Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Việt Nam đóng góp nhiều ý kiến quan trọng thúc đẩy hợp tác ASEAN
Thứ hai: 15:46 ngày 08/05/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Theo Đại sứ Nguyễn Hải Bằng, từ khi gia nhập ASEAN đến nay, Việt Nam luôn là một thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm, sẵn sàng dẫn dắt, đóng góp lớn cho sự phát triển của ASEAN đặc biệt trong việc xây dựng cộng đồng.

Đại sứ Nguyễn Hải Bằng. Ảnh tư liệu: Văn Phong/PV TTXVN tại Jakarta

Theo Đại sứ Việt Nam tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Nguyễn Hải Bằng, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 diễn ra từ ngày 9-11/5 tới tại khu nghỉ dưỡng Labuan Bajo của Indonesia sẽ là bước phát triển quan trọng của các nước khu vực trong việc thực hiện các cố gắng, nỗ lực phối hợp, hợp tác, hành động xây dựng Cộng đồng ASEAN; thảo luận các lĩnh vực ưu tiên hợp tác trên cả 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội; đồng thời thúc đẩy xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2045.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Jakarta, Đại sứ Nguyễn Hải Bằng cho biết, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 được tổ chức ở Phnom Penh, Campuchia, vào năm ngoái, các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí trao quy chế quan sát viên cho Timor Leste và xây dựng lộ trình để đưa nước này trở thành thành viên chính thức của ASEAN. Do vậy, lãnh đạo Timor Leste sẽ lần đầu tiên tham dự với tư cách quan sát viên trong tất cả các hội nghị và các hoạt động của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này.

Đại sứ Nguyễn Hải Bằng khẳng định rằng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu và lãnh đạo các bộ/ngành có nhiều hoạt động hợp tác đa phương trong khuôn khổ ASEAN sẽ tham dự hội nghị và sẽ có những đóng góp tích cực, cụ thể vào những nỗ lực chung của ASEAN trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN từ nay đến năm 2025, cũng như xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN trong vòng 20 (từ năm 2025 đến năm 2045).

Hội nghị sẽ là cơ hội để các nhà lãnh đạo trao đổi, định hướng sự phát triển của ASEAN trong thời gian tới nhằm ứng phó với những khó khăn, thách thức đang đối mặt, củng cố đoàn kết nội khối, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, cũng như tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nỗ lực phục hồi của cả hiệp hội nói chung, của từng thành viên nói riêng. Đây cũng là lý do khiến chủ nhà Indonesia đã chọn chủ đề của năm 2023 là “Một ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm của Tăng trưởng”, nhằm phản ánh vai trò của ASEAN trong khu vực, đồng thời nói lên nguyện vọng chung của ASEAN về phát triển hòa bình, thịnh vượng và hài hòa, qua đó trở thành một khu vực kinh tế phát triển nhanh, bao trùm và bền vững, phù hợp với tinh thần hợp tác chung và thực hiện Hiến chương ASEAN.

Với chương trình làm việc dày đặc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự các phiên họp, góp phần tăng cường đoàn kết, đồng thuận trong ASEAN, thông qua đó đề cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong ASEAN và trên các diễn đàn quốc tế. Trong thời gian hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng sẽ có các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước ASEAN khác nhằm tăng cường hợp tác với mỗi nước.

Về chương trình nghị sự và các kết quả được mong đợi từ hội nghị, Đại sứ Nguyễn Hải Bằng nêu rõ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 là sự kiện quan trọng để các nước trao đổi triển khai những ưu tiên trọng tâm trong năm 2023, bao gồm thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi; nâng cao năng lực và hiệu quả thể chế của ASEAN; ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia, tự cường y tế, ổn định tài chính-kinh tế.

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ hội nghị, lãnh đạo các nước ASEAN sẽ có cuộc gặp với Nhóm đặc trách cấp cao (HLTF) về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025. Các lãnh đạo ASEAN sẽ nghe báo cáo của nhóm đặc trách về tiến độ xây dựng tầm nhìn của ASEAN, đồng thời trao đổi và sẵn sàng định hướng cho giai đoạn phát triển mới của hiệp hội sau gần 2 thập niên kể từ khi Hiến chương ASEAN ra đời.

Ngoài ra, cũng theo thông lệ hằng năm, lãnh đạo các nước ASEAN cũng sẽ có các cuộc gặp với đại diện Hội đồng liên nghị viện ASEAN (ASEAN-AIPA), Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC), đại diện thế hệ trẻ ASEAN (ASEAN Youth). Các hội nghị này sẽ là dịp để ASEAN nỗ lực hơn nữa trong việc tạo cầu nối giữa các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và chính phủ; tạo sự đồng thuận, ủng hộ đối với hợp tác ASEAN; tăng cường hiểu biết và gắn bó giữa nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp các nước, hướng tới một Cộng đồng ASEAN dựa trên luật pháp, thực sự hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm.

Một trong những nội dung quan trọng nữa mà các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ thảo luận là các biện pháp nhằm triển khai hiệu quả Đồng thuận 5 điểm về Myanmar. Tại các hội nghị cấp cao vào năm ngoái, các nhà lãnh đạo ASEAN đã đánh giá rằng việc thực hiện Đồng thuận 5 điểm chưa có nhiều tiến triển. Vì vậy, đây cũng sẽ là một ưu tiên cao của ASEAN và Việt Nam sẵn sàng tích cực tham gia vào tiến trình này.

Dự kiến tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ thông qua 3 Tuyên bố chung về hướng đến Tầm nhìn Cộng đồng sau năm 2025; tăng cường năng lực và hiệu quả thể chế của ASEAN; và phòng chống nạn buôn bán người dưới tác động của lạm dụng công nghệ.

Theo Đại sứ Nguyễn Hải Bằng, từ khi gia nhập ASEAN đến nay, Việt Nam luôn là một thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm, sẵn sàng dẫn dắt, đóng góp lớn cho sự phát triển của ASEAN đặc biệt trong việc xây dựng cộng đồng. Những đóng góp của Việt Nam trong những năm qua ngày càng được các nước thành viên khác trong ASEAN đánh giá cao và ghi nhận, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong ASEAN. Trong bối cảnh ấy, sự tham gia của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại hội nghị lần này hết sức quan trọng, với tinh thần góp phần tìm tiếng nói chung của ASEAN trong những vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, đồng thời ghi nhận và tôn trọng những sự khác biệt có thể có về quan điểm và lợi ích quốc gia giữa các thành viên.

Cụ thể, về xây dựng Cộng đồng ASEAN, Việt Nam sẽ đóng góp, ủng hộ các sáng kiến nhằm nâng cao năng lực thể chế và hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong ASEAN, rà soát quá trình thực hiện Hiến chương ASEAN, điều chỉnh cho phù hợp hơn với thực tiễn và tình hình mới. Việt Nam cùng với các nước ASEAN khác cũng sẽ đóng góp hiệu quả về việc xây dựng tầm nhìn của ASEAN sau năm 2025. Mục tiêu là đảm bảo nỗ lực xây dựng cộng đồng của ASEAN được triển khai nhịp nhàng, hiệu quả trên cả 3 trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Đây chính là sáng kiến được Việt Nam khởi xướng năm 2020 khi làm Chủ tịch ASEAN và vẫn được các Chủ tịch tiếp theo duy trì thực hiện cho đến nay.

Các vấn đề quốc tế và khu vực đang nổi lên hiện nay cũng sẽ là mối quan tâm rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến ASEAN. Nhiệm vụ của đoàn Việt Nam là phải góp ý kiến, góp tiếng nói, đề xuất sáng kiến nhằm xây dựng lập trường chung, bảo đảm đoàn kết, thống nhất của ASEAN. Chỉ có như vậy mới duy trì được vai trò trung tâm, hình ảnh của ASEAN trên các diễn đàn quốc tế. Phát huy tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm, linh hoạt và sáng tạo, đoàn Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu sẽ tham gia đóng góp nhiều ý kiến quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác ASEAN, góp phần vào thành công chung của hội nghị.

Nguồn TTXVN

Tin cùng chuyên mục