Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Qua hành trình 40 năm đồng hành cùng UNCLOS, Việt Nam đã khẳng định là thành viên có trách nhiệm của Công ước, luôn tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế. Nhà nước Việt Nam luôn quyết tâm bảo vệ chủ quyền, quyền và các lợi ích của mình được xác lập phù hợp theo UNCLOS, đồng thời phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình nhấn mạnh, là quốc gia biển, sự phát triển của các vùng biển, đảo Việt Nam có vai trò không nhỏ trong việc hiện thực hóa những mục tiêu phát triển đất nước như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Hội thảo khoa học "Công tác biển, đảo Việt Nam sau 10 năm thực hiện Luật Biển 2012, 40 năm thực hiện UNCLOS 1982 và những vấn đề đặt ra đối với công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục" do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan tổ chức diễn ra vào chiều 8/12.
Hội thảo là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 40 năm ngày Liên Hợp Quốc ban hành Công ước về Luật Biển (UNCLOS 1982) và kỷ niệm 10 năm Quốc hội Việt Nam ban hành Luật Biển Việt Nam năm 2012.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình nêu rõ, là quốc gia biển, sự phát triển của các vùng biển, đảo Việt Nam có vai trò không nhỏ trong việc hiện thực hóa những mục tiêu phát triển đất nước như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Trong bối cảnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về biển, đảo của Tổ quốc cần được quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa. Không chỉ tuyên truyền sâu rộng những kiến thức về biển, đảo Việt Nam; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới, lãnh thổ quốc gia nói riêng mà còn nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về vai trò quan trọng của công tác biển, đảo trong chiến lược bảo vệ an ninh, chủ quyền, phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Kết quả của hội thảo quan trọng này sẽ là cơ sở để Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan chức năng định hướng nội dung, phương thức tuyên truyền biển, đảo trên toàn quốc trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Tham luận tại hội thảo, các đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã tập trung phân tích, đánh giá, làm rõ những kết quả đạt được của công tác biển, đảo nói chung và công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về biển, đảo Việt Nam nói riêng sau 10 năm Quốc hội ban hành Luật Biển và 40 năm thực hiện UNCLOS 1982.
Các đại biểu thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp, nhiệm vụ về đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về biển, đảo của Tổ quốc - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Các đại biểu khẳng định, với tư cách là quốc gia thành viên có trách nhiệm của UNCLOS 1982, Việt Nam đã từng bước xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp quy nhằm tạo lập môi trường pháp lý cho công tác quản lý, sử dụng biển và các hoạt động phát triển bền vững, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Minh chứng rõ ràng nhất thể hiện đóng góp thực chất của Việt Nam là Luật Biển Việt Nam với vai trò là một đạo luật tổng thể của quốc gia về biển đã được Quốc hội thông qua ngày 21/6/2012, chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2013. Luật Biển Việt Nam 2012 đã quy định đầy đủ chế độ pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyển, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, các quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển tại các vùng biển được xác định đúng theo quy định của UNCLOS.
Việt Nam cũng đã nghiên cứu, soạn thảo và ban hành nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành về các lĩnh vực biển khác nhau nhằm cụ thể hóa các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan.
Các luật, bộ luật và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về biển là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam thực hiện, bảo đảm các quyền và nghĩa vụ của mình theo UNCLOS, triển khai hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, khai thác và sử dụng biển một cách phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế.
Các ý kiến cũng khẳng định, qua hành trình 40 năm đồng hành cùng UNCLOS, với những nỗ lực và đóng góp của mình, Việt Nam đã chuyển đi một thông điệp quan trọng tới cộng đồng quốc tế: Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của Công ước, luôn tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế. Nhà nước Việt Nam luôn quyết tâm bảo vệ chủ quyền, quyền và các lợi ích của mình được xác lập phù hợp theo UNCLOS, đồng thời phấn đấu vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.
Một số ý kiến cho rằng, thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy, để cao những giá trị tốt đẹp của UNCLOS 1982, hoàn thiện các chính sách, văn bản về biển của Việt Nam; thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực biển; chủ động học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác trong áp dụng các quy định của UNCLOS để sử dụng và quản lý biển và đại dương một cách hiệu quả, đồng thời tích cực đóng góp sáng kiến tại các cơ chế, diễn đàn thuộc khuôn khổ của Liên Hợp Quốc về biển và đại dương...
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp, nhiệm vụ về đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về biển, đảo của Tổ quốc.
Việt Nam sở hữu trên 3.260 km bờ biển với hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Biển thực sự rộng lớn và có ý nghĩa quan trọng tới sự tồn vong và phát triển của đất nước. Trước những tiềm năng to lớn của biển, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng là thực hiện song song hai nhiệm vụ vừa phát triển bền vững kinh tế biển, vừa bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển, đồng thời mở ra hướng "tư duy đại dương" trong thời đại kinh tế mở và hội nhập toàn cầu.
Để xây dựng nước Việt Nam thực sự trở thành quốc gia "mạnh về biển, làm giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng" yêu cầu đặt ra là sự thống nhất cao về nhận thức trong mọi tầng lớp nhân dân, đi đôi với khơi dậy ý chí độc lập dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào về biển đảo Việt Nam.
Nguồn baochinhphu