BAOTAYNINH.VN trên Google News

Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2000 mang lại một số kết quả ban đầu

Cập nhật ngày: 12/11/2010 - 06:07

Hội nghị tổng kết chương trình áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo TCVN ISO 9001: 2000 vào cơ quan hành chính Nhà nước được UBND tỉnh tổ chức vào ngày 10.11.2010. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tiến chủ trì hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tây Ninh cho biết, việc áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2000 vào hoạt động cơ quan hành chính Nhà nước được triển khai áp dụng từ năm 2005, đến nay toàn tỉnh Tây Ninh có 36 cơ quan, đơn vị áp dụng. Trong đó gồm 21 cơ quan quản lý Nhà nước; 1 cơ quan Đảng (Ban Tổ chức Tỉnh uỷ); 9 UBND cấp huyện, thị xã và 5 cơ quan dịch vụ công khác. Đã có 25 cơ quan được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng cấp giấy chứng nhận phù hợp yêu cầu tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2000; 11 cơ quan đang xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2008, dự kiến đến hết năm 2010 sẽ được cấp giấy chứng nhận. Kết quả khảo sát thực trạng và hiệu quả ở các đơn vị áp dụng TCVN ISO 9001: 2000, nhìn chung đã tạo được sự chuyển biến về hoạt động cung ứng dịch vụ công theo hướng tích cực hơn, nhưng hiệu quả chưa thật sự rõ nét và chưa đạt được như mong muốn ban đầu khi triển khai áp dụng. Đa số cán bộ công chức được khảo sát đều cho rằng mức độ hài lòng của người dân sau khi triển khai tiêu chuẩn ISO ở mức tương đối khá và chấp nhận được. Về hiệu quả, việc áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001: 2000 thời gian qua đã mang lại một số kết quả ban đầu: Các quy trình xử lý công việc trong các cơ quan hành chính Nhà nước được tiêu chuẩn hoá theo hướng khoa học, hợp lý. Việc thực hiện tốt các quy trình đã phục vụ thiết thực cho cơ chế “một cửa” trong vấn đề tiếp nhận và giải quyết yêu cầu của các tổ chức và công dân ở một số cơ quan hành chính Nhà nước. HTQLCL theo TCVN ISO 9001: 2000 là một trong những công cụ đảm bảo cho việc công khai, minh bạch hoá quy trình, thủ tục giải quyết công việc theo yêu cầu của các tổ chức và công dân. Hệ thống văn bản các quy trình và thủ tục hành chính được kiện toàn tạo cơ hội xác định rõ người, rõ việc, nâng cao hiệu suất giải quyết công việc; đồng thời có cơ sở tài liệu để đào tạo và tuyển dụng công chức, viên chức. Từ đó giúp cho lãnh đạo cơ quan không sa vào công tác sự vụ, uỷ thác trách nhiệm nhiều hơn cho cấp dưới và có nhiều thời gian để đầu tư cho công tác phát triển cơ quan. Việc áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001: 2000 giúp cho các cơ quan khắc phục đáng kể tình trạng tài liệu không được cập nhật hay sắp xếp, lưu giữ, mất thời gian tìm kiếm khá phổ biến trước đây. Đây là hiệu quả rõ rệt, thiết thực, tạo điều kiện nâng cao trách nhiệm và kỹ năng xử lý công việc của cán bộ công chức. Việc áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001: 2000 cũng đã nâng cao hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý và cung cấp các dịch vụ công theo mục tiêu cải tiến thường xuyên theo yêu cầu của tiêu chuẩn; Củng cố lòng tin, cải thiện được mối quan hệ và hình ảnh của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đối với tổ chức và công dân phù hợp bản chất của Nhà nước ta là do dân, vì dân; Đánh giá được hiệu lực và tác dụng của các chủ trương, chính sách và các văn bản pháp lý được thi hành trong thực tế để đề xuất với  cơ quan chủ quản có các biện pháp cải tiến hoặc đổi mới cho phù hợp với tình hình phát triển; Thúc đẩy nhanh việc thực hiện quy chế dân chủ trong các mặt hoạt động của cơ quan và tạo cơ hội để các thành viên có liên quan tham gia góp ý các định hướng, mục tiêu chiến lược và các thủ tục, quy trình giải quyết công việc hành chính.

Đại biểu tham gia thảo luận đóng góp ý kiến

Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001: 2000 thời gian qua cũng còn những mặt tồn tại khó khăn: Có trở lực về tâm lý cán bộ công chức trong thay đổi thói quen, nề nếp làm việc; Thiếu cơ chế khuyến khích gắn năng suất, hiệu quả công việc với quyền lợi vật chất của cán bộ công chức; Chưa có quy định về việc kết nối xây dựng, áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001: 2000 với cơ chế “một cửa” và Đề án 30 của Chính phủ;  Chưa có tiêu chí đánh giá hiệu quả và cơ chế giám sát cho hoạt động áp dụng hệ thống quản lý chất lượng; Kinh phí xây dựng và giám sát được cấp cho từng đơn vị, nhưng một số chi phí phát sinh hay khuyến khích cán bộ công chức trong quá trình thực hiện không có nguồn chi và chưa có sự hướng dẫn phù hợp từ các cơ quan cấp trên.

Tại hội nghị các đại biểu được nghe báo cáo tham luận của các đơn vị áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001: 2000: UBND huyện Trảng Bàng, Sở Tư pháp, Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan Tây Ninh và nghe Thạc sĩ Nguyễn Bảo Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ 2 (SMEDEC 2 -thuộc Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng) trình bày tình hình triển khai thực hiện Quyết định 144/2006-TTg của Thủ tướng Chính phủ về áp dụng TCVN ISO 9001 vào các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước và một số ý kiến để triển khai có hiệu quả Quyết định 118/2009/TTg của Thủ tướng Chính phủ. 

Đánh giá việc áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001: 2000 trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tiến cho rằng, trong thời gian qua, các đơn vị đã có nhiều cố gắng. Trong 36 đơn vị triển khai thực hiện, có đơn vị làm tốt đã được cấp giấy chứng nhận, nhưng cũng có đơn vị làm chưa tốt. Nhưng nhìn chung, so với nhiều bộ, ngành và tỉnh thành khác, việc triển khai áp dụng HTQLCL theo TCVN ISO 9001 của tỉnh Tây Ninh còn chậm. Đồng chí Nguyễn Mạnh Tiến cũng nêu một số nhiệm vụ trọng tâm trong việc thực hiện HTQLCL theo TCVN ISO 9001 trong thời gian tới để các ngành chức năng thực hiện.

D.H