Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sáng 29.10, tại Hà Nội, Viện Báo chí thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống (1962 – 2022) và các hoạt động chào mừng trong khuôn khổ sự kiện này.
Văn nghệ chào mừng Lễ kỷ niệm.
Tới dự Lễ kỷ niệm có các vị lãnh đạo, đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan báo chí truyền thông Trung ương và địa phương, một số trường Đại học, lãnh đạo nhà trường và các đơn vị của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cùng các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên Viện Báo chí.
Nhân dịp này, ông Nguyễn Xuân Phúc – Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước và ông Tô Huy Rứa - nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương gửi lẵng hoa chúc mừng.
Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống (1962 – 2022) của Viện Báo chí là dịp để các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên của Viện Báo chí gặp gỡ, nhìn lại một chặng đường rất đáng tự hào; điểm lại những thành tựu đạt được, những việc chưa làm được để đề ra những mục tiêu, định hướng giải pháp nhằm phát triển lên một tầm cao mới, giữ vững thương hiệu và nâng cao uy tín của Viện Báo chí.
PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang-Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền tặng quà tri ân các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có đóng góp cho sự phát triển của Khoa Báo chí - Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Chương trình Lễ kỷ niệm gồm nhiều hoạt động như: ôn lại truyền thống lịch sử hình thành và phát triển của Khoa Báo chí - Viện Báo chí; giới thiệu phim tài liệu “Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền: 60 năm đồng hành cùng báo chí cách mạng Việt Nam”; tri ân 75 cá nhân là các thế hệ nhà báo lão thành, lãnh đạo, cán bộ, giảng viên góp công lớn cho sự phát triển của Viện Báo chí.
Hội thảo “Viện Báo chí: Truyền thống 60 năm đào tạo, nghiên cứu - vấn đề đặt ra và giải pháp phát triển” gồm hai phần. Phần 1: Lịch sử truyền thống 60 năm đào tạo, nghiên cứu báo chí cho đất nước với các nội dung: Thành tựu và các dấu mốc quan trọng trong đào tạo và nghiên cứu qua các thời kỳ; Vinh danh thành tựu liên quan đến các phóng viên, biên tập viên tiêu biểu của lớp, của khóa – những người trực tiếp tác nghiệp trên mặt trận báo chí của đất nước qua các thời kỳ; Vinh danh thành tựu liên quan đến các lãnh đạo, quản lý qua các thời kỳ… Phần 2: Vấn đề đặt ra và giải pháp phát triển Viện Báo chí - mô hình Viện đào tạo - nghiên cứu báo chí cách mạng trước yêu cầu của nền báo chí số, đa nền tảng, đa phương tiện với các nội dung: nhận diện và phát huy thế mạnh, tận dụng cơ hội; nhận diện thách thức và những vấn đề đặt ra, yêu cầu từ các cơ quan báo chí; đề xuất chiến lược và giải pháp phát triển Viện Báo chí - mô hình Viện đào tạo - nghiên cứu báo chí cách mạng trong bối cảnh phát triển báo chí truyền thông số, đa nền tảng, đa phương tiện.
Nhân dịp này, Viện Báo chí đã xuất bản 4 cuốn sách điện tử: Báo chí – truyền thông: Những điểm nhìn từ thực tiễn (tập 5); Kỷ yếu hội thảo “Viện Báo chí – Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Truyền thống 60 năm đào tạo, nghiên cứu - vấn đề đặt ra và giải pháp phát triển”; Giáo trình Nhập môn Truyền thông đa phương tiện; Giáo trình Tổ chức sản xuất sản phẩm truyền thông đại chúng. Đây là quà tặng đặc biệt của Viện Báo chí cho giới báo chí – truyền thông, học viên, sinh viên và các độc giả quan tâm.
PGS, TS. Đỗ Thị Thu Hằng - Viện trưởng Viện Báo chí chia sẻ: “Chặng đường 60 năm qua, Viện Báo chí đã có thành tựu to lớn trong đào tạo nhân lực báo chí cách mạng, bám sát thực tiễn cách mạng từng thời kỳ, từ nghiên cứu tổng kết thực tiễn báo chí cách mạng, phát triển lý luận báo chí cách mạng Việt Nam trên nền tảng của khoa học báo chí truyền thông. Trong 60 năm, Khoa Báo chí - Viện Báo chí xây dựng và thực thi mô hình đào tạo nhà báo đảm bảo kiến thức chính trị - xã hội, năng lực nghiệp vụ, phẩm chất chính trị - phẩm chất đạo đức kỹ phẩm chất nghề nghiệp báo chí đặc thù”.
PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang-Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu tại Lễ kỷ niệm.
Tiền thân của Viện Báo chí là Khoa Báo chí - một trong những đơn vị ra đời ngày 16.1.1962 theo Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Viện Báo chí chính thức thành lập vào tháng 1.2019 theo quyết định số 6591-QĐ/HVCTQG của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trên cơ sở sáp nhập Khoa Báo chí và Viện Nghiên cứu Báo chí – Truyền thông (trực thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền).
Hơn nửa thế kỷ qua, Viện Báo chí đã đào tạo được gần 20.000 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh các khoá, các hệ và các cấp đào tạo đã trưởng thành, nối tiếp truyền thống tốt đẹp, khẳng định bản sắc và có nhiều đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp báo chí, truyền thông vì sự nghiệp đổi mới cho đất nước; tham gia chương trình đào tạo cán bộ báo chí, truyền thông cho một số các nước bạn như: Trung Quốc, Lào, Campuchia… và một số nước khác.
Tối cùng ngày, trong khuôn khổ sự kiện, Viện Báo chí tổ chức Lễ trao giải báo chí - truyền thông Thắp sáng; trao học bổng cho sinh viên và chào tân sinh viên Fire Up 2022.
Đ.H