Thời Sự - Chính trị   Việt Nam - Thế giới

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Việt Nam-Philippines: Chia sẻ nhiều lợi ích chung, trân quý những tình cảm đẹp 

Cập nhật ngày: 20/10/2021 - 10:24

Trong gần 3 năm công tác của tôi tại Philippines, quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Philippines tiếp tục được tăng cường về mọi mặt.

Ngày 17/11/2015, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Albert F. del Rosario, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert F. del Rosario ký Tuyên bố chung hai nước, thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, với sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Benigno Aquino III tại thủ đô Manila.

Tôi sang nhận nhiệm vụ Đại sứ Việt Nam tại Philippines từ tháng 1/2017, tức là sau hơn một năm hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược và rời Philippines vào tháng 12/2019, để đảm nhận nhiệm vụ làm Đại sứ nước ta tại Myanmar.

Quan hệ bền chặt

Trong gần 3 năm công tác của tôi tại Philippines, quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Philippines tiếp tục được tăng cường về mọi mặt.

Về quan hệ chính trị, an ninh-quốc phòng, hai nước tiếp tục duy trì trao đổi đoàn cấp cao. Tháng 9/2016, sau khi nhậm chức 2 tháng, Tổng thống Rodrigo Duterte đã thăm chính thức Việt Nam.

Tháng 4 và tháng 11/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị cấp cao các nước ASEAN; Tổng thống Philippines và Thủ tướng ta đã gặp nhau bên lề, trao đổi các vấn đề song phương và các vấn đề hai bên cùng quan tâm.

Việt Nam-Philippines: Tình hữu nghị hai bên bờ Biển Đông

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hội kiến với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong chuyến thăm Việt Nam từ ngày 28-29/9/2016. (Nguồn: TTXVN)

Ngoài ra, còn có các chuyến thăm của Lãnh đạo Bộ, ngành hai nước, như chuyến thăm Philippines và đồng chủ trì Cuộc họp Ủy ban hỗn hợp hai nước của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh vào tháng 3/2019; chuyến thăm chính thức Philippines của Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch tháng 10/2017 nhân dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và chuyến thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tháng 3/2019…

Quan hệ kinh tế - thương mại hai nước tiếp tục phát triển tốt, ổn định trong 3 năm này. Nếu lấy kim ngạch buôn bán hai chiều năm 2016 làm so sánh, thì 2017 đạt 4 tỷ USD, tăng 21,9%; năm 2018 đạt 4,722 tỷ USD, tăng 18%, và năm 2019, đạt 5,307 tỷ đô la, tăng 11,2%, hay bình quân 3 năm này tăng trung bình 20%. Đây là con số khá ấn tượng.

Các hoạt động tích cực của Đại sứ quán hai nước tại Hà Nội và Manila về xúc tiến tiến thương mại có kết quả rất tốt. Hàng năm, Đại sứ quán Việt Nam tại Manila tổ chức các cuộc xúc tiến thương mại, xúc tiến thương mại gạo, tạo lập “diễn đàn và sân chơi” cho doanh nghiệp hai nước.

Các mặt hợp tác khác cũng tiếp tục được duy trì, như hợp tác về biển, chống sự cố tràn dầu; hợp tác văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân…

Với đóng góp tích cực của Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines, đoàn đại biểu cấp cao của đảng cầm quyền Philippines Laban đã thăm chính thức và ký Thỏa thuận hợp tác với Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 8/2018.

Nhìn chung, quan hệ Đối tác chiến lược hai nước trong thời gian này tiếp tục giữ đà phát triển, đi vào chiều sâu, góp phần củng cố quan hệ hai nước ngày càng bền chặt.

Nhiều điểm tương đồng

Philippines và Việt Nam là hai quốc gia ở hai bên bờ Biển Đông, có rất nhiều điểm tương đồng. Diện tích và dân số của Philippines gần tương đương nước ta. Thủ đô Manila gần như nằm trên cùng đường vĩ tuyến với thành phố Đà Nẵng (Manila ở vĩ tuyến 14o35’, Đà Nẵng ở 15o). Hai nước lại cùng thuộc vùng Đông Nam Á và đều là thành viên ASEAN.

Hai nước chia sẻ nhiều lợi ích chung và đều có mong muốn xây dựng mối quan hệ láng giềng hữu nghị, bạn bè chân thành và hợp tác thiết thực. Đó là lý do hai nước ký hiệp định quan hệ Đối tác chiến lược, hướng tới hợp tác lâu dài, bền vững hơn.

Tuy thế, hai quốc gia cũng có điểm khác. Philippines là quốc gia quần đảo với 7.641 hòn đảo lớn nhỏ, nước ta là quốc gia trên lục địa. Người dân Philippines mến khách và mang đậm phong cách sinh hoạt của giao thoa văn hóa người châu Á với Tây Ban Nha và Hoa Kỳ - sôi động, nhiệt huyết, hát hay, nhảy giỏi và rất quảng giao, nhưng sự cần cù thì các bạn Philippines cũng rất giống người Việt Nam.

Philippines cũng có rất nhiều địa danh, thắng cảnh, nổi tiếng, được xếp hạng trên thế giới, tương tự như danh thắng của Việt Nam. Nếu Việt Nam có Vịnh Hạ Long nổi tiếng UNESCO xếp hạng di sản thiên nhiên thế giới, thì Boracay cách Manila 315 km về phía Nam cũng là di sản thiên nhiên được UNESCO công nhận.

Nếu như Philippines có những đảo cách hẳn nhóm quần đảo, rất thú vị và nổi tiếng, như Batanes ở phía Bắc, thì Việt Nam có đảo Phú Quốc nổi tiếng ở phía Nam. Cả Việt Nam và Philippines đều có những bãi biển đẹp mê hồn.

Tôi nhớ năm 2012, hãng CNN đã xếp Boracay vào một trong mười điểm nghỉ ngơi lãng mạn nhất hành tinh. Khi làm Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2017, đúng dịp kỉ niệm 50 năm thành lập ASEAN, Philippines đã chủ trương mời “gia đình” ASEAN đến địa danh nổi tiếng thế giới này.

Trong lần tháp tùng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh và phu nhân dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM50) tháng 4/2017 tại Boracay, tôi đã có được trải nghiệm đi trên một con thuyền truyền thống của ngư dân có lắp động cơ. Khi ngồi trên chiếc thuyền riêng ấy, tôi kịp quan sát nét đẹp tuyệt vời của bãi biển trứ danh với làn nước xanh trong vắt và cảnh dọc bờ biển thanh bình…

Những cuộc họp lúc nửa đêm

Ở một địa bàn đặc thù như Philippines, công tác bảo hộ công dân tại Đại sứ quán là mảng việc bận rộn, luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm cao các vị Lãnh đạo Đảng, Chính phủ, của Bộ Ngoại giao, dư luận trong nước và Đại sứ quán đặt là nhiệm vụ trọng tâm.

Đại sứ quán thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Philippines, như hải quân, lực lượng kiểm ngư và Bộ Ngoại giao để bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của ngư dân ta sang đánh bắt cá không phép tại vùng biển thuộc chủ quyền của Philippines và thu xếp đưa ngư dân về nước.

Tôi nhớ mãi khi mới sang Philippines nhận nhiệm vụ thì xảy ra việc 11 thuyền viên Việt Nam bị lực lượng khủng bố Abu Sayaf bắt giữ trên biển miền Nam Philippines từ cuối năm 2016.

Trong suốt cả năm 2017, mặc dù rất bận rộn vì đón nhiều đoàn lãnh đạo nước ta sang Philippines dự các hoạt động ASEAN do Chủ tịch luân phiên Philippines tổ chức quanh năm, Đại sứ quán và cá nhân tôi vẫn thu xếp thời gian và dành nhiều nỗ lực cho việc giải cứu các thuyền viên.

Lúc đó, nghĩ đến những thân nhân gia đình của 11 thuyền viên đang ngày đêm mong ngóng người con của họ được tự do trở về vòng tay gia đình, chúng tôi không quản đêm, ngày, tận dụng các dịp Lãnh đạo ta sang họp để nhắc lại quan tâm cao của ta.

Bản thân Đại sứ cũng tích cực vận động các Bộ trưởng và cơ quan của Philippines, như Bộ trưởng Quốc phòng, Tham mưu trưởng quân đội, Tổng trưởng cảnh sát, Cảnh sát chống khủng bố… trong suốt cả năm.

Đại sứ quán cũng giao cán bộ lãnh sự thường xuyên túc trực để xử lý ngay khi có thông tin về số phận các thuyền viên; nhiều cán bộ ngoại giao được huy động, kể cả cán bộ Phòng Tùy viên quốc phòng.

Nhiều cuộc họp diễn ra, kể cả lúc 12h đêm, ngay khi có thông tin, và nhiều phương án được đưa ra, nhiều chuyến đi xuống địa phương Mindanao, miền Nam Philippines, được tổ chức phối hợp với lực lượng quân đội, cảnh sát Philippines.

Tôi vẫn còn vẹn nguyên cảm giác bồn chồn lo lắng khi có cán bộ ngoại giao đi xuống miền Nam, vì đây là nơi quân đội Philippines giao chiến hàng ngày với quân khủng bố, đi đến đó là vào vùng nguy hiểm, chiến tranh…

Đại sứ quán Việt Nam hoàn tất thủ tục đưa thuyền viên Việt Nam được giải cứu tại Philippines về nước. (Nguồn: TTXVN)

Kết thúc năm, Đại sứ quán đã nỗ lực giải quyết gần như vẹn toàn số thuyền viên bị bắt cóc, với 50% số người được cứu. Kết quả có được là nhờ sự quan tâm và phối hợp nhịp nhàng của Bộ Ngoại giao và cơ quan trong nước, sự hỗ trợ và giúp đỡ của các lực lượng quân đội, cảnh sát, chức năng của Philippines, kể cả hãng hàng không chuyên chở và nỗ lực không mệt mỏi của các cán bộ Đại sứ quán tại Manila, trong đó có một phần đóng góp nhỏ bé của cá nhân…

Phải nói rằng vấn đề bảo hộ ngư dân Việt Nam đã nhận được sự quan tâm và hỗ trợ rất lớn từ phía chính quyền và cơ quan chức năng của Philippines. Tháng 11/2017, tôi dự lễ tiễn các ngư dân Việt Nam về nước, cùng với sự có mặt của đích thân Tổng thống Philippines…

Tháng 6/2019, vụ ngư dân ta cứu 22 ngư dân tàu cá GEM VIR1 của Philippines bị tàu nước ngoài đâm chìm tại khu vực bãi Cỏ Rong (Reed Bank) cũng đã khiến người Philippines cảm kích và khiến cho họ càng quý Việt Nam hơn.

Danh thiếp là đầu câu chuyện…

Trước khi đi nhận nhiệm vụ, tôi in 5.000 danh thiếp để phục vụ công việc, nhất là nhiệm vụ gặp gỡ, tìm hiểu trao đổi với các đối tác.

Thực tế, khi kết thúc nhiệm kỳ, tôi không còn dư một danh thiếp nào!

Chính qua tiếp xúc, gặp gỡ, làm việc trong ba năm và “danh thiếp là đầu câu chuyện” ấy, tôi gặp được nhiều người bạn Philippines thân thiết, tình cảm với Việt Nam.

Trước hết phải kể đến ông Albert F. de Rosario, Ngoại trưởng Philippines giai đoạn 2011-2016. Tôi gặp ông lần đầu trong năm 2017, khi ấy ông gần 80 tuổi nhưng vẫn tích cực hoạt động xã hội, trí tuệ minh mẫn, có sự điềm đạm, kinh nghiệm của nhà ngoại giao kỳ cựu và rất thiện cảm với Việt Nam. Cựu Ngoại trưởng và phu nhân vẫn lưu giữ tình cảm thân tình với Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và phu nhân.

Tôi có may mắn được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh giao gửi biếu “bác” De Rosario một bức tranh quý trong năm 2017. Khi kết thúc nhiệm kỳ, tôi đã đến chào từ biệt cựu Ngoại trưởng và phu nhân.

Với tình cảm chân thành của cá nhân với Việt Nam, “bác” De Rosario thân tình chúc tôi tiếp tục công tác thành công và “chuyển lời hỏi thăm của tôi tới Bộ trưởng Minh nhé!”, một cách gọi thân tình của cựu Ngoại trưởng với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh.

Một người bạn trân quý khác của Việt Nam là Thẩm phán Antonio Carpio, một trong những thẩm phán uy tín, làm việc lâu năm tại Tòa án tối cao Philippines, có kiến thức luật pháp uyên thâm, trí tuệ và giống “bác” De Rosario, rất quý Việt Nam. Với sự phối hợp tích cực của Đại sứ quán ta, Thẩm phán đã có lần đến giảng bài tại Học viện Ngoại giao Việt Nam năm 2018.

Cựu Ngoại trưởng De Rosario và Thẩm phán A. Carpio, với kiến thức rộng, hiểu biết sâu, đã giúp tôi học được nhiều về luật pháp quốc tế, về Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, về lòng yêu nước và trách nhiệm của công dân đối với đất nước, hết lòng bảo vệ chủ quyền đất nước.

Đó chỉ là hai trong số nhiều người bạn Philippines có tình cảm lớn với Việt Nam. Những tình cảm này khiến tôi cảm thấy gắn bó với đất nước Philippines hơn, và tự hào được đóng góp một phần nhỏ bé vào tiến trình phát triển quan hệ hai nước.

Nguồn baoquocte