Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Việt Nam dần tiến vào top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới
Chủ nhật: 01:15 ngày 08/09/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP (PPP) - GDP theo sức mua tương đương của Việt Nam đạt khoảng 2.343 tỷ USD vào năm 2029. Nếu giữ đà tăng trưởng khoảng 7%/năm, chỉ sau 5 năm nữa nước ta bước vào top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Khi đó, Việt Nam sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Không ngừng phấn đấu

"Đại hội XIV của Đảng sẽ là dấu mốc quan trọng trên con đường phát triển của đất nước và dân tộc. Đại hội cũng sẽ quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong 5 năm tới (2026-2030), tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2021 - 2030); hướng tới mốc son 100 năm đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; tạo nền tảng để hiện thực hóa tầm nhìn đến năm 2045, khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (XHCN)" - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư hôm 30/8, cho ý kiến vào các dự thảo văn kiện cho Đại hội XIV của Đảng để chuẩn bị trình Hội nghị T.Ư 10 khóa XIII.

Tại cuộc họp này, Bộ Chính trị cơ bản nhất trí những báo cáo, nhận định, đánh giá đã được tổng kết, đặc biệt tổng kết 40 năm đổi mới là đầu vào quan trọng cho việc xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng yêu cầu cân nhắc làm rõ, sâu sắc hơn một số vấn đề cụ thể; đồng thời cần thống nhất nhận thức về bối cảnh mới đang mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam sau 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, nhất là sau 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ đó đổi mới mạnh mẽ hơn nữa.

Việt Nam xếp thứ 6 về tốc độ tăng trưởng ở châu Á. Ảnh: TTXVN

Tinh thần là nhìn thẳng vào sự thật, không tô hồng, không bôi đen, đánh giá chính xác kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm và nguyên nhân, nhất là những điểm nghẽn, nút thắt đối với sự phát triển của đất nước chưa được hoặc chậm được tháo gỡ, khắc phục; tiếp tục kiên định sự nghiệp đổi mới đất nước. Tại lễ kỷ niệm 79 năm ngày Quốc khánh (02/9/1945 - 02/9/2024) tối 29/8, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), khát vọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhắc lại.

Trong bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh rằng từ một nền kinh tế lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên lọt vào 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong top 20 quốc gia trên thế giới, là mắt xích quan trọng trong 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu.

Từ một đất nước bị bao vây cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các thành viên Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, các nước lớn, là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế. "Lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân là mục tiêu phấn đấu, Việt Nam được Liên Hiệp Quốc và bạn bè quốc tế xem như một câu chuyện thành công, một điểm sáng về xóa đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân" - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định.

Dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chèo lái con thuyền Cách mạng, đưa đất nước Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh, lập nên nhiều kỳ tích. Trong bối cảnh tình hình thế giới có những cơ hội, song cũng xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phát huy tinh thần "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc", lấy đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế trong sáng làm động lực, huy động mạnh mẽ sức dân, gắn kết chặt chẽ ý Đảng với lòng dân làm nền tảng.

Một lần nữa, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Nhất định Việt Nam sẽ tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, không ngừng phấn đấu, đóng góp nhiều hơn nữa duy trì hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới".

Cơ sở để tiến vào kỷ nguyên mới

Số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ghi nhận, năm 2023, GDP (PPP) - GDP theo sức mua tương đương - của Việt Nam đạt khoảng 1.438 tỷ USD, xếp thứ 25/192 trên thế giới. GDP bình quân (PPP) đầu người Việt Nam đạt khoảng 14.342USD, xếp thứ 108/192 trên thế giới. IMF dự báo, giai đoạn 2024 - 2029, quy mô GDP (PPP) và GDP bình quân (PPP) đầu người của nước ta liên tục cải thiện thứ hạng trong bảng xếp hạng thế giới. Kết thúc năm 2024, IMF dự báo GDP (PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD, xếp thứ 25/192 trên thế giới và GDP bình quân (PPP) đầu người được dự báo đạt khoảng 15.470USD, xếp thứ 107/192.

Hiện quy mô GDP (PPP) Việt Nam xếp dưới 2 quốc gia Úc và Ba Lan, nhưng IMF dự báo Việt Nam sẽ vượt vào năm 2029 với con số tuyệt đối đạt khoảng 2.343 tỷ USD. Nếu đạt được con số này, chỉ sau 5 năm nữa Việt Nam sẽ bước vào top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nằm trong top gồm Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, Đức, Nga, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Pháp, Mexico, Ý, Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út, Tây Ban Nha, Canada, Ai Cập và Bangladesh.

Những con số dự báo thống kê này là cơ sở để Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đưa ra dự báo chiến lược cho tình hình kinh tế - xã hội của nước ta, nhất định Việt Nam sẽ tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Vượt qua thời kỳ hậu Covid-19 và những bất ổn địa chính trị gần đây, kinh tế Việt Nam năm 2023 vẫn ghi nhận phục hồi chậm, nhưng đến năm 2024, riêng Việt Nam vẫn duy trì ổn định vĩ mô, lạm phát không quá cao và tốc độ phục hồi kinh tế đang khá tốt.

Theo đó, GDP quý II/2024 đạt 6,93%, vượt kịch bản tại Nghị quyết 01 của Chính phủ (5,5 - 6%) khiến cho các tổ chức quốc tế thấy rõ khả năng hồi phục và đưa ra những dự báo lạc quan hơn mục tiêu mà Việt Nam đề ra, tăng trưởng cả năm xoay quanh 7%. Dự báo lạc quan đó cho thấy quy mô nền kinh tế đã lớn hơn nhiều, phản ánh sự phục hồi và cái nhìn tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong những thập niên tới.

Khát vọng trở thành một quốc gia thịnh vượng

Trừ 2 năm chìm trong đại dịch Covid-19, bằng những quyết sách đúng đắn, những thay đổi về thể chế nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển, quy mô nền kinh tế Việt Nam đã tăng hơn 100 lần trong 4 thập niên, từ 4 tỷ USD lên 430 tỷ USD vào năm 2023, đưa nước ta vào nhóm các nước trung bình cao, từng bước thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực trong quá trình thực hiện khát vọng trở thành một quốc gia thịnh vượng, để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Việt Nam là quốc gia hội nhập rất nhanh với nền kinh tế toàn cầu. Với 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) gắn kết với 60 nền kinh tế lớn và phát triển ở khu vực và toàn cầu, trong đó có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vứng. Nhờ đó đã mở ra nhiều thị trường trên toàn cầu để hàng hóa Việt Nam có mặt trên khắp thế giới; đồng thời cũng mở ra cơ hội thu hút dòng vốn FDI, khi Việt Nam đang được xem là một điểm đến khá hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Hầu hết các kênh dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đều cho rằng, duy trì được tốc độ tăng trưởng ở mức 7%/năm, chỉ trong vòng 10 đến 15 năm nữa, quy mô nền kinh tế sẽ ở mức rất lớn và khả năng vượt qua nhiều nước như IMF dự báo. Khi đó, thu nhập của người dân cũng sẽ tăng hơn nhiều, Việt Nam có thể bước vào nhóm quốc gia có thu nhập cao.

Cơ chế, pháp luật có thể sẽ là trở ngại lớn đối với việc hiện thực hóa khát vọng Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 - Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra nhận định này từ năm 2022. Thực tế, các quy định, khung pháp lý của Việt Nam còn chưa đồng bộ, chồng chéo, từ đó cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp trong nước khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo dù đã có nhiều chính sách khuyến khích nhưng đi vào thực tế còn hạn chế, chưa tạo nên làn sóng mới, mạnh mẽ để bứt phá.

Do vậy, điều cần thiết ngay từ bây giờ là phải tạo ra cơ chế, chính sách thông thoáng, cởi mở hơn và đồng bộ từ các cấp, các ngành để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có sự bứt phá, dám nghĩ dám làm. Một khi cộng đồng doanh nghiệp thật sự lớn mạnh, phát triển bền vững thì tất nhiên quy mô nền kinh tế sẽ tăng nhanh, thu nhập của người lao động tăng theo và quy mô nền kinh tế cũng tăng nhanh.

Nguồn CATP

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục