BAOTAYNINH.VN trên Google News

Việt Nam sẽ đăng ký ranh giới ngoài thềm lục địa đúng hạn

Cập nhật ngày: 28/04/2009 - 07:45

Tuần biển

Chỉ còn hai tuần nữa, thời hạn đăng ký đường ranh giới ngoài của thềm lục địa sẽ đến (ngày 13.5). Việt Nam đang gấp rút chuẩn bị để nộp đăng ký đúng thời hạn. Dự kiến, Việt Nam sẽ nộp báo cáo trước thời hạn 1 tuần - Vụ trưởng Vụ Biển, Ban Biên giới, Bộ Ngoại giao Nguyễn Quang Vinh cho biết.

Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình nghiên cứu và đang trao đổi với các nước láng giềng để phối hợp làm và nộp văn bản lên Liên hiệp quốc. 

"Việt Nam chủ trương bảo vệ quyền của mình trên thềm lục địa trên cơ sở xem xét quan điểm của các bên lên quan. Việt Nam mong muốn cùng các bên liên quan trao đổi, thảo luận và hợp tác", ông Vinh nói.

Thời gian qua, Việt Nam đã chủ động liên hệ cùng các nước láng giềng có chung đường biên giới trên biển để trao đổi về việc đăng ký đường ranh giới ngoài của thềm lục địa.

Đến nay, Việt Nam đã cùng thỏa thuận với Malaysia viết báo cáo chung lên Liên hiệp quốc. Việt Nam đã mời Brunei tham gia cùng hai nước trong quá trình này. Và mới đây, Brunei đã mong muốn cùng tham gia, Việt Nam và Malaysia đang xem xét cùng hợp tác.

Philippines cho biết không nêu khu vực chồng lấn với Việt Nam trong báo cáo của mình, xem đây là khu vực bảo lưu, sẽ có báo cáo sau. Lãnh đạo Philippines cam kết sẽ không phản đối báo cáo của Việt Nam.

Với Trung Quốc, nước này phản đối tất cả các nước trong khu vực về báo cáo biên giới ngoài thềm lục địa, không chỉ riêng Việt Nam.

"Dù khó khăn, nhưng Việt Nam sẽ nỗ lực và đang gấp rút để hoàn thành báo cáo đăng ký với Liên hiệp quốc trước thời hạn 1 tuần" Vụ trưởng Vụ Biển, Ban Biên Giới khẳng định.

Tuy nhiên, theo ông Vinh, việc đăng ký này không có giá trị phân chia thềm lục địa. Đó thuần túy chỉ là các kết quả khoa học về địa chất và các thông số về thềm lục địa của các nước.

Căn cứ vào các nghiên cứu này, các nước sẽ dự kiến mở rộng thềm lục địa của mình, từ ngoài 200 hải lý tới 350 hải lý, căn cứ theo tiêu chuẩn của Liên hiệp quốc. Tổ chức này sẽ có một ủy ban xem xét chấp nhận các đăng ký này ra sao.

Biển Đông được các luật gia và chiến lược gia trên thế giới đánh giá là khu vực tiềm tàng xung đột, điểm nóng dễ bùng nổ trên thế giới. Tranh chấp trên Biển Đông là tranh chấp phức tạp nhất với 5 nước 6 bên, đồng thời ở bình diện rộng nhất trên thế giới. Do đó, có được đường ranh giới trên biển hoà bình, ổn định và lâu dài được xem là ưu tiên của Chính phủ Việt Nam.

(Theo Vietnamnet)