Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Viếng nghĩa trang liệt sĩ nhân ngày thành lập QĐND Việt Nam
Thứ sáu: 17:02 ngày 22/12/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nhân kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.1944-2017), sáng 22.12, lãnh đạo các huyện/thành phố đã tổ chức đoàn đến viếng, thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ.

* Đoàn đại biểu dân quân chính Đảng thành phố Tây Ninh, huyện Châu Thành và cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn Bộ binh 5 đã đến viếng nghĩa trang liệt sĩ liên huyện tại ấp Bình Phong, xã Thái Bình, huyện Châu Thành.

Đại biểu thắp hương trên từng phần mộ liệt sĩ.

Tại đây, lãnh đạo Thành phố Tây Ninh, huyện Châu Thành và Sư đoàn Bộ binh 5 thắp hương tưởng niệm ở lễ đài và cùng cán bộ, chiến sĩ, thân nhân các liệt sĩ đến từng phần mộ liệt sĩ thắp nén nhang, tỏ lòng biết ơn các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập dân tộc, tự do của tổ quốc.

* Tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Bến Cầu, lãnh đạo huyện đã dâng hoa, thắp hương tưởng nhớ đến vong linh các anh hùng liệt sĩ.

Nghĩa trang liệt sĩ huyện Bến Cầu hiện chôn cất trên 2.466 hài cốt liệt sĩ, trong đó có 455 liệt sĩ vô danh.

Lãnh đạo huyện Bến Cầu viếng nghĩa trang liệt sĩ huyện nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

* Đoàn lãnh đạo huyện Châu Thành do bà Nguyễn Thị Yến Mai- Bí thư Huyện ủy dẫn đầu đã đến Di tích lịch sử-văn hóa Khu lưu niệm Hoàng Lê Kha (ấp Suối Muồn, xã Thái Bình, huyện Châu Thành) viếng, thắp hương tưởng nhớ người anh hùng đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Bà Nguyễn Thị Yến Mai- Bí thư Huyện ủy Châu Thành thắp hương tại Di tích lịch sử - Văn hóa Khu lưu niệm Hoàng Lê Kha.

Đồng chí Hoàng Lê Kha tên thật là Hoàng Lê Cẩn, sinh ngày 17.2.1917, tại làng Trang Các, tổng Ngọ Xá (nay thuộc xã Hà Phong, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa). Năm 1931, ông ra Hà Nội học và bắt đầu tham gia cách mạng. Đến năm 1936, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1940, ông được Đảng điều vào hoạt động ở Nam Kỳ.

Trong quá trình tham gia cách mạng, ông từng giữ các chức vụ như: Ủy viên Mặt trận Việt Minh tỉnh Gia Định; Tỉnh đội trưởng Dân quân, Trưởng ty Thông tin Gia Định; Tỉnh ủy viên kiêm Trưởng ty Kinh tế canh nông tỉnh Gia Định; Bí thư Huyện ủy Châu Thành, tỉnh Tây Ninh; Bí thư Huyện ủy Dương Minh Châu; Tỉnh ủy viên, phụ trách quân sự tỉnh, đồng thời phụ trách huyện Châu Thành và Thị xã, thuộc Đảng bộ Tây Ninh.

Tháng 8.1959, ông bị địch bắt. Rạng sáng ngày 12.3.1960, địch bí mật hành hình ông bằng máy chém theo Luật 10/59 tại ấp Tam Hạp, Trảng Lớn (nay là ấp Suối Muồn, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh).

Năm 1962, Tỉnh ủy Tây Ninh đã quyết định lấy tên ông đặt cho một ngôi trường và một xưởng in trong vùng giải phóng. Sau năm 1975, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công, Huân chương kháng chiến hạng Nhất, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Độc lập hạng Nhất cho liệt sĩ Hoàng Lê Kha.

Phương Ngân- Lê Quy- Trúc Linh

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục