Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Việt – Nhật: Từ quan hệ ‘phía bên kia’ đến một loạt ‘cái nhất’
Thứ ba: 10:13 ngày 29/05/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nhiều nhà chính trị và nhà phân tích đều nhận định rằng: hiện nay, mối quan hệ hợp tác, hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản đang ở thời kỳ tốt đẹp nhất từ trước đến nay.

Nếu mặc nhiên coi nhận định này là đúng thì mối bang giao này sẽ phải đối mặt với một vấn đề mang tính “quy luật của muôn đời”. Đó là: nếu trở thành “nhất” tức là đã đến ngưỡng, và nếu không vượt qua ngưỡng này tức là bắt đầu một sự bế tắc ngoài mong muốn. Câu hỏi đặt ra ở đây là: tương lai nào cho mối quan hệ này? 

Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao (21/9/1973) vài năm, tức là vào những năm cuối của thập niên 70, quan hệ hai nước gặp một số vấn đề mà đỉnh điểm là việc Nhật Bản ngừng cung cấp viện trợ phát triển (ODA) cho Việt Nam vào năm 1979. Tuy nhiên, có thể khẳng định trong khoảng 25 năm trở lại đây, hợp tác Việt - Nhật trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa... đạt được nhiều thành tựu to lớn mà chỉ trước đó vài năm, khi hai nước còn ở vào thế “phía bên kia” của nhau, khó tưởng tượng được. Trong đó, quan hệ chính trị là động lực, kinh tế là trụ cột, còn văn hóa là nền tảng. 

Từ hiện tại... 

Sự phát triển nhanh chóng, vững chắc của mối quan hệ chính trị Việt – Nhật là điều không cần phải bàn cãi. Những chuyến thăm qua lại của lãnh đạo hai nước bao gồm cả cấp cao nhất, trong đó có chuyến thăm Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản hồi đầu năm 2017, là minh chứng cụ thể nhất cũng như là tác nhân tạo nên sự tin cậy vốn hiếm có trong các mối quan hệ quốc tế hiện nay khi nhiều nước sẵn sàng hy sinh đối tác vì những lợi ích cụ thể, thậm chí là ngắn hạn của nước mình. 

Không chỉ dừng ở khuôn khổ song phương, hai nước còn phối hợp và đồng thuận ở nhiều diễn đàn quốc tế như Liên Hợp Quốc(LHQ, UN), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)…. Đặc biệt, Việt Nam ủng hộ Nhật Bản trong việc thực hiện mục tiêu chính trị - ngoại giao mà nước này đã nhiều năm “lao tâm khổ tứ” là trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ. 

Nếu ai đó theo dõi kỹ có thế nhận thấy không giống như nhiều nước châu Á khác, Việt Nam, với chính sách “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, không nhắc lại các vấn đề từ thời Chiến tranh thế giới thứ II như nạn đói năm Ất Dậu, vấn đề Nhật Bản thờ phụng những nhân vật bị phán quyết là tội phạm chiến tranh… cũng như không hề đưa ra yêu sách hay điều kiện nào. 

Ngược lại, Nhật Bản cũng không có những hành vi mang tính can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam như chỉ trích vấn đề nhân quyền, tôn giáo… trong khi “ông bạn” đồng minh của nước này là Hoa Kỳ thường xuyên lặp lại. Chính mối quan hệ chính trị đầy tin cậy này đã tạo động lực cho sự phát triển toàn diện của hợp tác Việt – Nhật. 

Về kinh tế, không cần nói nhiều, cũng không cần nêu lại những con số thống kê với một loạt những cái “nhất” xuất hiện thường xuyên trên các mặt báo hay các báo cáo… ai ai cũng biết và cảm nhận đầy đủ những thành tựu và lợi ích từ hợp tác Việt – Nhật, bắt đầu từ những cái nho nhỏ như một ngôi trường tiểu học hay mẫu giáo ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được xây dựng hoặc tôn tạo từ nguồn viện trợ không hoàn lại cho đến những đại công trình như nhà ga hàng không hay đường cao tốc, đường sắt với vốn ODA của Nhật Bản. Có thể thấy, Nhật Bản hợp tác, hỗ trợ Việt Nam theo ba trụ cột: Thương mại – Đầu tư – ODA. 

Đối với Nhật Bản, Việt Nam có một vị trí quan trọng cả về địa lý lẫn ngoại giao, vì vậy, hỗ trợ Việt Nam thực hiện kiến thiết đất nước và tăng trưởng kinh tế được coi là sứ mệnh quan trọng. Chia sẻ với Việt Nam nhận thức: “Cần tăng trưởng kinh tế để xóa đói giảm nghèo” và với tinh thần tôn trọng sự tự lực của Việt Nam, Nhật Bản đã vận dụng cách tiếp cận dựa trên ba trụ cột nêu trên, hỗ trợ Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, tạo công ăn việc làm. Nhật Bản còn giúp Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích đầu tư với dự án về hoạch định chiến lược phát triển kinh tế thị trường, hoàn thiện cơ chế chính sách…. trong đó nổi bật là “Sáng kiến chung Việt – Nhật”. 

Hợp tác kinh tế còn lan tỏa sang cả an sinh xã hội. Ở lĩnh vực này, Nhật Bản cũng chú trọng hỗ trợ trên cả hai phương diện: xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực với các dự án ở 3 bệnh viện tuyến trung ương: bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Trung ương Huế; nâng cao năng lực phòng chống các bệnh truyền nhiễm như sởi, cúm gia cầm, sản xuất vắc-xin, nâng cao sức khỏe nhân dân, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, nước sạch nông thôn và đô thị… 

Một lĩnh vực hợp tác khác được coi là nền tảng cho mối quan hệ song phương đó là văn hóa. Đây là lĩnh vực rộng lớn nhất và bao hàm nhiều hoạt động như phái cử tình nguyện viên, tổ chức các hoạt động giao lưu tại cả hai nước, hợp tác giáo dục, đào tạo ngôn ngữ, trao đổi du lịch… Nói là nền tảng là bởi vì nếu không có sự hiểu biết lẫn nhau về mặt văn hóa sẽ làm nảy sinh nhiều rào cản khó vượt qua nổi như ngôn ngữ, tập quán, sự tôn trọng lẫn nhau…. 

Về phái cử tình nguyện viên, Chương trình cử Tình nguyện viên Nhật Bản được triển khai từ năm 1995. Thời kỳ đầu chương trình chỉ giới hạn ở việc cử giáo viên dạy tiếng Nhật ở Hà Nội. Nhưng sự tận tụy trong công việc của các Tình nguyện viên được đánh giá cao, khiến chương trình được mở rộng ra nhiều lĩnh vực như: y tế, giáo dục, bảo tồn di sản văn hóa, công nghiệp phụ trợ và khu vực tư nhân. Là những người thường xuyên tiếp xúc, giao lưu trực tiếp với người dân địa phương, Tình nguyện viên Nhật Bản đã, đang và sẽ tiếp tục đứng ở vị trí tiên phong với vai trò cầu nối. 

Về các hoạt động giao lưu văn hóa, trong vài năm trở lại đây, hoạt động này có sự thay đổi lớn cả về lượng và chất.

Các “Lễ hội Nhật Bản tại Việt Nam” và “Lễ hội Việt Nam  tại Nhật Bản” được tổ chức thường xuyên, thậm chí các hoạt động giới thiệu văn hóa còn được lồng ghép với các hoạt động khác hoặc các lễ hội truyền thống của hai nước. Trong khi đó, trao đổi du lịch có những bước tiến ngoài dự đoán. Những tưởng là địa bàn đắt đỏ bậc nhất thế giới, Nhật Bản vẫn nằm ngoài tầm với của du khách Việt, thế nhưng, trong 2-3 năm trở lại đây, số du khách Việt Nam đi ngắm hoa Anh Đào hay mua sắm ở xứ Phù Tang lại tăng đột biến khiến một loạt các công ty du lịch và địa phương của Nhật phải chuyển hướng quảng bá dịch vụ và sản phẩm sang Việt Nam với tư cách là một thị trường đầy hứa hẹn.

Còn tiếp…

Nguồn vietnamnet

Tin cùng chuyên mục