Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Việc cấm nhà báo ghi âm, ghi hình phiên tòa: Đại biểu Quốc hội lên tiếng
Thứ tư: 14:48 ngày 22/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
TS luật học Lê Xuân Thân, Đại biểu Quốc hội - Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội, nguyên Chánh án TAND tỉnh Khánh Hòa, đề nghị không cấm nhà báo ghi âm, ghi hình diễn biến phiên tòa vì trái với Hiến pháp, luật Báo chí...

Tòa chỉ cho nhà báo ghi chép bằng giấy bút !?

Theo điều 25 luật Báo chí 2016, nhà báo có quyền: "Được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật".

Nhà báo đứng từ xa để tác nghiệp trong vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm. ĐÀO NGỌC THẠCH

Tuy nhiên, dù luật quy định như trên, nhưng thực tế nhà báo gặp rất nhiều khó khăn để truyền tải thông tin chính xác đến bạn đọc.

Cụ thể, tháng 3 vừa qua, TAND TP.HCM xét xử vụ án Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) kéo dài hơn một tháng, nhà báo được bố trí tác nghiệp trong phòng báo chí, xem qua màn hình ti vi.

Lúc đầu, TAND TP.HCM cho nhà báo mang máy ảnh vào phòng báo chí nhưng sau đó lại cấm. Theo đó, tòa chỉ cho phép nhà báo ghi hình 15 phút, trước khi Hội đồng xét xử vào làm việc. Khi tòa vào làm việc, nhà báo không được mang bất cứ đồ nghề tác nghiệp (như máy ảnh, máy quay, ghi âm, máy tính, điện thoại) vào phòng báo chí. Trong khi đó, âm thanh phòng báo chí lúc thì quá nhỏ, lúc thì mất cả âm thanh và hình ảnh.

Còn tại 2 phiên tòa xét xử vụ án Tân Hoàng Minh và kit test Việt Á, cùng diễn ra tại TAND TP.Hà Nội, nhà báo chỉ được ghi chép bằng giấy bút. Vì không được ghi âm để nghe lại cho chính xác những chỗ chưa ghi chép kịp, nhà báo không thể truyền tải đến bạn đọc nhiều thông tin quan trọng của vụ án.

Cấm ghi âm, ghi hình đã trái với 5 luật hiện hành

Hiện khoản 3 điều 141 dự thảo luật Tổ chức TAND quy định về ghi âm, ghi hình phiên tòa, không nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia về lĩnh vực pháp luật.

Cụ thể, dự thảo quy định: Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định khi có sự cho phép của chủ tọa phiên tòa, phiên họp. Trường hợp ghi âm, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ và sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp.

Với quy định trên, ngay cả nhà báo cũng không được ghi âm, ghi hình trong suốt quá trình diễn ra phần xét hỏi, cũng như tranh tụng. Trong khi đó, đây là phần vô cùng quan trọng của vụ án.

Vậy vì sao dự thảo trên lại bị các chuyên gia phản ứng? Dự thảo này đã phù hợp với luật Báo chí và các luật khác chưa?

Trả lời Thanh Niên, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Xuân Thân đề nghị ban soạn thảo cần phải cân nhắc, sửa đổi lại điều 141 dự thảo luật Tổ chức TAND (sửa đổi) để tránh bị mâu thuẫn với điều 25 bộ luật Tố tụng Hình sự, điều 15 bộ luật Tố tụng Dân sự, điều 16 luật Tố tụng Hành chính, quy định về phiên tòa. Đặc biệt, khoản 3 điều 141, dự thảo đã hạn chế quyền tác nghiệp của nhà báo theo luật Báo chí.

Nếu muốn cấm, hoặc hạn chế nhà báo ghi âm, ghi hình phải xuất phát từ Hiến pháp, luật Báo chí và các văn bản luật có liên quan, mới có căn cứ pháp luật để thuyết phục người dân và công luận.

ĐBQH Lê Xuân Thân.  Nguồn Quốc hội

ĐBQH Lê Xuân Thân

Theo ĐBQH Xuân Thân, xét xử công khai là nguyên tắc hiến định và nhất quán từ trước đến nay. Tại khoản 3 điều 103 Hiến pháp quy định: "Tòa án xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, TAND có thể xét xử kín".

Cũng theo khoản 2 điều 14 Hiến pháp: "Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng an ninh quốc gia; trật tự an toàn xã hội; đạo đức xã hội; sức khỏe của cộng đồng".

Từ các quy định trên, ĐBQH Xuân Thân cho rằng việc xét xử của tòa án là hoạt động đặc thù, bảo đảm tính tôn nghiêm của phiên tòa và vị thế của hội đồng xét xử khi "nhân danh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Tuy nhiên, người làm luật cần phải tuân thủ Hiến pháp, "bảo đảm quyền tự do tiếp cận thông tin của công dân" theo quy định của pháp luật, và quyền hoạt động của nhà báo theo luật Báo chí.

Điều 25 Hiến pháp quy định công dân có quyền tự do tiếp cận thông tin theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tại khoản 4 điều 3 luật Tiếp cận thông tin 2016 quy định: "Việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng".

Đặc biệt, quyền của nhà báo "được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp" (điều 25 luật Báo chí).

Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí
Ngoài ra, ĐBQH Xuân Thân đề nghị ban soạn thảo cần tiếp thu, chỉnh lý điều 141 dự thảo cho phù hợp với từng đối tượng như: người tham gia tố tụng; người dự phiên tòa; hoạt động tác nghiệp của nhà báo tại phiên tòa xét xử công khai...

"Có như vậy mới minh định thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tiếp cận thông tin theo đúng quy định của Hiến pháp và văn bản luật hiện hành", ông Xuân Thân nói.

Cũng theo ĐBQH, điều 9 và khoản 3 điều 25 luật Báo chí đã quy định rõ 13 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động báo chí và 6 nghĩa vụ của nhà báo. Đồng thời, nhà báo sử dụng hình ảnh của người khác còn phải tuân thủ điều 32 bộ luật Dân sự. Đây là "vòng kim cô" đối với nhà báo, đã được pháp luật quy định và thực hiện bình thường trong thực tiễn từ trước đến nay.

Thông qua phiên tòa xét xử công khai, cũng là cách phát huy tác dụng giáo dục pháp luật, một trong những mục tiêu hướng tới của hoạt động xét xử của tòa án. Chính vì vậy, khoản 1 điều 17 luật Tổ chức TAND 2014 (hiện hành) đã quy định: "TAND phối hợp với cơ quan, tổ chức phát huy tác dụng giáo dục của phiên tòa và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành bản án, quyết định của TAND".

"Nếu muốn cấm, hoặc hạn chế nhà báo ghi âm, ghi hình phải xuất phát từ Hiến pháp, luật Báo chí và các văn bản luật có liên quan, mới có căn cứ pháp luật để thuyết phục người dân và công luận", ông Thân nhấn mạnh.

Trái với luật Báo chí thì không nên đưa vào luật

Ông Nguyễn Bá Sơn, nguyên Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng, cho rằng dự thảo luật Tổ chức TAND trái với quy định của luật Báo chí thì không nên đưa vào luật.

"Trong quá trình xây dựng pháp luật, chúng ta cần tuân thủ nguyên tắc đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Trong trường hợp cần thiết đối với việc xét xử một số vụ án có nội dung liên quan đến bí mật quốc gia, thuần phong mỹ tục thì đã có quy định xét xử kín", ông Sơn nói.

 

Bộ TT-TT, Hội Nhà báo VN và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị xem xét lại dự thảo

Dự thảo luật Tổ chức TAND ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tác nghiệp của báo chí. Do đó, cả Bộ TT-TT và Hội Nhà báo VN đều đề nghị cho phép nhà báo ghi âm, ghi hình diễn biến phiên tòa công khai theo điều 25 luật Báo chí.

Theo Bộ TT-TT, cần nghiên cứu quy định riêng về hoạt động báo chí tại phiên tòa; đảm bảo nguyên tắc nhà báo được tiếp cận diễn biến phiên tòa, ghi âm, ghi hình chấp hành các quy định pháp luật về báo chí, nội quy phiên tòa.

Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng đề nghị quy định theo hướng tạo điều kiện cho báo chí đưa tin chính xác về vụ án.

Nguồn thanhnien

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục