Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Việt Nam – Israel: Chung tay làm nên điều kỳ diệu
Thứ tư: 10:20 ngày 22/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
“Quân tử sỉ kỳ ngôn, nhi quá kỳ hành”, với ý nghĩa rằng người quân tử sẽ thấy hổ thẹn khi lời nói không đi đôi với việc làm. Israel, Việt Nam sẽ nói ít hơn và chung tay làm với nhau được nhiều hơn nữa.

Đó là thông điệp mà Tổng thống Israel Reuven R.Rivlin muốn gửi gắm tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Israel được tổ chức sáng 21/3 tại Hà Nội. Diễn đàn có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc và hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam và Israel.

Những “cây tùng, bách trong giông bão”

“Thật khó tin rằng chúng tôi mới đến Việt Nam được hai ngày, bởi hai ngày qua dường như là một khoảng thời gian khá dài. Ngày hôm qua, tôi đã gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Chúng tôi đã cùng nhau trao đổi về hoạt động và cách thức hợp tác giữa hai quốc gia”, Tổng thống Reuven R.Rivlin chia sẻ ngay đầu bài phát biểu của mình.


 Tổng thống Israel Reuven Ruvi Rivlin phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tổng thống bày tỏ niềm hãnh diện và vinh dự khi được biết nhiều về đất nước và con người Việt Nam. Càng tìm hiểu nhiều về Việt Nam, Tổng thống càng nhận thấy người Việt Nam và Israel có nhiều nét tương đồng. Tổng thống chia sẻ, ông sinh ra và lớn lên ở Jerusalem. Ngày còn thơ ấu, nhà nước Israel cũng chưa ra đời, Jerusalem chưa to lớn và rộng lớn như ngày nay, không có đường xá, ô tô nhưng quanh đó rất nhiều cây cối.

Ngay ngoài cửa sổ nhà ông là một cây thông Jerusalem. Jerusalem vô cùng lạnh lẽo vào mùa đông và trong những đêm mưa gió bão bùng, lên giường ngủ ông lắng nghe tiếng gió thét gào ngay phía cửa sổ và băn khoăn tự hỏi rằng liệu cây thông đó có thể tồn tại được qua đêm bão hay sáng dậy cây đã đổ cành và đã gẫy. Nhưng ơn Chúa, cây thông đó vẫn sống qua mỗi đêm giông gió, đã trở thành biểu tượng của sự bền bỉ, dẻo dai.

Khi tới Việt Nam, Ngài Tổng thống nhớ tới hình ảnh cây thông đó. Tổng thống cũng nhớ tới Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở người Việt Nam nên ghi nhớ một điều rằng chính bão tố là cơ hội để cây tùng, cây bách vững chãi hơn. “Đối với tôi -  người sinh ra và lớn lên ở vùng đất có cả cây tùng, cây bách - thì Hồ Chí Minh nói vậy cũng đúng với Israel”, Tổng thống Reuven R.Rivlin nói.

Chung tay vượt qua khó khăn, thử thách

“Chúng ta thấu hiểu những vất vả, khó khăn khi phải đấu tranh giành quyền độc lập. Hiện là lúc các nước mạnh trong khu vực thể hiện vai trò của mình. Việt Nam chính là một quốc gia mạnh ở khu vực, đã đến lúc thời điểm dành cho Việt Nam khi kinh tế tăng trưởng mau lẹ”, Tổng thống Reuven R.Rivlin nhấn mạnh.

Phó Cục trưởng Cục Thương mại nước ngoài, Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel: "Israel có thể tạo ra một môi trường khởi nghiệp nhờ sự kết hợp của ba yếu tố: nguồn lực con người mạnh; công nghệ mạnh, các doanh nghiệp thực sự đầu tư vào tri thức, nghiên cứu và phát triển; tài chính mạnh - Israel thành công trong việc thu hút các nhà đầu tư. Chúng tôi biết chớp cơ hội để doanh nghiệp Israel có lợi nhuận.”

Tổng thống bày tỏ niềm vui mừng khi giao thương giữa hai nước đã tăng mạnh trong chỉ ít năm qua. Mối quan hệ thương mại ngày một đa dạng trên nhiều lĩnh vực từ công nghệ xử lý nước, thủy lợi, nông nghiệp, công nghệ sữa, cho tới quốc phòng, thiết bị y tế, giáo dục,...

Theo Tổng thống, dù hai bên hài lòng về sự tăng trưởng trong quan hệ này, nhưng hai phía vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa và hoàn toàn có thể hy vọng về tương lai tốt đẹp hơn. "Hai nước cùng nỗ lực sẽ mang lại lợi ích cho toàn nhân loại. Hai nước có tầm nhìn, viễn kiến và điều hai bên cần làm là đưa chúng phát triển hơn", ông nói.

Tổng thống Reuven R.Rivlin cho rằng nếu sử dụng công nghệ Israel để nâng cấp cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, chúng ta có thể đảm bảo an ninh lương thực cho hàng triệu người trên khắp thế giới. Nếu chung tay, mọi khó khăn, thách thức, cơ hội cùng nhau sẻ chia, Việt Nam, Israel có thể ứng phó với những thách thức toàn cầu. Tổng thống mong muốn Hiệp định thương mại tự do (FTA) Israel - Việt Nam sớm được ký kết và có nhiều công ty Việt Nam đầu tư vào các dự án chung của hai nước.

Dẫn đầu đoàn đại biểu “độc nhất vô nhị” - gồm lãnh đạo trong tất cả các lĩnh vực công nghiệp và kinh doanh của Israel đến Việt Nam, Tổng thống Reuven R.Rivlin  mong muốn gửi tới một thông điệp rằng Israel tới Việt Nam để cùng chung tay phát triển hai nền kinh tế trong một mối quan hệ tốt đẹp, vì lợi ích của người dân hai nước. Israel là đất nước nhỏ bé nhưng lại là một phòng thí nghiệm toàn cầu. Con người Israel đã bù đắp lại những thiếu thốn về nguồn tài nguyên và trở thành một dân tộc khởi nghiệp hay một dân tộc đổi mới sáng tạo. Israel mong muốn truyền cảm hứng đó tới Việt Nam. Hiện nay, một số sinh viên Việt Nam đã theo học nông nghiệp, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, truyền thông ở Israel.

Ngài Tổng thống kết thúc những chia sẻ của mình bằng câu ngạn ngữ:  “Quân tử sỉ kỳ ngôn, nhi quá kỳ hành”, với ý nghĩa rằng người quân tử sẽ thấy hổ thẹn khi lời nói không đi đôi với việc làm. “Đó là những gì chúng tôi ghi nhận từ tổ tiên của chúng tôi, không nói nhiều nhưng đã làm được rất nhiều. Israel, Việt Nam sẽ nói ít hơn và chung tay làm với nhau được nhiều hơn nữa”, Tổng thống nhấn mạnh.


Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ tại Diễn đàn. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Học hỏi và hợp tác

Chia sẻ tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kể rằng cách đây hơn một năm ông đã có vinh dự được đến thăm đất nước Israel. Chuyến thăm đã để lại trong ông những ấn tượng tốt đẹp. Là một đất nước không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, với hơn một nửa diện tích là sa mạc, lượng mưa hàng năm rất ít, chỉ đáp ứng được ½ nhu cầu nước sinh hoạt nhưng Israel lại là nước có thu nhập bình quân vào loại cao nhất thế giới và là nước xuất khẩu lớn các sản phẩm nông nghiệp. Thành công này có được là nhờ Israel ứng dụng hiệu quả những thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ trong mọi lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

Theo Phó Thủ tướng, Israel có nhiều điều để Việt Nam học hỏi, đặc biệt là cách người Israel khởi nghiệp và cách họ sử dụng tài nguyên cũng như cách họ đoàn kết vượt qua khó khăn. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam luôn rộng mở chào đón các doanh nghiệp Israel và hai phía còn rất nhiều tiềm năng có thể chung tay khai thác. Đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam, Israel có cơ hội tiếp cận với thị trường hơn 90 triệu dân, và thị trường ASEAN rộng lớn cũng như hàng chục quốc gia khác mà Việt Nam đã cũng như sẽ có hiệp định thương mại tự do song phương.

Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới 2016-2020 với kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng cao hơn và kiểm soát tốt hơn lạm phát. Năm 2016, tỷ lệ tăng trưởng GDP đạt 6,2%. Kim ngạch thương mại của Việt Nam với các nước năm 2016 đạt 359 tỷ USD, tăng bình quân gần 20%/năm trong suốt 20 năm qua. Với hơn 22.000 dự án đầu tư trực tiếp của hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đang hoạt động trên tổng số vốn đầu tư lên đến hơn 290 tỷ USD, Việt Nam hiện đang là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Chủ tịch Hiệp hội các Nhà sản xuất Israel Shraga Brosh: "Việt Nam đang tăng trưởng bùng nổ và chúng tôi mong muốn sẽ trở thành một phần của sự bùng nổ này và sự hợp tác có thể mang lại lợi ích cho cả hai bên. Israel có trong tay “nguyên liệu” mà Việt Nam cần trong thời điểm này để phát triển. Các doanh nghiệp Israel có nhiều tri thức họ đúc kết được trong nhiều năm và họ hoàn toàn có thể chia sẻ với doanh nghiệp Việt Nam".

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác với Israel trong các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghệ cao, công nghệ quốc phòng, đào tạo nguồn nhân lực và chia sẻ kinh nghiệm về khởi nghiệp, bởi Israel có danh tiếng của một quốc gia khởi nghiệp. Chính phủ Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Israel vào tìm kiếm kinh doanh, hợp tác đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, nông nghiệp, an  ninh quốc phòng, thương mại và đầu tư.

“Tôi mong rằng, doanh nghiệp sẽ là cầu nối hiệu quả giữa hai nền kinh tế để phát huy thế mạnh của mình, bổ sung và hỗ trợ cho nhau phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế của mỗi nước. Các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò đầu tàu trong việc nâng tầm hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước, góp phần củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Israel”, Phó Thủ tướng nói. 

Nguồn baoquocte

Tin cùng chuyên mục