Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức tham vấn pháp luật Á-Phi
Thứ tư: 21:48 ngày 03/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ngày 2.5, tại Nairobi, Kenya, đã diễn ra lễ khai mạc Hội nghị thường niên lần thứ 56 của Tổ chức Tham vấn pháp luật Á - Phi (AALCO). Việt Nam lần đầu tiên tham dự Hội nghị của AALCO với tư cách thành viên chính thức. Trước đây, Việt Nam tham dự AALCO với tư cách quan sát viên.

Tham dự Hội nghị AALCO có đại diện của các quốc gia thành viên, các quan sát viên, Ban thư ký của AALCO và một số quan chức của Chính phủ Kenya. Phó Tổng thống Kenya William Ruto đã có bài phát biểu khai mạc Hội nghị.

Đoàn Việt Nam do Đại sứ Tôn Sinh Thành, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ (nơi có trụ sở của AALCO) làm Trưởng đoàn, cùng với đại diện của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp.


Tổng thư ký AALCO Kennedy Gastorn phát biểu khai mạc Hội nghị.

Tại phiên khai mạc của Hội nghị, Tổng Thư ký AALCO Kennedy Gastorn nhiệt liệt hoan nghênh Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 47 của AALCO từ ngày 24/02/2017. Các đoàn đại biểu các thành viên AALCO cũng bày tỏ chúc mừng Việt Nam chính thức gia nhập AALCO.

Phát biểu tại  Hội nghị, Đại sứ Tôn Sinh Thành bày tỏ: “Việt Nam cảm ơn các quốc gia thành viên và Ban Thư ký AALCO đã ủng hộ Việt Nam gia nhập AALCO. Việt Nam đánh giá cao nỗ lực và đóng góp quan trọng của AALCO trong việc tạo điều kiện cho các quốc gia thành viên thảo luận các vấn đề pháp lý quốc tế liên quan đến lợi ích của các quốc gia ở châu Á và châu Phi, đưa ra các khuyến nghị với chính phủ các quốc gia này cũng như truyền đạt quan điểm của AALCO tới Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác”.

Đại sứ Tôn Sinh Thành cũng nhắc lại, Việt Nam là một trong 29 quốc gia mới độc lập tham dự Hội nghị Băng-đung năm 1955 tại Indonesia và kể từ đó, Việt Nam đã nỗ lực không ngừng đóng góp cho việc tăng cường hợp tác Á - Phi; đồng thời bày tỏ cám ơn các nước và nhân dân Á - Phi đã và đang ủng hộ Việt Nam trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước.


Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên, phát biểu cảm ơn Ban thư ký AALCO và các quốc gia thành viên.

Đại sứ Tôn Sinh Thành tái khẳng định, với tư cách thành viên chính thức của AALCO, Việt Nam cam kết nỗ lực hợp tác cùng với các quốc gia thành viên và Ban Thư ký AALCO triển khai các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ của AALCO, phù hợp với Quy chế và Quy tắc của Tổ chức này; đồng thời bày tỏ mong muốn học hỏi kinh nghiệm từ các nước thành viên khác trong các vấn đề pháp lý quốc tế.

Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức tham vấn pháp luật Á - Phi và là thành viên mới nhất của tổ chức này, với sự ủng hộ của tất cả các quốc gia thành viên. Việc Việt Nam gia nhập AALCO đánh dấu một bước phát triển mới trong tiến trình hội nhập quốc tế trong lĩnh vực pháp lý nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung của Việt Nam.


Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị.

Tại Hội nghị thường niên AALCO lần này, có 5 chủ đề chính được thảo luận, bao gồm các khía cạnh pháp lý nhằm phòng chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực và khủng bố, quy chế và đối xử với người tị nạn, bảo vệ bầu khí quyển, miễn trừ tài phán hình sự quốc tế đối với quan chức nhà nước, và luật pháp quốc tế về không gian mạng, là những vấn đề đang được thảo luận tại Liên hợp quốc, đặc biệt là tại Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) và Ủy ban 6 của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

AALCO là tổ chức quốc tế liên chính phủ được thành lập năm 1956 trong Phong trào không liên kết của các châu Á và châu Phi.

Với mục tiêu là diễn đàn hợp tác, trao đổi quan điểm, kinh nghiệm và thông tin của các quốc gia châu Á và châu Phi về những vấn đề luật pháp quốc tế gắn với lợi ích của những nước này, AALCO đã đóng góp vào việc pháp điển hoá và phát triển luật pháp quốc tế, là tổ chức quốc tế duy nhất trên thế giới hiện nay tập hợp và thúc đẩy đoàn kết của các nước châu Á và châu Phi trong lĩnh vực pháp luật quốc tế.

Một trong những đóng góp nổi bật của AALCO trong thời gian qua cho sự phát triển của pháp luật quốc tế là việc tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến hoàn thiện Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Từ một Ủy ban với chỉ 7 quốc gia thành viên ban đầu đều ở châu Á, AALCO hiện nay có 47 quốc gia thành viên ở cả châu Á và châu Phi.

Nguồn baoquocte(từ ĐSQ VN tại Ấn Độ)

Tin cùng chuyên mục