Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Việt Nam nêu lợi ích khi là thành viên Hội đồng Bảo an LHQ
Thứ năm: 17:24 ngày 12/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung cho biết Việt Nam có nhiều lợi ích khi là thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2020.

"Việt Nam góp phần phát huy vai trò của Hội đồng Bảo an để thế giới hoà bình, ổn định hơn. Sự ổn định đó cũng mang lại thuận lợi cho Việt Nam", Thứ trưởng Lê Hoài Trung trả lời câu hỏi của VnExpress trong họp báo quốc tế sáng nay tại Hà Nội, về vai trò Ủy viên không thường trực  Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) của Việt Nam, nhiệm kỳ 2020 - 2021. 

Theo ông Trung, khi tình hình thế giới ổn định, Việt Nam sẽ có môi trường quốc tế thuận lợi cho hợp tác, phát triển kinh tế với các nước khác.

HĐBA có 15 thành viên, trong đó 5 thành viên thường trực và 10 thành viên được bầu với nhiệm kỳ hai năm. Trong nhiệm kỳ này, Việt Nam là đại diện duy nhất thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Là một trong 6 cơ quan chính của LHQ, HĐBA có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, ngăn ngừa xung đột và khủng hoảng, chấp nhận các thành viên mới vào LHQ và phê chuẩn thay đổi với Hiến chương LHQ. 

Ông Trung khẳng định, tham gia vào HĐBA sẽ giúp Việt Nam tăng cường quan hệ với các nước. Các đối tác trên thế giới sẽ tin cậy Việt Nam hơn, cùng trao đổi về các mối quan tâm của nhau, thúc đẩy hợp tác nhiều mặt.

Việt Nam cũng có điều kiện thể hiện đường lối đối ngoại của mình tại HĐBA, trong đó có  hợp tác, phát triển với các nước; đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ.

Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung trong họp báo sáng nay tại Hà Nội. Ảnh Phạm Hà.

Thứ trưởng Trung cho biết xu thế chính trên thế giới vẫn là hoà bình, hợp tác và phát triển. Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, quan hệ hữu nghị với nhiều nước trên thế giới. Đây cũng là những thuận lợi của Việt Nam trong năm làm ủy viên không thường trực của HĐBA.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trung cho rằng quan hệ giữa các nước lớn trên thế giới khó khăn, tác động tiêu cực đến các nước khác. Các thành viên của LHQ đồng tình rằng từ sau Chiến tranh Lạnh, đây là lúc các nước lớn, là thành viên thường trực của HĐBA, có sự chia rẽ ở mức cao nhất. Chủ nghĩa đa phương trên thế giới đang gặp thách thức, do sự gia tăng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, các hành động đơn phương, đe doạ và sử dụng vũ lực. 

Việt Nam sẽ có hai tháng làm Chủ tịch HĐBA là vào tháng 1/2020 và tháng 4/2021. Trong tháng 1/2020, ưu tiên của Việt Nam là tổ chức các chương trình kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ, đề cao vai trò của các tổ chức khu vực, trong đó có ASEAN. Phó thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh sẽ có thảo luận mở với các nước về tuân thủ Hiến chương LHQ trong duy trì hoà bình, an ninh quốc tế. 

HĐBA thiết lập các hoạt động gìn giữ hòa bình, các biện pháp trừng phạt quốc tế và chấp nhận hành động quân sự thông qua các nghị quyết. Các ủy viên không thường trực có quyền tham gia tranh luận và bỏ phiếu cho các nghị quyết. Tuy nhiên, họ không có quyền phủ quyết các nghị quyết như 5 thành viên thường trực của HĐBA.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục