Thời Sự - Chính trị   Việt Nam - Thế giới

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Việt Nam bất bình trước quyết định không công bằng của EU

Cập nhật ngày: 24/12/2009 - 06:07

Công nghiệp da giày Việt Nam sử dụng trên 650.000 lao động, đa số là lao động nữ.

Ngày 23.12, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức họp báo quốc tế về quyết định ngày 22.12.2009 của Hội đồng châu Âu gia hạn áp thuế chống bán phá giá thêm 15 tháng đối với giày mũ da xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường châu Âu theo đề xuất của Uỷ ban châu Âu.

Tại cuộc họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh: Việt Nam rất bất bình trước quyết định này.

"Đây là một quyết định không công bằng, không hợp lý, không phản ánh đúng thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh mặt hàng này tại Việt Nam, đi ngược lại tinh thần tự do hoá thương mại mà Liên minh châu Âu vẫn thúc đẩy", Người phát ngôn nói.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh, việc Uỷ ban châu Âu xác định mặt hàng giày mũ da của Việt Nam bán phá giá là "không phán ánh đúng bản chất vụ việc".

Cũng theo Người phát ngôn Nguyễn Phương Nga và Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh, quyết định này không chỉ ảnh hưởng bất lợi tới những người lao động nghèo tại một quốc gia đang phát triển còn nghèo như Việt Nam, làm giảm hiệu quả các nỗ lực của châu Âu trong hợp tác với Việt Nam xoá đói giảm nghèo, mà còn gây thiệt hại cho các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối, bán lẻ và người tiêu dùng châu Âu.

Dẫn chứng về những thiệt hại nặng nề do việc áp dụng thuế chống bán phá giá của Uỷ ban châu Âu, Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh cho biết ngành công nghiệp da giày Việt Nam sử dụng trên 650.000 lao động, với đa số là lao động nữ.
Kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam vào thị trường châu Âu hiện đã giảm sút đáng kể. Trong 9 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch giày dép xuất khẩu của Việt Nam vào Liên minh châu Âu ước đạt 1,6 tỷ USD, giảm 11,2 % so với cùng kỳ năm 2008.

Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh cũng nhắc lại quan điểm của đa số nước thành viên châu Âu tại cuộc họp của Uỷ ban tư vấn chống bán phá giá ngày 19.11.2009. Khi đó, các chuyên gia của Uỷ ban tư vấn chống bán phá giá của EU nhất trí không có lý do nào để tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với hàng giày mũ da Việt Nam.

"Trong khi Việt Nam đang làm hết sức để tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư châu Âu, cũng như thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác từ các nước châu Âu, quyết định của Hội đồng châu Âu đang gây quan ngại không chỉ trong các doanh nghiệp Việt Nam mà cả trong các nhà đầu tư, các đối tác kinh doanh hiện tại và tiềm năng của Việt Nam", Thứ trưởng nói.

(Theo chinhphu.vn)