Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Việt Nam tăng 2 bậc về phát triển Chính phủ điện tử
Thứ sáu: 09:10 ngày 28/08/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Việt Nam đứng thứ 86/193 quốc gia về mức độ phát triển Chính phủ điện tử, tăng hai bậc so với giai đoạn trước.

Khảo sát được thực hiện bởi Liên Hiệp Quốc trong gian đoạn từ tháng 8/2017 đến tháng 7/2019 cho thấy, Việt Nam đạt chỉ số phát triển Chính phủ điện tử là 0,6667 (trên thang 0 - 1), đứng thứ 86 trên thế giới, xếp hạng 24/47 tại châu Á và thứ 6/11 tại Đông Nam Á. Năm 2018, Việt Nam đứng thứ 88 trên thế giới.

Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam, theo báo cáo năm 2020 của Liên Hiệp Quốc.

Mức độ phát triển Chính phủ điện tử hình thành từ ba chỉ số chính: hạ tầng viễn thông, nhân lực và dịch vụ trực tuyến. Ngoài ra, còn ba chỉ số phụ là tham gia điện tử, dịch vụ trực tuyến của địa phương và dữ liệu mở.

Trong đó, chỉ số hạ tầng viễn thông của Việt Nam đạt 0,6694, đứng thứ 5 ở Đông Nam Á, thứ 69 trên thế giới, tăng 31 bậc so với giai đoạn trước. Cụ thể, trung bình cứ 100 người dân tại Việt Nam có 120 thuê bao di động, 13,6 thuê bao băng rộng cố định và 71,89 thuê bao băng rộng di động. Tỷ lệ người dùng Internet tại Việt Nam đạt 70,35%, tức là cứ 100 người, có hơn 70 người sử dụng Internet, tăng mạnh so với 46,5% của năm 2018.

Xếp hạng về nguồn nhân lực của Việt Nam cũng tăng 3 bậc, từ 120 lên 117. Tuy nhiên, dịch vụ trực tuyến giảm 22 bậc so với năm 2018, từ 59 xuống 81, dù chỉ số vẫn ở mức cao so với trung bình của thế giới. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ số dịch vụ trực tuyến của Việt Nam bị giảm chỉ số và thứ hạng là do cách thức đánh giá của Liên Hiệp Quốc có sự thay đổi, dẫn đến giảm chỉ số trung bình của cả thế giới. Ngoài ra, do báo cáo chỉ tính đến tháng 9/2019 nên các nỗ lực giai đoạn đầu năm 2020 của Việt Nam chưa được ghi nhận

Bảng xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử từ năm 2014 đến nay chứng kiến sự tăng hạng liên tục của Việt Nam, từ thứ 99 (năm 2014) lên 86 (năm 2020). Tuy nhiên, xét trong khu vực Đông Nam Á, thứ hạng của Việt Nam không đổi, trong khi khoảng cách với các nước xếp sau như Indonesia, Campuchia đang bị thu hẹp. Một số nước trong khu vực có mức độ tăng trưởng mạnh, như Indonesia tăng 19 bậc, Thái Lan tăng 16 bậc, Myanmar tăng 11 bậc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, đánh giá việc phát triển Chính phủ điện tử trong nước có cố gắng và những cách làm mới. Tuy nhiên, "nước ta cố gắng thì các nước khác cũng cố gắng ngang hoặc thậm chí hơn chúng ta", Phó Thủ tướng nói. Theo ông, "chìa khoá" của vấn đề là cần những cách làm mới. Việt Nam đặt mục tiêu cải thiện thứ hạng lên 10 - 15 bậc trong báo cáo năm 2022.

Nguồn VNE

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục