BAOTAYNINH.VN trên Google News

Phó Trưởng Ðoàn chuyên trách Ðoàn ÐBQH tỉnh:

Việc tiếp nhận, thu gom vũ khí, khí tài, phương tiện phải bảo đảm bí mật về thông tin, chủng loại và nguồn gốc xuất xứ 

Cập nhật ngày: 25/05/2024 - 06:49

BTN - Đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung một khoản giao cho Chính phủ quy định chi tiết về số lượng, thời hạn sử dụng, niên hạn cấp vũ khí cho từng nhóm đối tượng cụ thể tại các khoản 1, 2, 3 Ðiều 20 dự thảo luật.

Ðại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thanh Thuý phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Chiều ngày 24.5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Tại buổi thảo luận, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng Ðoàn chuyên trách Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh phát biểu góp ý đối với dự án luật này.

Tại Ðiều 20 của dự thảo Luật quy định cụ thể về từng loại vũ khí quân dụng trang bị cho Cơ yếu, Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm lâm, Kiểm ngư, An ninh hàng không, Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu, phòng chống tội phạm về ma tuý của Hải quan… Tuy nhiên, trong điều luật lại không có quy định về số lượng vũ khí được trang bị, điển hình như Cơ yếu, Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, An ninh hàng không được trang bị súng ngắn và đạn sử dụng cho loại súng này, nhưng số lượng là bao nhiêu thì chưa thể hiện. Ngoài ra, Ðiều 20 dự thảo Luật cũng chưa quy định về thời hạn sử dụng, cấp định kỳ hằng năm hay là 2 năm mới cấp lại. Do đó, đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung một khoản giao cho Chính phủ quy định chi tiết về số lượng, thời hạn sử dụng, niên hạn cấp vũ khí cho từng nhóm đối tượng cụ thể tại các khoản 1, 2, 3 Ðiều 20 dự thảo luật.

 Tại các Ðiều 39 và Ðiều 41 dự thảo Luật, Ban soạn thảo có sử dụng từ “mìn” trong các điều khoản. Ðại biểu Thuý đề nghị Ban soạn thảo xem xét cân nhắc không sử dụng từ “mìn”, thay vào đó là từ “nổ”. Vì theo quy định các Ðiều 39, 40, 41 dự thảo Luật là các điều khoản quy định về vật liệu nổ công nghiệp. Ðồng thời, khoản 8 Ðiều 3 dự thảo Luật quy định “Vật liệu nổ công nghiệp là vật liệu nổ sử dụng cho mục đích kinh tế, dân sự thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng tại Việt Nam”. Do đó, không thể sử dụng từ “mìn” trong các điều, khoản trên vì “mìn” là một loại vũ khí trang bị của Quân đội để dùng trong chiến đấu, không dùng cho mục đích kinh tế, dân sự.

 Tại Ðiều 61 dự thảo Luật quy định về nguyên tắc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu huỷ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung một khoản quy định về nguyên tắc bảo đảm bí mật về thông tin, chủng loại và nguồn gốc xuất xứ khi tiếp nhận và thu gom các loại vũ khí, khí tài, phương tiện có khả năng ảnh hưởng đến khả năng phòng thủ đất nước hoặc các loại khí tài có khả năng liên quan đến an ninh quốc gia, ảnh hưởng đến công tác đối ngoại, ngoại giao quốc tế. Vì các công trình, mục tiêu về quốc phòng, an ninh, cơ yếu; các loại vũ khí, khí tài, phương tiện quyết định khả năng phòng thủ đất nước, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; sản phẩm mật mã của cơ yếu đều thuộc phạm vi bí mật nhà nước được quy định tại điểm c khoản 2 Ðiều 7 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018. Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều trường hợp thiết bị quân sự, vũ khí gián điệp, trinh sát khi bay vào nước khác do gặp sự cố nên bị người dân tại nước sở tại phát hiện và giao nộp cho chính quyền, nhưng do công tác bảo mật chưa tốt nên dẫn đến nhiều nguồn tin bị rò rỉ. Từ đó, các phần tử cơ hội chính trị đã bịa đặt, xuyên tạc thông tin dẫn đến kích động, tạo nên tâm lý thù địch với nước khác mặc dù có nhiều trường hợp các thiết bị ấy do chính phủ nước họ đặt mua từ nước khác và gặp sự cố khi tập luyện.

Ðối với thẩm quyền tiếp nhận, thu gom, phân loại, thanh lý, tiêu huỷ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ quy định tại Ðiều 64 dự thảo Luật, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý kiến nghị Ban soạn thảo xem xét quy định cụ thể cơ quan Quân sự, cơ quan Công an cấp xã, cấp huyện, đơn vị Quân đội có thẩm quyền tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Tại khoản 1 Ðiều 64 dự thảo Luật không quy định rõ cơ quan Quân sự, cơ quan Công an cấp nào có thẩm quyền tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Việc quy định cụ thể các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ sẽ giúp các đơn vị xác định rõ thẩm quyền thực hiện khi luật được ban hành.

K.C

(lược ghi từ Hà Nội)