BAOTAYNINH.VN trên Google News

Việt Nam- một trong số ít nước châu Á tăng trưởng dương

Cập nhật ngày: 17/03/2009 - 09:50

Sụt giảm? 

Một ngày trước khi diễn ra Hội nghị kinh tế "Định vị Việt Nam trong tương lai" (diễn ra ngày 17 và 18.3, với sự tham gia của 300 đoàn DN trong và ngoài nước), ông Justin Wood, Giám đốc phụ trách Corporate Network tại khu vực Đông Nam Á của Economist Intelligence Unit (EIU) nói, sau 20 năm đổi mới, Việt Nam đã tạo được động lực to lớn cho phát triển kinh tế, tạo sinh lực mới cho DN, đưa hàng triệu người dân thoát nghèo.

Tuy nhiên, 2009 sẽ là năm của những thách thức với Việt Nam, chủ yếu do sự tác động của môi trường bên ngoài. "Việt Nam không thể chạy trốn khỏi những khó khăn chung". 

Theo dự báo của The Economist, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay chỉ đạt 0,3%. Giá trị xuất khẩu sẽ giảm 31%, trong đó giảm từ nhập khẩu dầu là 52%, may mặc giảm 32% và hàng điện tử giảm 34%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ giảm 70%. Ngành ngân hàng và thị trường tín dụng sẽ khó khăn. Các DN khó vay vì ngân hàng ngại rủi ro. Giá bất động sản giảm, ảnh hưởng tới lòng tin của nhà đầu tư và nhân dân. 

Tỉ lệ mất việc được dự đoán lên tới 8,2% trong năm nay (năm 2008 là 4,7%). Nguyên nhân thất nghiệp cao chủ yếu do sự suy giảm trong lĩnh vực xuất khẩu. Cùng với ảnh hưởng của tình hình lạm phát cao năm ngoái, thất nghiệp lớn sẽ ảnh hưởng tới tiêu dùng của Việt Nam.

"So với các năm trước, đây là bước sụt giảm lớn, có thể gây sốc, nhưng nhìn vào bối cảnh khu vực, Việt Nam sẽ thấy tình hình của mình không tệ lắm", ông Justin Wood nói thêm.

Theo nghiên cứu của tổ chức này, Việt Nam nằm trong số rất ít các nước tăng trưởng dương ở khu vực, cùng với Indonesia, Ấn Độ và Trung Quốc. Trong khi đó các nền kinh tế Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia và Philippines đều tăng trưởng âm.

Theo tính toán của của Economist, kinh tế toàn cầu năm nay tăng trưởng chỉ còn ở mức 2%. Những nền kinh tế lớn trên thế giới như EU, Mỹ, và Nhật Bản cũng đều ở mức âm (EU: -3%, Mỹ: -2,5%; Nhật Bản: -5,5%). 

Trước đó, các dự đoán về mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam của các tổ chức quốc tế dao động ở mức 2,2% - 5%. Riêng Chính phủ Việt Nam dự báo mức tăng trưởng năm nay là 6%.  

Ông Justin Wood cũng đưa ra dự báo kinh tế thế giới sẽ phục hồi vào nửa sau của năm 2010, và Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 2% trong năm tới. 

Dù đưa ra dự báo bi quan về kinh tế Việt Nam, ông Justin Wood cho rằng, không vì thế mà nhà đầu tư nước ngoài sẽ không đến đây. Việc đầu tư nước ngoài giảm không vì họ mất lòng tin vào Việt Nam mà do khó khăn của các thị trường nhập khẩu. Các DN khi lựa chọn Việt Nam đều phải nhìn tương lai 10 - 20 năm tới, không phải chỉ nhìn vào năm 2009.

Dự báo không phản ánh thực tế

Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, chuyên gia nghiên cứu của Fulbright Việt Nam, dự báo này của The Economist là kết quả của hai lần điều chỉnh dự báo của EIU về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, từ 4,2% ban đầu xuống còn 3% và bây giờ là 0,3%.

Ông Anh lí giải việc điều chỉnh là "có thể hiểu được" bởi "một nền kinh tế phụ thuộc vào đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất khẩu như Việt Nam sẽ dễ bị tổn thương do nền kinh tế toàn cầu".

Hai lí do mà ông Anh đưa ra: Một là, xuất khẩu hai tháng đầu năm 2009 của Việt Nam giảm đáng kể. Nếu không kể xuất khẩu vàng và đá quý (khoảng 836 triệu USD) xuất khẩu 2 tháng đầu năm nay giảm 15%. Hai là, giá trị sản xuất công nghệ hai tháng đầu năm 2009 của Việt Nam so với cùng kỳ năm 2008 chỉ tăng 2,5%.

Đây là hai lí do khiến EIU điều chỉnh dự báo về con số tăng trưởng năm 2009. Ngay dự báo của tổ chức này về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng hai lần điều chỉnh giảm.

Hơn nữa, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, Nhật Bản và EU chiếm tới 60% xuất khẩu của Việt Nam trong khi nhu cầu của các nước này đều giảm, và theo dự báo các nước đều tăng trưởng âm. FDI của Việt Nam cũng giảm mạnh.

"Việc điều chỉnh chỉ số dự báo là có thể hiểu được nhưng tôi không nghĩ tăng trưởng của Việt Nam thấp như vậy", chuyên gia Vũ Thành Tự Anh khẳng định.

Số liệu điều chỉnh dựa trên những sụt giảm trong hai tháng đầu năm 2009. Hai tháng này vào thời điểm Tết, do đó, không phản ánh chính xác xu hướng của nền kinh tế.

Theo phân tích định lượng từ quan sát kinh tế Việt Nam vài năm qua, tốc độ tăng trưởng công nghiệp bằng 1,5 đến 2,5 lần tăng trưởng GDP. Nếu giá trị sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm là 2,5% thì GDP sẽ ở mức khoảng 2%. Nếu điều chỉnh biến số Tết và vẫn tiếp tục xu hướng tăng trưởng này, GDP của Việt Nam sẽ ở mức từ 3-4%. 

"Sự điều chỉnh dự báo GDP của Việt Nam vì thế là quá mức và không phản ánh chính xác thực tế kinh tế Việt Nam. Việc đưa ra một con số thiếu chính xác như vậy sẽ dễ tạo nên hiệu ứng xấu, khi tin đồn xấu trở thành sự thật vì tâm lý", ông Vũ Thành Tự Anh nói.

(Theo Vietnamnet)