BAOTAYNINH.VN trên Google News

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:

Việt Nam hướng tới mục tiêu sớm trở thành nước có thu nhập trung bình cao 

Cập nhật ngày: 28/03/2021 - 22:52

BTNO - Trong ngày làm việc thứ 2, Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức, tại điểm cầu chính của Trung ương (tại phòng họp Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu chuyên đề “Những nội dung cốt lõi trong Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm, 2021-2030 và Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020.

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc tại điểm cầu truyền hình Hội trường A Tỉnh ủy Tây Ninh.

Thủ tướng Chính phủ nhắc lại chủ đề Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm đã được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng thông qua là khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con ngưòi Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phấn đấu đến năm 2030 là nưóc đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Trong đó, quan điểm phát triển nhanh và bền vững dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế.

Cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả. Phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thật sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự cường và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con ngưòi là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững.

10 lĩnh vực trọng tâm.

Xây dựng nền kinh tế tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế. Phải hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới có tính tự chủ, tham gia hiệu quả, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu và khả năng chống chịu trước các tác lộng lớn, bất thường từ bên ngoài.

Chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với cũng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển kinh tế phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Thủ tướng dẫn chứng một số chỉ tiêu chủ yếu, về kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD/người. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%. Tổng đầu tư xã hội bình quân đạt 33 - 35% GDP. Nợ công không quá 60% GDP.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu những nội dung cốt lõi trong Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội.

Về xã hội, tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%. Tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 20%.

Về môi trường, tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%. Tỷ lệ xử lý và táỉ sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đạt trên 70%. Giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính. 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường.  Tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3 - 5% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến 10 lĩnh vực trọng tâm trong phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp, gồm thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; nguồn nhân lực và giáo dục đào tạo; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng v.v…

Đại Dương