Theo phóng viên tại Malaysia, trong hai ngày 2 đến 3-9, Hội nghị quốc tế về Biển Đông lần thứ ba do Viện Nghiên cứu Biển Malaysia (MIMA) tổ chức đã diễn ra tại thủ đô Kuala Lumpur, thu hút sự tham gia của 160 học giả, chuyên gia nghiên cứu, các nhà ngoại giao đến từ gần 20 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Với chủ đề ''Thúc đẩy sử dụng bền vững Biển Đông trong bối cảnh biến chuyển địa chiến lược trong khu vực," hội nghị đã tập trung vào năm phần chính, bao gồm tác động của những biến chuyển địa - chính trị khu vực và quốc tế đến tình hình Biển Đông, các biện pháp tăng cường hợp tác bảo vệ nguồn tài nguyên, những thách thức an ninh ở Biển Đông, các tranh chấp và giải pháp, và biện pháp ứng phó với các thách thức.
Khai mạc hội nghị, Vụ trưởng Vụ Biển Bộ Ngoại giao Malaysia, ông Zulkifli Adnan đã nhấn mạnh tầm quan trọng về thương mại, hàng hải, tài nguyên và môi trường của Biển Đông, đề cập đến các nhân tố chiến lược có tác động đến vấn đề Biển Đông và tình hình Biển Đông nói chung.
Ông cho rằng mỗi khi có quốc gia ứng xử thô bạo ở Biển Đông, các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lại trở nên đoàn kết hơn, tăng cường tiếng nói chung trong vấn đề Biển Đông, điển hình như thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 47 tại Myanmar vừa qua, việc ASEAN thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Theo ông, việc ASEAN và Trung Quốc nhất trí sớm kết thúc đàm phán COC là tín hiệu tích cực, ASEAN và Trung Quốc cần duy trì đà tích cực này.
Tại hội nghị, các học giả và chuyên gia nghiên cứu đến từ Malaysia, Singapore, Mỹ, Trung Quốc, Philippines, Australia và Việt Nam đã trình bày tham luận, chia sẻ thông tin và đưa ra những đề xuất, biện pháp cụ thể nhằm khai thác bền vững Biển Đông, tăng cường an ninh và hợp tác khu vực, góp phần bảo đảm hòa bình và ổn định ở khu vực giàu tài nguyên này.
Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về những nhân tố chiến lược có tác động đến tình hình Biển Đông, các biện pháp tăng cường hợp tác và quản lý hiệu quả tài nguyên ở Biển Đông, cũng như đối phó với những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Các đại biểu nhất trí rằng các nước trong khu vực cần tăng cường hợp tác để quản lý tốt hơn và bảo đảm hòa bình và ổn định ở Biển Đông trong thời gian tới.
Trao đổi với phóng viên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao Nguyễn Hùng Sơn cho biết, hội nghị lần này đã đi vào thảo luận thực chất và sau hội nghị, tất cả các đại biểu tham dự đã nhận thức rõ hơn các nhân tố chiến lược tác động đến tình hình Biển Đông, các bên có liên quan đến vấn đề Biển Đông, phương hướng thúc đẩy hợp tác thời gian tới, trong đó bao gồm cả hợp tác giữa các nước có yêu sách trực tiếp về Biển Đông, các nước không có yêu sách nhưng có lợi ích trực tiếp trong việc đảm bảo duy trì hòa bình ổn định, và lợi ích của các nước bên ngoài khu vực trong việc đảm bảo môi trường chiến lược, đảm bảo sự ổn định chung của an ninh khu vực cũng như an ninh Biển Đông nói riêng.
Ông Sơn cũng cho biết, tham gia hội nghị, đoàn Việt Nam đã đóng góp quan điểm của Việt Nam về vấn đề kiểm soát tốt hơn tình hình Biển Đông, đưa ra các kiến nghị cụ thể để các bên tăng cường tuân thủ luật pháp quốc tế trong thời gian tới, xây dựng lòng tin chiến lược đối với tất cả các bên trong khu vực, và tăng cường hợp tác để cùng bảo đảm hòa bình và ổn định chung trên Biển Đông thông qua các sáng kiến cụ thể.
Nguồn TTXVN