BAOTAYNINH.VN trên Google News

Việc điều hành xuất khẩu gạo sẽ minh bạch, công khai hơn

Cập nhật ngày: 12/06/2009 - 04:09

Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 12.6, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng tiếp tục làm rõ các vấn đề về điều hành xuất khẩu gạo thời gian qua, công tác mà theo một số đại biểu Quốc hội còn nhiều bất cập, gây thiệt thòi cho người nông dân.

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Đại biểu Danh Út (Kiên Giang ) phản ánh các bức xúc của cử tri vùng lúa Kiên Giang tới Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, không phải cơ quan quản lý nhà nước nhưng tham gia điều hành xuất khẩu.

“Việc làm trên của Hiệp hội có đúng pháp luật không? Có vượt thẩm quyền không? Có đúng điều lệ của Hiệp hội mà Bộ Nội vụ ban hành?”, đại biểu hỏi.

Trước hết, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2009 đạt kết quả rất khả quan, vượt xa cả chỉ tiêu đề ra.

Tính đến hết ngày 31.5.2009 chúng ta đã xuất khẩu được xấp xỉ 3 triệu tấn gạo với tổng kim ngạch trên 1,2 tỷ USD. Có thể nói trong rất nhiều năm trở lại đây, đây là thời kỳ chúng ta xuất khẩu gạo được nhiều nhất nếu so với cùng kỳ 2 năm trước.

Đóng góp vào thành tựu này có nỗ lực kinh doanh của 2 Tổng Công ty lương thực miền Bắc và miền Nam cũng như vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (HHLTVN)

Bộ trưởng cho biết, vai trò điều hành liên quan đến lương thực nói chung và liên quan đến xuất khẩu gạo nói riêng phân biệt rất rõ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông chịu trách nhiệm dự báo và tính toán khả năng lượng gạo hàng hoá có thể xuất khẩu sau khi trừ đi các nhu cầu tiêu dùng trong nước và yêu cầu về dự trữ.

Bộ Công Thương chịu trách nhiệm tìm thị trường, đặc biệt là đàm phán với các tổ chức nước ngoài về các hiệp định xuất khẩu lương thực theo hình thức Chính phủ. Còn HHLTVN trên cơ sở định hướng về số lượng gạo được xuất khẩu trong một năm, hoặc trong thời kỳ, thì điều hành cụ thể thông qua việc đăng ký của các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo.

Bộ trưởng khẳng định, HHLTVN hoạt động theo điều lệ Hội đã được Bộ Nội vụ phê duyệt và điều lệ nêu rõ, Hiệp hội hoạt động trên cơ sở tập hợp một cách tự nguyện các thành viên tham gia và các thành viên này có quyền bình đẳng như nhau

Theo quy định, HHLTVN thống nhất tổ chức việc giao dịch, kí kết hợp đồng và thực hiện giao hàng đối với hợp đồng xuất khẩu gạo của Chính phủ. Hiện có 2 loại hợp đồng xuất khẩu gạo, một là hợp đồng Chính phủ (hiện chiếm 53% tổng số lượng gạo xuất khẩu), hai là hợp đồng thương mại.

Chính phủ giao cho Hiệp hội điều hành xuất khẩu gạo theo hợp đồng Chính phủ. Còn lại khoảng 47% là hợp đồng thương mại hoàn toàn do các doanh nghiệp tự quyết định, tự tìm nguồn hàng và đăng kí với Hiệp hội. Vì sao phải đăng kí? Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lý giải, việc đăng kí để chúng ta đảm bảo mức giá chung.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, trong hoạt động của Hiệp hội vừa qua mặc dù có rất nhiều cố gắng cũng không tránh khỏi việc xảy ra một số sai sót, một số hạn chế và điều này đã được Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở, tại cuộc họp gần đây nhất ngày 5.6 khi bàn về điều hành xuất khẩu gạo.

Thủ tướng Chính phủ tiếp tục giao nhiệm vụ điều hành cụ thể các hoạt động xuất khẩu cho HHLTVN nhưng yêu cầu nâng cao vai trò quản lý Nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành và yêu cầu Hiệp hội phải tăng cường hơn tính minh bạch, tính công khai trong việc điều hành, trong việc công bố các hợp đồng.

Đại biểu Danh Út tiếp tục chất vấn, về tổ chức và nhân sự của Hiệp hội, hiện tại Chủ tịch Hiệp hội cũng là Tổng giám đốc Tổng công ty lương thực miền Nam. Điều này có hợp lý?

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, nhân sự của Hiệp hội hoàn toàn phụ thuộc vào quyền lựa chọn của các thành viên Hiệp hội. Nhà nước không quyết định.

Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng hoá độc hại

Việc quản lý thị trường, ngăn chặn hàng kém chất lượng, hàng hoá độc hại cũng được nhiều đại biểu chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Huyền (đoàn Phú Thọ) đặt vấn đề, các mặt hàng quần áo, trò chơi điện tử nước ngoài chất lượng kém đang ảnh hưởng rất lớn tới trẻ em. Dư luận đang xôn xao về chuyện các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất đồ chơi trẻ em có chất độc hại. Đại biểu yêu cầu Bộ trưởng cho biết về biện pháp ngăn chặn tình trạng hàng ngoại nhập kém chất lượng tràn vào Việt Nam.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận, thời gian qua, công tác quản lý thị trường gặp nhiều hạn chế, bất cập, đặc biệt là ở các tỉnh biên giới, lực lượng quản lý thị trường rất mỏng, nên còn xảy ra tình trạng hàng hoá nước ngoài không đảm bảo chất lượng xâm nhập vào Việt Nam.

“Lực lượng quản lý thị trường cả nước hiện có khoảng 6.000 người, bình quân một tỉnh chưa đến 100 người, chỉ khoảng 80 người. Riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh do thị trường lớn, có tính chất phức tạp đã chiếm khoảng 1.000 người. Có những tỉnh, nhất là những tỉnh biên giới miền núi, đường biên giới chạy dài hàng trăm cây số như vậy, lực lượng quản lý thị trường chỉ có vài chục người thì không có cách gì để có thể ngăn chặn một cách tuyệt đối các hành vi về gian lận thương mại, nhất là buôn lậu”.

Bộ trưởng đề nghị trước mắt bổ sung lực lượng quản lý thị trường khoảng 1.000 người, tập trung vào những địa phương lực lượng còn mỏng, nhất là những tỉnh biên giới.

Thứ hai, tăng cường công cụ, điều kiện làm việc cho lực lượng quản lý thị trường, kể cả phương tiện giao thông hay các công cụ để thực thi công vụ. Thứ ba là phải tăng cường sự phối hợp của các lực lượng chức năng, bản thân lực lượng quản lý thị trường không thể làm hết được mọi việc.

Bọ trưởng kiến nghị cử tri cả nước và đại biểu Quốc hội giúp lực lượng quản lý thị trường, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành trong việc phát hiện những cửa hàng, gian hàng kinh doanh mặt hàng độc hại trên.

(Theo chinhphu.vn)