, những người thi hành công vụ sẽ không thể bỏ qua. Hiện tượng lấn chiếm vỉa hè có sự “chống lưng”, “bảo kê” như lời đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nêu ra mới đây là có cơ sở. Ngoài những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, cả những nhà hàng quán bia, kinh doanh dịch vụ quy mô lớn cũng lấn chiếm rất mạnh, mặc dù họ vẫn có hầm để xe diện tích lớn…

Việc lập lại trật tự đường phố, vỉa hè chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích: trả lại không gian đi lại cho người đi bộ, khách vãng lai; đồng thời tạo bộ mặt phong quang, sạch đẹp cho thành phố và nhất là bảo đảm tốt hơn an toàn giao thông khi mà người đi bộ không phải đi xuống lòng đường. Bên cạnh đó, cũng giúp lập lại kỷ cương kinh doanh thương mại và xây dựng nền nếp công tác quản lý đô thị.

Để công tác này đạt kết quả như mong đợi, các thành phố lớn nên điều tra cụ thể, tổng hợp đầy đủ số liệu về vỉa hè; trong đó, không chỉ điều tra việc sử dụng mà còn cần thu thập thông tin về hạ tầng bao gồm: cấp thoát nước, điện chiếu sáng, thùng rác công cộng, nhà vệ sinh,… bảo đảm đủ điều kiện cho những tuyến phố của một thành phố văn minh, hiện đại.

Chúng ta cũng không nên quá cực đoan, cấm toàn bộ các vỉa hè, mà cần xem xét, tính toán những đoạn vỉa hè nào rộng hơn 5 m, không ở khu vực nhạy cảm, có thể buôn bán được thì quy hoạch và sắp xếp cho một số hộ kinh doanh nhỏ, kinh doanh có điều kiện về thời gian, vệ sinh kèm theo phí và lệ phí theo đúng quy định hiện hành trong Luật Phí và Lệ phí. Ngoài ra, đội ngũ quản lý ở địa phương, nhất là xã, phường có vai trò rất quan trọng đối với công tác quản lý và sử dụng vỉa hè. Phải có quy định nghiêm túc về đạo đức công chức khi giải quyết công việc liên quan đến vỉa hè, khen thưởng những tổ chức, cá nhân xuất sắc, có trách nhiệm và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, kể cả công chức thi hành nhiệm vụ và người kinh doanh.

Trong khâu thực hiện, nên triển khai theo từng bước, có thí điểm để rút kinh nghiệm, từ đó xây dựng kế hoạch triển khai diện rộng sang các tuyến phố, quận, huyện khác. Quan trọng nhất, cần có kế hoạch đầu tư đầy đủ cả nhân lực và vật lực và phát động được phong trào quần chúng lan rộng trong việc chống lấn chiếm và gìn giữ vỉa hè, tạo thành ý thức đối với mỗi người dân.

Nguồn Báo Nhân dân

data:
Liên kết hữu ích
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục