Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Kỳ vọng phát triển mạnh mẽ và năng động là chia sẻ của Đại sứ Mexico tại Việt Nam Sara Valdes Bolaño trong cuộc phỏng vấn với TG&VN, nhân dịp kỷ niệm 43 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (19/5/1975 – 19/5/2018)
Trả lời phỏng vấn, Đại sứ Sara Valdes Bolaño đã điểm lại những thành tựu hợp tác nổi bật giữa hai nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục… cũng như trong các cơ chế đa phương như APEC, CPTPP. Trên cơ sở đó, bà bày tỏ sự tin tưởng vào triển vọng phát triển tốt đẹp quan hệ Việt Nam – Mexico trong tương lai.
Thưa Đại sứ, Việt Nam và Mexico sắp trải qua dấu mốc 43 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (19/5/1975 - 19/5/2018). Xin Đại sứ chia sẻ những nhận định của mình về quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua và những kỳ vọng về mối quan hệ này trong thời gian tới?
Quan hệ ngoại giao Việt Nam – Mexico đã trải qua một quá trình dài kể từ năm 1975. Chúng ta đang chuẩn bị bước vào năm thứ 44 với mối quan hệ kinh tế và đối thoại chính trị mạnh mẽ. Trong thời gian gần đây, hai nước đã trao đổi nhiều chuyến thăm cấp cao quan trọng.
Tháng 11/2017, Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto thăm Việt Nam và tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng. Trong khuôn khổ chuyến thăm này, Tổng thống Mexico đã tiếp xúc song phương với Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào ngày 9/11/2017. Hai nhà lãnh đạo thống nhất sẽ thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực mà hai nước cùng quan tâm, bao gồm đàm phán các thỏa thuận song phương.
Tháng 1/2018, nhóm nghị sĩ Mexico, dẫn đầu bởi Chủ tịch Thượng viện Ernesto Cordero, đã đến Hà Nội và hội kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Trong các cuộc gặp này, hai bên đều đánh giá cao mối quan hệ song phương tốt đẹp trên khía cạnh hành pháp và lập pháp, đồng thời thảo luận các cách thức để tiếp tục thúc đẩy hợp tác. Trước đó, năm 2016, hai nước đã tổ chức Phiên tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao lần thứ 4.
Mexico và Việt Nam chia sẻ cam kết chung mạnh mẽ đối với chính sách đa phương hóa, hội nhập quốc tế cũng như việc hợp tác giải quyết các vấn đề toàn cầu, trên cơ sở những lập trường chung và sự hỗ trợ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế. Điều này đã mở ra các lĩnh vực hợp tác mới như Chương trình nghị sự Phát triển bền vững 2030, biến đổi khí hậu, di cư, quản lý thảm họa và một số vấn đề khác trong chương trình nghị sự toàn cầu.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mexico Enrique Peña Nieto trong cuộc gặp song phương chiều 9/11/2017 tại Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, hai nước cũng hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục và du lịch, góp phần vào sự hiểu biết lẫn nhau, nâng cao quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam – Mexico.
Đại sứ quán Mexico tại Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với một số trường đại học Việt Nam nhằm thúc đẩy việc giảng dạy tiếng Tây Ban Nha cũng như nâng cao sự hiểu biết của sinh viên về đất nước Mexico. Tháng Tư vừa qua, Veracruz - một nhóm nhạc nổi tiếng quốc tế của Mexico – tham gia trình diễn tại Festival Huế lần thứ 10. Năm 2017, Thông tấn xã Mexico (NOTIMEX) và Thông tấn xã Việt Nam đã gia hạn thỏa thuận hợp tác, qua đó nâng cao sự trao đổi và tiếp cận thông tin giữa hai nước.
Trong khi đó, số lượng khách du lịch Việt Nam đến Mexico duy trì ổn định, với khoảng 4.000 lượt khách vào năm 2017. Ngày càng nhiều du khách Mexico đến Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam tăng cường quảng bá hình ảnh ra thế giới và nâng cao kết nối đường hàng không giữa Mexico và khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ở mức độ địa phương, Đại sứ quán Mexico luôn khuyến khích sự hợp tác chặt chẽ giữa phía Mexico và các tỉnh, thành phố lớn ở Việt Nam, minh chứng là tháng 12/2017, Mexico đã mở Lãnh sự quán danh dự tại TP. Hồ Chí Minh. Vì vậy, trong tương lai gần, tôi kỳ vọng quan hệ giữa Mexico và Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ và năng động hơn.
Đại sứ Mexico tại Việt Nam (trái) trả lời phỏng vấn báo Thế Giới & Việt Nam. (Ảnh: Quang Đào)
Việt Nam và Mexico đều là thành viên tích cực của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Xin Đại sứ cho biết, hai nước có thể tận dụng những điều kiện thuận lợi trên trong thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - chính trị song phương như thế nào?
Mexico và Việt Nam là hai quốc gia hoàn toàn tuân thủ dựa trên quy tắc của hệ thống thương mại đa phương. Chúng tôi tin rằng, thương mại tự do là cách thức giúp đẩy mạnh các cơ hội kinh tế cho người dân một cách bền vững và toàn diện. Những lợi ích chung này là tiền đề để phát triển các kênh liên kết song phương chặt chẽ hơn, không chỉ trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, mà còn cả trong giáo dục, khoa học và công nghệ, giao lưu văn hóa và du lịch trong những năm tới.
2017 là một năm cực kỳ quan trọng của ngoại giao Việt Nam với việc là chủ nhà và tổ chức rất thành công các hoạt động thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Qua việc tham gia sự kiện này, Mexico đánh giá cao sự tổ chức và vai trò lãnh đạo xuất sắc của Việt Nam, đồng thời rất ủng hộ và trân trọng nước chủ nhà bởi lòng hiếu khách và cách làm việc rất chuyên nghiệp.
Về CPTPP, Việt Nam và Mexico đều đồng lòng ủng hộ thương mại tự do và các bên sớm ký kết Hiệp định. Với hiệp định này, Việt Nam và Mexico chắc chắn sẽ đẩy mạnh hơn nữa thương mại và đầu tư song phương. Tôi rất vui khi Mexico là quốc gia đầu tiên phê chuẩn thỏa thuận này - vào tháng Tư vừa qua, qua đó khẳng định cam kết của Mexico với hiệp định này.
Ngoài ra, với sự giúp đỡ của Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế, Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Mexico, các cơ quan thương mại và đầu tư của chúng tôi đã có cuộc đối thoại mang tính xây dựng. Năm 2017, Việt Nam và Mexico đã tổ chức vòng đàm phán đầu tiên của Hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Tương tự như vậy, năm ngoái cả hai bên đã ký một Biên bản ghi nhớ về các Chỉ dẫn Địa lý. Việc tăng cường khung pháp lý kinh tế song phương sẽ mang lại sự đảm bảo và khuyến khích các doanh nghiệp ở cả hai nước tiếp tục thúc đẩy thương mại và đầu tư.
Mexico hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh. Xin Đại sứ cho biết, trong thời gian tới, hợp tác thương mại hai nước cần tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm nào?
Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Mexico đạt 4,8 tỷ USD vào năm 2017 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong tương lai bởi quy mô ngày một lớn mạnh của cả hai nền kinh tế.
Tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban hỗn hợp Hợp tác Kinh tế, Thương mại và Đầu tư, Mexico và Việt Nam đã xác định các cơ hội tăng cường hợp tác trong một số lĩnh vực chủ chốt như nông nghiệp và thực phẩm, sản phẩm y tế, dịch vụ.
Cả hai quốc gia đều là những địa điểm hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất chế tạo nhờ có lực lượng lao động trẻ và lành nghề. Chúng ta cần phải đặt mục tiêu tăng cường mối quan hệ thông qua việc tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau.
Bộ Nông nghiệp của cả hai quốc gia cũng đang phối hợp rất chặt chẽ để hướng tới một số thỏa thuận như: Biên bản ghi nhớ về Kiểm dịch thực vật, Biên bản ghi nhớ về Thú y và Kiểm dịch Động vật, Thỏa thuận Hợp tác về Nghề cá và Nuôi trồng Thủy sản.
Các nhà sản xuất thực phẩm Mexico và các nhà nhập khẩu Việt Nam đang chờ sự chấp thuận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để bắt đầu xuất khẩu thịt, nho và các loại rau quả khác sang Việt Nam; trong khi Việt Nam đã đệ trình các yêu cầu tương tự về việc xuất khẩu nông sản của mình sang Mexico. Hiện nay, Mexico là một trong những nước nhập khẩu phi-lê cá đông lạnh lớn nhất của Việt Nam và tổng kim ngạch nhập khẩu nông nghiệp từ Việt Nam đạt 167 triệu USD năm 2016.
Bên cạnh đó, Thỏa thuận tránh đánh thuế hai lần sẽ cho phép chúng ta thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực chính nêu trên, cũng như trong du lịch và công nghệ thông tin.
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Nguồn baoquocte